spot_img
20 C
Vietnam
Thứ ba,26 Tháng mười một
spot_img

“Cơn ác mộng” đang ám ảnh Trung Quốc: Đến người có bằng thạc sĩ phải làm… nghề phân loại rác

Tân Thế Kỷ – Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi tại Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục. Các sinh viên mới ra trường của quốc gia này thiếu việc đến mức sẽ chọn bất kỳ vị trí nào đang tuyển dụng, kể cả phân loại rác hay ngành không phù hợp với chuyên môn.

Cuộc cạnh tranh việc làm khốc liệt

Ở tuổi 25, Liu Maomao không còn được coi là “trẻ” theo tiêu chuẩn về nhân khẩu học lao động. Do đó, việc cô không có việc làm cũng không được phản ánh trong thị trường lao động ngày càng u ám của Trung Quốc, đặc biệt là với nhóm thanh niên 16 đến 24 tuổi. Thay vào đó, trường hợp như của Liu được liệt kê trong tỷ lệ thất nghiệp của cả nước.

Liu cho hay: “Hy vọng rằng, cuối cùng tôi sẽ kiếm được một công việc khác ngoài làm cử nhân, chẳng hạn như bán hàng. Nếu không thì tôi dành thêm 3 năm để học tiếp làm gì?”

Đã khoảng 1 tháng kể từ khi Liu hoàn thành khoá học cao học tại một trường đại học ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Cô đã có những ý tưởng về công việc mong muốn, nhưng có thể phải mất đến vài tháng để đạt được mục tiêu. Cô sở hữu bằng thạc sĩ ngành quản lý du lịch và muốn làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước.

Anh minh hoa Anh Reuters
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (16-24 tuổi) ở thành thị tiếp tục đạt kỷ lục là 21,3% vào tháng 6. – Ảnh minh hoạ – Ảnh Reuters.

Liu nói: “Cuộc cạnh tranh hoá ra khốc liệt hơn tôi tưởng tượng. Rất nhiều ứng viên tìm việc, thậm chí là cho cả những vị trí mà vài năm trước không ai quan tâm.”

Nếu không thể làm trong công ty nhà nước, Liu muốn giảng dạy tại một trường đại học công lập, nơi có mức lương ổn định hơn so với các trường tư. Tuy nhiên, cô nhận ra rằng, nếu không có bằng tiến sĩ thì mơ ước này cũng rất xa vời.

Liu vẫn đặt mục tiêu rất cao đối với sự nghiệp của mình, dù phải từ bỏ nhiều thứ để khám phá mọi cơ hội. Cô chia sẻ, một số bạn học của mình – những người tìm được việc trước và ngay sau khi tốt nghiệp, hài lòng với một công việc ổn định khi số lượng người tìm việc liên tục tăng cao.

Những yếu tố này đã khiến nhiều thanh niên Trung Quốc đặt mối ưu tiên tìm được việc, dù đó là vị trí nào, lên trước yêu cầu liệu công việc đó có sử dụng đến kiến thức mà họ đã được đào tạo hay không. Điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (16-24 tuổi) ở thành thị tiếp tục đạt kỷ lục là 21,3% vào tháng 6.

Liu cho rằng những lời mời làm việc mà sinh viên tốt nghiệp năm 2023 nhận được thường tệ hơn khoá trước. Cô cũng chỉ ra một hiệu ứng kép, khi nhiều người đã tốt nghiệp trong những năm đại dịch và đến hiện tại vẫn chưa tìm được việc.

Lãng phí tài năng khi công việc không phù hợp bằng cấp

Với trình độ học vấn của người dân ngày càng được nâng cao, Bắc Kinh đang nỗ lực tuyên truyền về tác động về kinh tế của các sinh viên tốt nghiệp với một thành phố, để gạt bỏ những lo ngại về tình trạng lực lượng lao động đang sụt giảm trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều sinh viên nhận thấy tài năng của họ đang bị lãng phí khi không thể tìm được công việc phù hợp với bằng cấp.

Tình trạng này đã khiến cư dân mạng Trung Quốc bàn tán xôn xao trong thời gian gần đây. Ví dụ, chính quyền cấp huyện ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, tháng trước đã tuyển dụng 2 người có bằng cử nhân và thạc sĩ làm giám sát phân loại rác. Theo truyền thông nước này, vị trí công việc chỉ yêu cầu bằng cao đẳng, nhưng những ứng viên có trình độ học vấn cao hơn vẫn nộp đơn.

Untitled 2bm
Ảnh chụp màn hình

Song, điều này lại trở thành xu hướng khi Bắc Kinh đang thúc đẩy nguồn nhân tài “chất lượng cao”, để hỗ trợ cho sự phát triển trong tương lai khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già. Giới chức nước này cho biết, Trung Quốc vẫn có lực lượng lao động 900 triệu người với trình độ học vấn đang tăng lên.

Dù dân số đại lục đạt đỉnh sớm hơn dự kiến, giảm 850.000 người xuống còn 1,412 tỷ dân vào năm ngoái, nhưng thanh niên mới gia nhập thị trường lao động đã được đào tạo giáo dục trung bình 14 năm tính đến năm ngoái.

Dẫu vậy, một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như chất lượng giáo dục đại học kém, chuyên ngành của sinh viên và cơ hội việc làm không phù hợp và khiến lợi nhuận đầu tư giáo dục sụt giảm.

Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, lưu ý, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm ngày càng tăng và đạt kỷ lục trong năm nay không có nghĩa là Trung Quốc đang tạo ra nguồn nhân lực mà nhiều doanh nghiệp muốn. Hơn nữa, bằng cấp cao vẫn là chưa đủ.

Tan cu nhan Trung Quoc phai gianh giat tung vi tri lam viec trong boi canh kinh te nuoc nay chua on dinh va ty le that nghiep tang cao. Anh Xinhua
Tân cử nhân Trung Quốc phải giành giật từng vị trí làm việc trong bối cảnh kinh tế nước này chưa ổn định và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Ảnh Xinhua.

Yuan Xin, giáo sư nhân khẩu học tại Trường Kinh tế của Đại học Nankai, cho biết Trung Quốc có đủ lực lượng lao động có trình độ cao, dù dân số sụt giảm. Nhưng liệu Trung Quốc có thể sử dụng hiệu quả và trọn vẹn những bằng cấp và bí quyết đó mang lại hay không vẫn là điều quan trọng, ông lưu ý.

Ông Yuan chỉ ra: “Một số chỉ số chính về lợi tức dân số chính là việc làm. Chúng ta đang chứng kiến những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ đi giao đồ ăn để kiếm sống. Điều này cho thấy tình trạng không phù hợp giữa những gì đầu ra của hệ thống giáo dục và những gì thị trường cần.”

Lối thoát nào cho ‘thế hệ thất nghiệp’ ở Trung Quốc?

Nữ sinh 21 tuổi học chuyên ngành tiếng Anh, quyết định mở một quầy hàng trên sàn thương mại điện tử Taobao, chuyên bán đồ trang sức thủ công, sau nhiều tháng xin việc bất thành.

Cửa hàng trực tuyến của Liu mang lại khoảng 300 nhân dân tệ (42 USD) mỗi tuần, đủ để cô trang trải chi phí hàng ngày trong lúc tìm kiếm công việc toàn thời gian.

Xác định mình làm nghề tự do, Liu gia nhập vào nhóm hàng triệu người có nghề nghiệp tương tự trên khắp Trung Quốc. Theo số liệu gần đây nhất của Cục Thống kê Quốc gia, Trung Quốc có 200 triệu “công nhân, nhân viên linh hoạt” vào cuối năm 2021, gấp gần 3 lần so với năm 2020.

Còn mùa hè này, hơn 11 triệu sinh viên mới tốt nghiệp dự kiến tham gia thị trường lao động. Trong khi đó, hơn 16% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc vào năm 2020 và 2021 đã chọn việc làm linh hoạt, theo dữ liệu từ Trung tâm Hướng nghiệp và Thông tin Sinh viên Giáo dục Đại học Trung Quốc.

Tam bang dai hoc khong con la bao chung giup thanh nien Trung Quoc de tim mot cong viec tri oc. Anh FT
Tấm bằng đại học không còn là bảo chứng giúp thanh niên Trung Quốc dễ tìm một công việc trí óc. Ảnh FT.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi các cử nhân thất nghiệp nên tạm dừng tham vọng nghề nghiệp của họ và hãy bắt tay vào các công việc đòi hỏi những kỹ năng thấp hơn.

Trong những tuần gần đây, phương tiện truyền thông cả trung ương lẫn địa phương Trung Quốc đã công bố hàng loạt tấm gương các cử nhân đại học kiếm được nhiều tiền nhờ những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp như bán thức ăn đường phố hoặc trồng trái cây.

Với sự phát triển của các nền kinh tế kỹ thuật số, nhóm lao động này đang tìm được việc làm trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như giao đồ ăn, bán hàng rong trên phố, phát livestream hoặc sáng tạo nội dung trên mạng.

z4406463051008 94af1afd4eef6a1d94c8b5a398b6ee5a 885
Với sự phát triển của các nền kinh tế kỹ thuật số, nhóm lao động này đang tìm được việc làm trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như giao đồ ăn, bán hàng rong trên phố, phát livestream hoặc sáng tạo nội dung trên mạng. – Ảnh: tienphong.vn

Ở tuổi 22, Chelsea Li, theo học ngành Nhân sự ở Thành Đô, tạm từ bỏ hy vọng tìm được công việc văn phòng và chuyển sang mở hàng rong bán bánh nướng, đồ tráng miệng. Bán khoảng 60 phần vào mỗi buổi sáng, Li có thể kiếm được khoảng 500 nhân dân tệ/ngày.

“Thành thật, đây là điều hạnh phúc nhất mà tôi có được kể từ khi tốt nghiệp, nó mang lại cho tôi cảm giác hài lòng. Tìm kiếm việc làm và gửi hồ sơ xin việc là một quá trình mệt mỏi”, cô nói.

Đối với một nhóm thanh niên Trung Quốc, việc làm linh hoạt là một lựa chọn khôn ngoan hơn, cho những người muốn cân bằng cuộc sống và sự nghiệp.

Leon Liu, sinh viên tốt nghiệp ngành Kiến trúc, dành nửa năm để đi du lịch trong khi làm việc từ xa. Liu thông thạo tiếng Anh, Pháp và Đức, nhận dạy ngoại ngữ trực tuyến và điều phối các dự án trao đổi văn hóa giữa sinh viên Trung Quốc và Trung Đông. Nghề tay trái là nhà tư vấn tự do cho các dự án kỹ thuật và kiến trúc.

“Trở thành ông chủ của chính mình, đồng nghĩa tôi được chọn người muốn làm việc cùng, dự án nào sẽ thực hiện”, Liu bày tỏ.

Năm 2022, Lu Sina (28 tuổi) từ bỏ công việc toàn thời gian sau 3 năm làm tại một công ty sản xuất sản phẩm dành cho bà bầu. Cô hiện là nhà tư vấn nghề nghiệp tự do tại Hàng Châu và kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ/tháng.

“Mặc dù bây giờ tôi kiếm được ít hơn so với công việc trước đây, tôi có nhiều tự do hơn. Tôi nghĩ sự đánh đổi là xứng đáng và không có ý định quay lại kiểu làm việc truyền thống”, Lu nói.

Tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng vì các hộ gia đình sẽ chọn trả nợ sớm để giảm thiểu rủi ro thay vì chi tiêu. Chính phủ Trung Quốc cũng đã triển khai một số biện pháp như trợ cấp để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng.

Sự không phù hợp giữa hệ thống giáo dục và thị trường việc làm cùng môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt đang khiến một phần năm số người trẻ tại Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam. Nếu bạn không muốn sau khi ra trường phải rất chật vật khi xin việc, hãy học thêm cho mình những kĩ năng cần thiết, tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc để đáp ứng được thị trường lao động rất cạnh tranh này.

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg

“Thanh niên 4 không” ngày càng bùng nổ ở Trung Quốc

Nghịch lý khi đi xin việc: “Trẻ đòi kinh nghiệm, già chê hết thời”

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều