Tân Thế Kỷ – Hơn 20 năm trước, bà Hệ chèo đò đã cứu 34 người thoát chết kỳ diệu. Nhưng ít ai ngờ về số phận của bà 20 năm sau.
Ở xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) hỏi đến nhà bà Nguyễn Thị Hệ không ai là không biết, bởi bà từng là ‘nữ anh hùng’ nổi tiếng một thời.
Nhưng giờ đây, tuổi hơn 70, bà Hệ chỉ còn lại một khuôn mặt khắc khổ, lưng bà oằn xuống theo những năm tháng. Bà cùng người chồng thương binh sống trong ngôi nhà vỏn vẹn gần 30m2, xây dựng từ hàng chục năm trước.
Tâm “nổi” trong chuyến đò chìm
Nhớ lại buổi sáng định mệnh trên hồ Sông Rác năm 1996, bà Hệ kể, sáng đó khi đang ăn cơm với người con trai đầu để chuẩn bị lên thuyền đi làm, bà nghe trên sông văng vẳng tiếng người kêu cứu. Vội bỏ bát đũa, bà cùng con trai chạy ra bến thuyền thì chứng kiến cảnh con thuyền của anh Hồ Văn Di chở 84 người đang dần chìm xuống dưới lòng hồ.
Không một chút đắn đó, bà cùng con trai nhanh chóng nổ máy đưa thuyền hướng về phía người dân gặp nạn. Lúc này mặt sông dày đặc sương, tiếng người kêu khóc thảm thiết. “Tôi đưa thuyền đến nơi thấy hàng chục người đang chới với giữa lòng hồ. Tôi vội dùng cây sào dài dí xuống mặt nước để những người gặp nạn bám vào, sau đó kéo từng người một đưa lên thuyền”.
Là người được bà Hệ cứu sống trong vụ chìm đò trên hồ Sông Rác, đến nay khi nhắc lại anh Bùi Ngọc Anh (SN 1990, trú xóm Thượng Phong, xã Kỳ Phong) vẫn chưa hết kinh hoàng, kể: “Đó là sáng chủ nhật nên trên thuyền có rất nhiều người. Trong số đó, đa phần là trẻ em tranh thủ ngày nghỉ lên núi chặt củi về bán lấy tiền để phụ giúp gia đình. Thuyền đông người chen chúc nhau, mọi người dồn lên đầu mũi thuyền ngồi. Ra đến giữa hồ, nước bắt đầu tràn qua mạn thuyền rồi chìm dần.
Buổi sáng trời lạnh, xung quanh sương mù, lúc chới với giữa hồ chúng tôi không biết bờ nằm ở hướng nào để bơi vào nên cứ níu lấy nhau. Trong lúc vật lộn giữa dòng nước, tôi bị cây đâm vào đùi máu chảy lênh láng, thương tích nặng. Khi cái chết kề cận trong gang tấc, tôi được mẹ con bà Hệ chèo thuyền ra cứu đưa vào bờ. Tôi và những người được bà Hệ cứu sống coi bà ấy là người hùng, là ân nhân cứu mạng”.
Trong số 84 người có mặt trên chiếc thuyền, 54 người được cứu sống. Trong đó chính tay bà Hệ cứu sống 34 người, 11 người còn lại được người dân đánh cá cứu sống. 30 người khác vĩnh viễn bỏ mạng dưới đáy hồ Sông Rác.
“Họ là những người dân sống ở các xã quanh đây thường xuyên lên thuyền qua hồ để vào núi kiếm củi. Rất nhiều người là khách quen của tôi, người lớn có, học sinh có, họ chết thật đau lòng”, bà Hệ nhớ lại.
Sau khi cứu thành công 34 mạng người dưới lòng hồ Sông Rác, bà Hệ được Thủ tướng gửi thư khen ngợi, đồng thời dành tặng cho gia đình bà số tiền 5 triệu đồng.
Thế nhưng, trái với dự đoán, bà Hệ không cảm thấy ‘hạnh phúc’. Suốt nhiều tháng sau đó, tinh thần bà luôn hoảng loạn. Nhiều đêm đang ngủ trong đầu lại vang lên những tiếng gọi đò, tiếng kêu cứu thảm thiết của những nạn nhân bị đuối nước khiến bà không thể chợp mắt tiếp.
“Tôi ân hận suốt mấy chục năm qua vì không cứu được nhiều người hơn. Hơn 30 mạng người nằm lại dưới lòng hồ luôn làm tôi day dứt không thôi”, bà ngậm ngùi cho biết.
Cũng theo bà Hệ, những người được bà cứu sống năm xưa giờ vì cuộc sống mưu sinh mỗi người một ngả, một số người ở gần vẫn thường xuyên đến thăm hỏi động viên bà.
Nguy cơ mất nhà vì vay nợ ngân hàng
Vậy mà oái oăm thay, người anh hùng trên hồ Sông Rác năm xưa khi về già phải sống trong cảnh nghèo khó, túng quẫn, nợ nần chồng chất mà khả năng của bà không thể chi trả.
Chồng thường xuyên đau yếu do những vết thương trên chiến trường tái phát, thu nhập từ làm ruộng không đủ nuôi 8 miệng ăn trong gia đình nên bà Hệ vay mượn tiền mua một chiếc thuyền để chở những người dân làm nghề chặt củi, khai thác lâm sản qua lại trên hồ Sông Rác.
Sau vụ chìm thuyền khiến 30 người chết, người dân cũng bắt đầu sợ hãi, không dám đi thuyền qua hồ Sông Rác nữa nên một thời gian sau mẹ con bà Hệ cũng bỏ nghề chèo thuyền. Cuộc sống từ đó bắt đầu lâm vào cảnh túng quẩn, nợ nần.
Sau khi con cái bà Hệ lớn đều lập gia đình và ra ở riêng, còn 2 vợ chồng già sống nương tựa vào nhau. Hai ông bà đau yếu, không còn sức để làm ruộng như trước đây nữa nên phải sống phụ thuộc vào khoản tiền lương thương binh 1,5 triệu đồng hàng tháng của ông.
Năm 2011, bà vay mượn 100 triệu đồng của ngân hàng để chi trả tiền mua thuyền làm ăn trước đây, đồng thời chữa trị cho người con trai gặp tai nạn. Thời gian vay tiền, bà không có khả năng trả lãi nên dư nợ ngân hàng càng tăng lên. Đến đầu năm 2018, tổng dư nợ lên đến gần 300 triệu đồng.
Gieo nhân lành ắt hái được quả ngọt
May mắn làm sao, khi câu chuyện của bà Hệ được chia sẻ trên mang xã hội, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM đã cử người về tận gia đình thăm hỏi bà Hệ. Họ trực tiếp làm việc với ngân hàng để giảm bớt lãi suất vay, do đó số nợ của bà Hệ được giảm xuống chỉ còn 150 triệu đồng.
Sáng 22/5/2018, bà Nguyễn Thị Thanh Tú – đại diện doanh nghiệp bất động sản trên, đã trực tiếp đến gặp gỡ bà Hệ để trả hộ nợ ngân hàng cho gia đình với số tiền là 150 triệu đồng.
Đồng thời, mạnh thường quân này cũng trao thêm một sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng để phụ giúp cuộc sống cho gia đình bà Hệ trong những năm tháng tuổi già.
Ngày nhận được tiền từ những tấm lòng hảo tâm, bà Hệ bật khóc tức tưởi. Thật sự quá xúc động bởi sau cùng, chân lý ‘người hiền gặp lành’ đã thành sự thật. Dẫu sự việc xảy ra từ lâu nhưng vẫn cần nhắc lại, bởi hơn cả một kỷ niệm đẹp là bài học về tình người ấm áp, là tấm gương sáng của bà Hệ để thế hệ sau noi theo.
Ngẫm thời bây giờ, mở những trang báo, bật những kênh truyền hình, đâu đâu cũng thấy xã hội lọc lừa, không bất hiếu thì cũng cướp của, khiến người ta hoài nghi về lòng tốt và sự thiện lương.
Vậy mà nhìn bà Hệ, nhiều người phải cúi đầu xấu hổ lắm, bởi giàu sang chưa chắc làm được ‘anh hùng’, có tiền bạc chưa chắc đã mua được sự dũng cảm. Trong khi những người nghèo, người khổ, vẫn đủ bản lĩnh để xả thân vì kẻ khác.
Và rồi, thay vì tự hào bản thân đã làm được chuyện tốt, bà cứ ám ảnh, trăn trở mãi vì mình không thể giúp được nhiều hơn. Đó vốn dĩ không phải là ‘lỗi’ của bà, nhưng người tốt là thế, họ sẽ không bao giờ nghĩ cho mình, và lúc nào cũng đau đáu 2 chữ ‘giá như’.
Nể phục hơn, cuộc đời bà sau tháng ngày cứu người là những cơn bão cuồng phong đến từ cơm áo gạo tiền, nhưng bà chưa bao giờ than vãn kể khổ, năn nỉ ai đó hãy giúp đỡ, đặc biệt là không bao giờ yêu cầu người khác phải báo ơn.
Nhưng nhân quả cuộc đời là có thật, 20 năm sau, một người tốt như bà mới được đền đáp. Ngày xưa bà không màng sự sống ra tay cứu người chết đuối thì nay bà gặp khó khăn, cũng sẽ có rất nhiều bàn tay tới ủng hộ cho bà.
Tịnh Yên (t/h)
Cái giá phải trả của những người đàn ông sống quá tệ bạc với gia đình
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực