spot_img
17 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Dạy con đừng để con trở thành “ông Vua”, “bà hoàng”

Tân Thế Kỷ (TTK) – “Mẹ, con muốn ăn đùi gà rán này!”, “Mẹ, con muốn mua bộ đồ chơi đó!”, “Mẹ không mua tối con không học bài đâu!”,… Thực sự bây giờ không hiếm gia đình, bao bọc và xây dựng cho con mình một cuộc sống “hoàng cung” ngay cả khi bố mẹ vẫn chỉ như “nô lệ”… Vậy rồi tương lai chúng sẽ ra sao?

Hàng loạt câu lệnh này kèm với thái độ dùng dằng phát ra từ một cậu bé 5 tuổi đang nói chuyện với mẹ mình trong siêu thị. Càng lúc, cậu càng tỏ thái độ bất mãn và ương bướng hơn để đòi những điều mình muốn.

Mỗi khi đi ngang qua hàng quán, con đòi hết món này tới món khác nhưng lại ăn bỏ dở. Hay thậm chí ở nhà, con ra lệnh mẹ phải làm cái này, ba phải làm điều kia cho con.

Nhiều trẻ em đã đang dần trở thành “ông Vua”, “bà hoàng” trong chính ngôi nhà mình mà ba mẹ không hề cảm nhận được, thậm chí chỉ dạy trẻ qua loa mà không hiểu sâu xa tính cách đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai con nhiều như thế nào.

Do đâu trẻ hay đòi hỏi vô lý và ra lệnh cho ba mẹ mình như vậy?

Phần nhiều do cách giáo dục, nuôi dạy của ba mẹ đã vô thức hình thành nên tính cách của một đứa trẻ. Con sinh ra như một trang giấy trắng, ba mẹ là người trực tiếp định hình tính cách cho con.

Ngay từ lúc còn nhỏ, vì nghĩ bé không biết gì nên ba mẹ nuông chiều theo cảm xúc của con, làm mọi thứ cho con. Con muốn gì, đòi gì, ba mẹ đều cho, có thể do xót con, thương con thái quá hoặc do ba mẹ muốn tiết kiệm thời gian nên chiều theo ý trẻ cho nhanh chóng,…

Mỗi lần đòi hỏi mà không bị phản đối, trẻ sẽ thấy việc này là bình thường và cứ thế dần tạo thành thói quen. Vì được chiều chuộng đã quen, con xem mình là nhất, điều gì cũng có thể đòi hỏi được từ ba mẹ nên trẻ sẽ trở thành những “ông Vua”, “bà hoàng” trong nhà.

Và rồi ba mẹ phải đối mặt với những đòi hỏi vô lý của con, sự ngang bướng của những “ông Vua”, “bà hoàng” khi không đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta sẽ không lạ gì cảnh đứa bé khóc lóc khi không được mua cho bánh kẹo, hay bỏ bữa ăn, nổi giận đùng đùng đóng cửa “ầm” vì mẹ nấu món không đúng ý,…

c
Vì được chiều chuộng đã quen, con xem mình là nhất, điều gì cũng có thể đòi hỏi được từ ba mẹ nên trẻ sẽ trở thành những “ông Vua”, “bà hoàng” trong nhà. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Internet

Khi lớn lên và ra ngoài xã hội, con dễ bị cô lập, bị mọi người dần xa lánh vì luôn đặt cái Tôi lên hàng đầu, thích sai khiến người khác làm theo ý mình, luôn cho mình là người quan trọng nhất.

Câu chuyện vài năm trước của cậu sinh viên là một ví dụ điển hình về hậu quả của việc không giáo dục trẻ lòng biết ơn.

Cậu ta được mẹ cho đi du học ở Nhật bản 5 năm, trước giờ chưa từng đi làm, học phí và phí sinh hoạt mỗi tháng đều do một tay người mẹ vất vả chu cấp. Đến khi mẹ cậu không thể kiếm được tiền gửi nữa và cậu phải về nước, ngay khi vừa ra khỏi sân bay, cảnh tượng cậu bạo lực với mẹ khiến ai cũng rùng mình.

Thanh niên 25 tuổi vốn dĩ cần tự lập, dựa vào tiền làm thêm để trang trải cuộc sống. Nhưng cậu sinh viên này lại thản nhiên hưởng thụ số tiền mà người mẹ vất vả chu cấp hàng tháng. Khi người mẹ kia không thể kiếm được tiền gửi nữa thì cậu ta không màng đến tình mẫu tử, trong tâm tràn đầy oán hận mà ra tay tàn ác với chính người sinh ra mình.

Câu chuyện trên đã thức tỉnh rất nhiều bậc cha mẹ: Những đứa trẻ không biết cảm ơn sau này sẽ còn đáng sợ hơn cả sói dữ. Những đứa trẻ này đưa ra những đòi hỏi vô tận trước những nỗ lực của cha mẹ chúng.

Có những sinh viên chỉ trong mấy năm đại học đã tiêu tốn của gia đình không biết bao nhiêu tiền, trong khi cha mẹ tiết kiệm ăn không dám ăn, dùng không dám dùng, thậm chí chẳng ngần ngại đi vay nợ để nuôi con.

Chúng thoải mái mua sắm những món đồ trang sức, quần áo, giày dép hàng hiệu, điện thoại, máy tính đắt tiền để khoe mẽ, ăn nhà hàng, tiêu tiền một cách không thương xót và xem đó là điều đương nhiên. Thậm chí có những đứa đã đi làm rồi nhưng vẫn có tâm lý dựa dẫm vào cha mẹ để sống.

Kỳ thực, nếu không cho trẻ thử nhịn đói, chúng sẽ không biết giá trị của đồ ăn. Không để trẻ thử chịu lạnh, chúng sẽ không biết ấm áp đáng quý nhường nào. Không để trẻ nếm trải thất bại, chúng sẽ không thể hiểu được gian nan của thành công.

Vậy thì dạy con như thế nào để trẻ không trở thành những “ông Vua”, “bà hoàng”?

Dạy con từ khi còn thơ, từ những điều nhỏ nhặt

Không cấm ba mẹ tôn trọng cảm xúc của con, nhưng cần ở một mức độ hợp lý và đúng hoàn cảnh. Ba mẹ không nên nghĩ “Con nhỏ không biết gì”, “Chiều một chút có sao đâu” và đợi “Con lớn rồi dạy”. Một cái cây phải được uốn nắn từ khi nó còn nhỏ, thân còn mềm, đợi đến khi nó lớn rồi không uốn được nữa, hoặc sẽ rất khó, rất dễ gãy. Con trẻ cũng như vậy.

Ba mẹ nào cũng yêu thương con nhưng yêu thương không đồng nghĩa với chiều chuộng. Ba mẹ không cấm con, mà mỗi việc làm, mỗi đòi hỏi nên kèm theo một điều kiện nào đó.

Ví dụ, mẹ cho con xem phim hoạt hình nhưng trước hết con phải làm bài tập về nhà xong đã. Có thể vài lần con trẻ sẽ khó chịu, thậm chí có thể từ chối, nhưng ba mẹ cần kiên trì và khéo léo giải thích cho con hiểu, vài lần con sẽ thích nghi.

Dạy con ý thức tự lập và tinh thần tự giác cao, biết cảm ơn

Dạy con biết làm việc nhà, bất cứ việc gì mẹ phân công, lớn giao việc lớn, bé làm việc bé, không có chuyện sai ngược lại mẹ. Thật ra, tính cách của con dần hình thành ngay từ lúc còn bé. Từ những việc nhỏ như xếp quần áo, gấp chăn, quét nhà, để giày dép ngăn nắp,… ba mẹ nên để con làm trong khả năng của mình để con quen dần. Mai sau, bé sẽ biết tự lo những việc cần thiết cho bản thân mà không phải việc gì cũng ba mẹ làm giúp.

soha
Từ những việc nhỏ như xếp quần áo, gấp chăn, quét nhà, để giày dép ngăn nắp,… ba mẹ nên để con làm trong khả năng của mình để con quen dần. – Ảnh minh họa. – Nguồn: soha.vn

Khi ba mẹ mua gì cho con, cần dạy con biết quý trọng món quà đó. Mai này, nếu ai cho trẻ cái gì, con sẽ biết ơn chứ không phải xem là lẽ tất nhiên, rồi lần sau lại đòi hỏi.

Cho con ý thức được rằng, tiền bạc, của cải của cha mẹ không phải là của mình. Cha mẹ chưa có ý định thừa kế, hay cho bất cứ thứ gì sẵn… Trừ việc nhỏ tự học – lớn thì tự làm kiếm tiền và tự mua…

Học hành là trách nhiệm và nghĩ vụ cho bản thân, không phải cho ông bà hay mẹ, nếu không muốn chật vật mưu sinh, lang thang ngoài đường, thì cách duy nhất thay đổi cuộc đời theo ý mình là học cho thật giỏi… Ngoài ra, nên cho con hiểu cuộc sống này có nhiều người khó khăn hơn, bằng cách tự lập, thành công sau đó giúp người, giúp đời mới là cuộc sống ý nghĩa.

Dạy con biết “kính trên, nhường dưới”

Trong gia đình, ngoài các mối quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, còn có mối quan hệ giữa ông bà và các cháu, anh – chị – các em. Đặc biệt, mối quan hệ ông bà – con cháu càng bền chặt thì càng làm phong phú thêm đời sống tinh thần các cá nhân trong gia đình. Cha mẹ cần nói trẻ hiểu bổn phận và trách nhiệm của người làm con cháu cần hiếu thuận với ông bà, bố mẹ.

Người xưa có câu: “Cầu trước bắc đâu, cầu sau bắc đấy” đại ý nói là một người đối xử với cha mẹ ra sao, sau này con cái của họ cũng đối xử với họ như cách mà họ đối xử với cha mẹ mình. Câu nói đến nay còn nguyên giá trị. Trẻ con rất dễ bắt chước người lớn và dễ dàng tiếp nhận cảm xúc, lặp lại các hành vi từ người lớn. Nếu bạn thực sự muốn dạy con tôn trọng ông bà (bố mẹ mình), đầu tiên bạn cần thật tâm đối xử tốt, có cách cư xử và hành vi mẫu mực trước mặt con cái trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày.

tintuconline.com .vn
Dù rất bận rộn, bạn cần dành nhiều thời gian để cho con làm quen với các quy tắc về cách đối xử với mọi người. – Ảnh minh họa. – Nguồn: tintuconline.com.vn

Trong sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ nên dạy trẻ: Cách xưng hô lễ phép với ông bà : dạ vâng, ạ, thưa,… Giúp đỡ ông bà một số việc vặt hoặc khi họ gặp khó khăn. Nói chuyện với ông bà khi họ buồn hoặc khi họ cần người nói chuyện. Thể hiện sự quan tâm, yêu thương: Tặng quà, xoa bóp đấm lưng, biếu thức ăn ngon cho ông bà, lấy tăm cho ông bà sau bữa ăn, biết hỏi han quan tâm đến ông bà khi họ mệt, ốm đau, thông cảm với tuổi già và yêu thương ông bà vô điều kiện.

Ngay khi con còn nhỏ, hãy thường xuyên dạy con cách tôn trọng và giúp đỡ người cao tuổi. Dù rất bận rộn, bạn cần dành nhiều thời gian để cho con làm quen với các quy tắc về cách đối xử với mọi người.

Sau này khi ra ngoài xã hội, con sẽ biết cách đối nhân xử thế, là một người có đạo đức, biết suy nghĩ và tôn trọng người khác, nhất là người lớn tuổi hoặc những người yếu thế hơn mình.

Không đứa trẻ nào sinh ra đã trở thành “ông Vua”, “bà hoàng”, mà cách giáo dục của ba mẹ sẽ quyết định đứa trẻ là ai. Vì vậy, ba mẹ cần hiểu con và hiểu cả những kiến thức hay, bổ ích để đồng hành cùng con, nuôi dạy con trở thành người biết lẽ, cá tính nhưng văn minh lịch sự.

Con cái là kết quả của quá trình nuôi dạy không đứa trẻ nào sinh ra mà bướng bỉnh và vô ơn ngay cả… Nếu con bạn không tàn tật, hãy để chúng được tự đứng lên đi bằng chính đôi chân của mình.

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg 4

“Bố mẹ không bao giờ hỏi điểm em” – Nữ sinh trúng học bổng 10 trường ở Mỹ tâm sự

Làm cha mẹ, đừng cho con sớm dùng hết phúc báo của mình

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều