spot_img
17 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Đĩa “cơm nhà giàu” mắc nhất 200.000 đồng, bán 2 – 3 tiếng hết sạch có gì?

Tân Thế Kỷ – Với giá dao động từ 60.000 – 200.000 đồng/dĩa cơm, một quán ăn ngay trung tâm TP.HCM được khách gọi vui là ‘cơm nhà giàu’. Giá khá ‘chát’, sao khách vẫn đông?

Không quá xa lạ, đó là quán cơm của bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (69 tuổi, ngụ Q.10) nằm trên mặt tiền đường Võ Văn Tần (Q.3), có tuổi đời hơn 40 năm và là điểm ăn trưa quen thuộc của nhiều người dân TP.HCM.

Tiền nào của nấy, mắc nhưng khách vẫn đông

Trưa trưa, đói bụng, tôi từ chỗ làm ghé quán của bà Hoa cách đó không xa. Dù 11 giờ mới chính thức mở cửa, nhưng 10 giờ hơn, bà chủ cùng nhân viên đã chuẩn bị đầy đủ hơn 30 món, bài trí bắt mắt trên một cái bàn lớn. Mùi đồ ăn tỏa ra thơm nức mũi, khách nhìn vào đó có thể thoải mái lựa chọn.

Thấy tôi, bà Hoa niềm nở tiếp chuyện, nói rằng hôm nay số món như vậy là ít, bởi những ngày đi chợ thấy đồ ăn ngon, bà có thể mua và chế biến hơn 40 món khác nhau để bán cho khách. Nhìn vào quầy đồ ăn bắt mắt, nói thật, tôi cũng khó chọn món, bởi món nào trông cũng rất hấp dẫn.

Nhưng mà, khi nghe đến giá, hẳn nhiều người cũng giống tôi tới ăn lần đầu, “khựng” lại một nhịp. Bà Hoa cho biết mỗi phần ăn, giá thấp nhất 60.000 đồng, phần đắt nhất 200.000 đồng, tùy vào lựa chọn của khách. Các món ở đây đa dạng cách chế biến, từ kho, chiên, xào, canh… đến nguyên liệu như cá, tôm, mực, thịt…

Untitled 7av
Đối với nhiều khách hàng, giá chát là xứng đáng bởi cơm ở quán đã rất chất lượng. Ảnh: Dân trí

Đó cũng là lý do mà anh Nam Trần (34 tuổi), làm nhân viên văn phòng ở Q.3 có tuần ngày nào cũng ghé ăn. Theo anh, chính sự đa dạng trong món ăn, anh có thể đổi món ở đây cả tháng, mỗi ngày ăn một món, nên không sợ ngán.

“Giá thì có phần cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng tôi thấy không phải tự nhiên mà người ta bán theo giá đó đâu. Bất cứ món nào ở đây tôi ăn, nguyên liệu vô cùng tươi ngon, cách bà chủ nêm nếm đậm đà, như ăn ở nhà vậy. Tất nhiên, ví cũng “đau”, nhưng tôi cảm giác số tiền bỏ ra là xứng đáng”, vị khách quen 4 năm qua cho biết lý do thường ghé ủng hộ.

Buổi trưa, quán đông đúc, khách ngồi kín các bàn được đặt trong không gian quán rộng rãi. Từng lượt khách liên tục ra vào, trong đó có chị Như (27 tuổi) trưa nay cũng cùng đồng nghiệp ghé quán ăn này.

Vị khách cho biết, thường chị chỉ gọi những món có tầm giá 60.000 – 70.000 đồng để vừa túi tiền của mình. Dẫu vậy, với chị đó cũng là giá cao. Đó là lý do trong tuần, vị khách này thường ghé 1- 2 lần ăn để đổi vị.

“Đắt xắt ra miếng, nhưng ăn lần nào cũng cảm thấy đáng tiền”, anh Đỗ Thanh Hoa (ngụ TP Thủ Đức) mô tả trải nghiệm về quán cơm. Vượt hơn 10km từ nhà đến quán ăn, anh Hoa bị cuốn hút bởi những đĩa thức ăn được sắp xếp bắt mắt, đủ màu. Rau xanh mướt, đĩa cá kho nâu đậm điểm vài trái ớt đỏ, cá rô chiên vàng ươm.

Vị khách 35 tuổi nói vui, nếu khách vãng lai bước vào tiệm sẽ bị “sốc” vì giá cả đắt đỏ. Ngược lại, khách quen như anh lại phải đến sớm để chọn được món yêu thích.

Anh Lê Minh (29 tuổi) gọi phần cơm với giá 90.000 đồng bao gồm tô mắm kho đầy đủ thịt cá kèm đĩa rau sống, bông súng bào mỏng, rau đắng, dưa leo… Anh cho biết, cơm trắng ở đây khá chất lượng, dẻo thơm, hạt cơm căng bóng.

Người dân quanh khu vực vẫn hay gọi đây là “cơm dì mập”, bởi chủ quán là người phụ nữ gốc Gò Công (Tiền Giang) có dáng người đẫy đà, gương mặt phúc hậu và tài nấu ăn ngon.

Tại sao giá lại “quá chát”?

Sao mình bán giá “chát” vậy cô?”, nghe tôi hỏi, bà chủ cười tươi, nói rằng từ xưa giờ, bà đã luôn bán cao hơn so với mặt bằng chung của những quán bình dân xung quanh đây.

“Là do cái tâm mình. Bán đồ ăn, tôi muốn bán sao cho ngon nhất nên lúc nào cũng đi chợ sớm, chọn mua nguyên liệu tươi nhất, ngon nhất, chế biến vệ sinh nhất. Tất nhiên, giá cũng đắt hơn. Nhưng mà tiền nào của nấy, khách ăn sẽ cảm nhận được điều đó!”, bà Hoa nói thêm.

Untitled 6akm
Mặc dù bán trên vỉa hè nhưng mỗi món ăn của quán đều được làm với chất lượng tươi ngon. Ảnh: Dân trí

Quán cơm của bà Hoa còn được khách gọi thân thương là quán “Bà Béo”, phần bởi ngoại hình mũm mĩm của bà chủ. Bà cho biết hiện tại mình nặng 135 kg, vì cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu nên bà quyết định cố gắng giảm cân.

Bà chủ nói rằng sở dĩ mình có cân nặng như hiện tại, phần là do… nấu ăn suốt 42 năm qua. Thuở đầu, bà bán cháo trắng, sau đó chuyển sang bán cơm tấm rồi mới bán cơm món như hiện tại. Như có duyên với việc bán nhiều món ăn, bà quyết định phát triển quán theo hướng này và có được lượng khách “ruột” ổn định như hiện tại.

“Hồi xưa, tôi khổ lắm, ráng nuôi 2 con. Sau này, nhờ bán cơm mà cuộc sống ổn định hơn, các con tôi bây giờ cũng đã khôn lớn, trưởng thành, có công việc ổn định và không theo làm với mẹ. Bán đồ ăn đồ uống cực lắm, 5 giờ tôi đi chợ, nấu đồ ăn để kịp bán”, bà chủ nói.

ta2 1
Chủ quán là người phụ nữ gốc Gò Công (Tiền Giang) có dáng người đẫy đà, gương mặt phúc hậu và tài nấu ăn ngon. – Ảnh: techz.vn

Những ngày đông khách, bà bán tới 12 giờ là hết. Những ngày vắng hơn, thì 13 giờ. Với bà Hoa, quán ăn chính là tâm huyết mà suốt cả tuổi trẻ của bà gây dựng, nên dù thế nào, bà vẫn sẽ gắn bó với nó tới khi nào không còn sức bán nữa thì thôi…

Thay vì cạnh tranh với các quán giá rẻ bằng việc đánh mất chất lượng, quán đã tận dụng việc tạo ra giá trị cao cấp để thu hút một đối tượng khách hàng khác biệt. Điều này đã thuận lợi cho việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu uy tín và độc đáo trong tâm trí khách hàng.

Trong tương lai, việc kinh doanh bán vỉa hè với mức giá cao có thể sẽ tiếp tục phát triển trong ngành ẩm thực, tạo nên sự đa dạng và độc đáo trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để thành công như quán cơm “nhà giàu” này, sự tập trung vào chất lượng, trải nghiệm và xây dựng thương hiệu là những yếu tố không thể thiếu.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg

Đôi vợ chồng gặp nạn, chỉ có thể cứu một người, nên cứu ai đây?

Người Phần Lan hạnh phúc nhất thế giới nhờ những bí quyết không phải ai cũng biết

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều