spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,18 Tháng mười
spot_img

“Đứng cho vay, quỳ đòi nợ”: Khổ vì cho người quen vay tiền

Tân Thế Kỷ – Cho đồng nghiệp cũ vay 10 triệu đồng nhưng suốt 5 năm chị Thanh Hằng gọi, nhắn tin rồi đến nhà đòi không được, còn bị mắng ngược là “nhà giàu mà ác”.

Dở khóc dở cười khi “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”

Từ lần đó, chị Thanh Hằng (34 tuổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội) xem như mất khoản tiền cho mượn và mất một người bạn. “Đúng như người ta nói ‘đứng cho vay, quỳ đòi nợ'”, chị nói.

Năm 2010, vừa lấy lương hơn 15 triệu đồng, chị Hằng nhận được cuộc gọi của người bạn thân nhất công ty cũ, giọng hoảng hốt nói bố phải cấp cứu nên rất cần tiền đóng viện phí. Người này vay 10 triệu đồng, hứa cuối tháng trả. Khoản vay hết 2/3 lương trong khi con cũng đang ốm nhưng thương bạn, chị Hằng đưa tiền ngay.

Một tháng, hai tháng vẫn không thấy người vay có tín hiệu trả nợ, tháng thứ ba, chị Thanh Hằng gọi điện đòi, bạn nói vẫn chưa có tiền. Đến công ty làm việc, chị mới biết bạn thân là con nợ của hầu hết đồng nghiệp. “Mọi người nhắn tin, gọi điện cho cô ấy không được lại nhờ tôi đòi hộ vì biết chúng tôi từng rất thân”, Thanh Hằng nói.

Anh minh hoa P.N
Là người thân quen càng cần rõ ràng, minh bạch với nhau. – Ảnh minh họa P.N

Những lần con ốm phải đi viện, có việc đột xuất, chị đều nghĩ đến khoản nợ kia, nhưng “nhắn tin trình bày hoàn cảnh đủ kiểu” đòi nợ, tiền vẫn không về.

Một lần, muốn dứt điểm, chị Thanh Hằng đến thẳng nhà trọ của bạn đòi. Ban đầu người này còn trình bày lý do. Khi thấy chủ nợ dứt khoát đòi trả lời cụ thể thời gian có thể trả, người bạn trách chị “giàu mà ác, đòi nợ giữa lúc người ta khó khăn”.

Hàng xóm thấy ồn ào mới nói Hằng biết, không phải bố ốm mà do chồng bạn cá độ thua lỗ nên mới đẩy vợ con vào cảnh vay không thể trả.

Cho người thân vay, đến khi đòi được nợ “cục tiết kiệm” của Trung Anh ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa cũng rơi rụng gần hết.

Bốn năm trước, anh cho chị họ vay 100 triệu đồng làm nhà, giao kèo cuối năm trả. Nhưng chị họ khất lần với lý do làm ăn khó khăn nên chưa thể thanh toán đúng hẹn. Nhiều lần muốn sửa lại ngôi nhà đang ở, vợ anh Trung Anh đều đến nhà chị họ xin trả nợ nhưng không được. “Vợ con ở cái nhà rách mà mang tiền cho người ta xây nhà lầu”, vợ anh hay càm ràm.

Điều khiến vợ chồng anh khó chịu là gia đình chị họ không khó khăn như trình bày. Họ vẫn thi thoảng sắm thêm nội thất, mua xe máy tay ga, ngày nào cũng ăn ngon, mặc đẹp. Đến khi Trung Anh làm căng, yêu cầu nếu không trả nợ sẽ phải chịu lãi, người chị mới bắt đầu hoàn tiền từng đợt, khi 3 triệu, khi 5 triệu.

Hơn hai năm sau, Trung Anh lấy được đủ 100 triệu đồng, nhưng cũng tiêu gần hết. “Hết nợ thì chị em gặp nhau cũng không buồn chào”, anh Trung Anh nói.

Ở Việt Nam chưa có khảo sát nào về những rắc rối khi cho người thân, quen vay nợ, nhưng chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh (TP HCM) cho rằng tình trạng này rất phổ biến. “Đặc tính của người Việt Nam là cả nể, trọng tình nên rất hay giúp đỡ người thân quen bằng cách cho vay mượn nhưng không giấy tờ, thủ tục dẫn đến khó đòi nếu người vay chây ì”, ông Khánh nói.

Trong cuộc khảo sát của hãng tài chính Lendingtree (Mỹ), hơn 1/3 số người vay và người cho vay đã chia sẻ cảm xúc còn lại sau mỗi lần vay hoặc cho vay là tiêu cực, bao gồm sự oán giận và cảm giác bị tổn thương.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái tư vấn, với những người cho vay nợ chưa thể đòi lại, hãy thu thập nhiều bằng chứng nhất có thể chứng minh đã cho mượn tiền, nhờ pháp luật can thiệp khi có thể.

“Là người thân quen càng cần rõ ràng, minh bạch với nhau. Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”, chuyên gia lưu ý.

Ngậm trái đắng vì vừa mất tiền, vừa mang tiếng ác, nhưng khi có người quen thân vay tiền, nếu có, chị Thanh Hằng vẫn sẵn lòng giúp đỡ. “Tôi luôn nghĩ người ta khó quá mới phải vay mượn. Tất nhiên tôi chọn lọc và cân nhắc hơn”, chị nói. Đến nay, ngoài cô đồng nghiệp cũ, chị chưa từng bị quỵt nợ thêm lần nữa.

Nguyên tắc nên làm trước khi cho vay tiền

Khi có người hỏi vay tiền bạn, nếu là người thông minh sẽ thực hiện các quy tắc này.

Người cho bạn vay tiền khi bạn gặp khó khăn, không phải vì người ta lắm tiền, mà vì người ta muốn giúp bạn một tay. Thứ người ta cho bạn vay, không phải là tiền, mà là lòng tin, sự khích lệ, sự tin tưởng, là đánh cược vào con người bạn của ngày mai.

Tuy nhiên, ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Nếu không may gặp phải người lợi dụng lòng tốt của người khác, vay mãi không trả sẽ khiến bạn rất mệt mỏi. Chính vì vậy, khi ai đó hỏi vay tiền, hãy ghi nhớ kỹ những nguyên tắc dưới đây.

Hãy hỏi rõ lý do

Trên mạng xã hội Zhihu (Trung Quốc) gần đây có cô gái kể: “Tôi vừa gặp lại đồng nghiệp cũ, cô ấy bị sảy thai do phải chen chúc trên tàu điện ngầm mỗi ngày. Người này ngỏ ý vay tiền để mua ôtô. Bởi vì đã làm việc cùng nhau ba năm, quan hệ rất tốt nên tôi không nỡ từ chối”.

Người này vay 5.000 tệ nhưng cô gái chỉ cho mượn 2.000 với suy nghĩ nếu người kia trả đúng hạn, đó coi như khoản tiết kiệm. Còn nếu không trả lại như cam kết, xem như đó là số tiền để mua một bài học.

Anh minh hoa Gobankingrates
Ở một mức độ nào đó “vay tiền thể hiện tính cách, trả nợ thể hiện tính nhân văn”. – Ảnh minh họa Gobankingrates.

Cô gái tiết lộ, nguyên tắc cho người khác vay tiền là: “Hãy nói bạn không có nhiều, chỉ có bấy nhiêu, nếu muốn thì hãy cầm lấy”. Bằng cách này, không những không làm tổn thương tình cảm mà còn giảm thiểu rủi ro.

“Đó là một cách tốt để đặt quyền lựa chọn vào tay đối phương để họ quyết định có tiếp tục vay hay không”, cô gái nhắn nhủ.

Hẹn thời gian trả nợ

Nhiều người thường nghe câu: “Khởi đầu và kết thúc của một mối quan hệ là đi vay tiền”. Ở một mức độ nào đó, điều này là đúng vì “vay tiền thể hiện tính cách, trả nợ thể hiện tính nhân văn”.

Những ngày gần đây, ở Trung Quốc rộ lên vụ một đôi bạn thân vay tiền nhau ba lần với tổng số 800.000 tệ, viết giấy ghi nợ, hứa sau hai tháng sẽ trả. Đến kỳ hạn, bên vay không trả mà còn tránh gặp mặt. Từ bạn bè thân thiết, họ trở thành đối thủ của nhau tại tòa án.

Bởi vậy, khi có người vay tiền, dù thân thiết đến đâu cũng không nên quá nhiệt tình. Nếu phải cho vay, bạn có thể nói về những khó khăn của bản thân, chẳng hạn như căng thẳng đang gặp phải khoản vay thế chấp và mua xe cộng với chi phí hàng ngày… Sau đó, nói rằng bạn sẽ cần số tiền đó để làm gì, nên họ phải trả lại vào đúng ngày nào.

Bằng cách này, gánh nặng tâm lý của bên kia sẽ lớn hơn, họ sẽ lo lắng hơn về việc trả lại tiền. Ngoài ra, nếu quá thời hạn mà bên kia không trả tiền thì cũng có lý do để đòi lại, mà không ngại ngùng.

Cách từ chối khi bị hỏi vay tiền

Khi bị hỏi vay tiền, có nhiều trường hợp bạn không muốn làm mất lòng người kia nhưng cũng không muốn cho họ vay một đồng nào.

Tami Claytor, giám đốc trung tâm tư vấn tài chính có trụ sở tại New York nhận định: “Điều đáng tiếc là việc vay tiền luôn gây ra cảm giác không thoải mái cho cả hai bên. Người đi vay thì cảm thấy xấu hổ bởi tiền bạc gắn liền với giá trị bản thân mỗi người”. Do đó, trong trường hợp không muốn cho vay, Claytor khuyên bạn vẫn nên thể hiện sự đồng cảm với đối phương và hoàn cảnh khó khăn mà họ đang gặp phải.

Theo Claytor, tiếp theo, hãy đưa ra lời xin lỗi và giải thích rằng bạn mong muốn giúp đối phương, tuy nhiên lúc này bạn không thể. Sau đó, bạn giải thích đơn giản lý do tại sao mình không giúp đỡ họ được, đừng kể lể dài dòng. Cuối cùng, bạn có thể tư vấn cho họ những giải pháp bạn cho là phù hợp, hoặc đơn giản là chúc họ may mắn.

Trong trường hợp bạn có tiền nhưng không muốn cho vay, hãy cứ thành thật. Claytor khuyên: “Hãy nói với người ấy rằng bạn có nguyên tắc không cho bất cứ ai vay tiền vì bạn không muốn có bất kỳ cảm giác khó chịu, không thoải mái nào giữa hai người”.

Trong trường hợp người đó từng vay tiền và chưa trả lại, Claytor cho biết, bạn có thể nhắc lại chuyện đó cho họ với thái độ nhẹ nhàng, không thô lỗ và cay độc. “Bạn có thể nhẹ nhàng nói rằng không muốn họ mắc nợ nhiều hơn. Thêm một lưu ý nữa là đừng chủ động hỏi họ tại sao cần vay tiền. Việc đặt ra câu hỏi như vậy có thể khiến người hỏi vay càng thêm bối rối. Hãy để họ tự chủ động chia sẻ thông tin”, chuyên gia tài chính nói. Điều quan trọng là phải đối xử khéo léo, nhẹ nhàng với người hỏi vay, đừng khiến họ có cảm giác tồi tệ hơn và ghét bạn vì đã không cho họ mượn tiền.

Jodi RR Smith, chủ tịch trung tâm tài chính Mannersmith Etiquette Consulting có trụ sở tại Marblehead, Massachusetts, nhấn mạnh, bạn cần nhớ rằng đây là tiền của bạn và người khác đang hỏi vay: “Bạn không bắt buộc phải đưa ra lời giải thích tại sao không thể cho vay. Hãy nói đơn giản thôi: Tôi biết đây là một thời gian khó khăn và tôi rất tiếc vì tôi không thể giúp được gì”.

Dù bạn không giúp được đối phương về tiền bạc, bạn cũng có thể giúp họ theo các cách khác nhau, ví dụ giới thiệu công việc, làm cầu nối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng…

Trong trường hợp bạn thấy áy náy mãi vì đã không cho người kia vay tiền, hãy hiểu rằng vấn đề nằm ở phía đối phương, không phải ở bạn (ví dụ họ có tiền sử thiếu sòng phẳng và khiến bạn ái ngại không muốn cho vay).

Dù mối quan hệ giữa hai người thân thiết đến đâu, bạn cũng không phải là ngân hàng cá nhân của họ. Hãy giữ vững lập trường và tin tưởng vào quyết định mà mình đã đưa ra sau cùng.

Làm người thế gian, nợ tiền thì phải lo trả cho chủ nợ. Tiền chúng ta mắc nợ cũng sinh ra lãi giống như tiền tiết kiệm trong ngân hàng vậy, mỗi ngày không trả thì mỗi ngày tiền lãi sẽ tăng lên, kiếp này không trả ắt kiếp sau phải trả.

Thiếu nợ một đồng tiền muối kiếp sau đầu thai làm trâu trả nợ

Ngày xưa, ở nước Kế Tân có hai anh em trai, người anh xuất gia tu hành, chứng đắc quả vị La Hán, còn người em ở nhà gây dựng sự nghiệp kinh doanh, người anh thường xuyên đến khích lệ dạy bảo người em, phải thực hành theo điều Phật dạy bảo, thường xuyên tu thiện tích phúc. Nếu mà có thể tu thiện thì không chỉ bây giờ có lợi ích, mà đến khi kết thúc sinh mệnh, cũng sẽ được đầu thai đến nơi tốt.

Người em luôn luôn trả lời: “Anh à, anh bây giờ xuất gia rồi, đừng xen vào những việc thế tục này nữa, em còn phải chăm sóc vợ, ruộng đất, tài sản, tiền bạc cần phải có. Em có nhiều việc phải xử lý như thế, anh đừng lãng phí lời nói, lãng phí thời gian nữa”.

Về sau người em sinh bệnh mà chết, đầu thai thành một con trâu, hàng ngày đều phải chở muối vào nội thành cho chủ. Người anh tu hành từ trong nội thành đi ra gặp phải, liền giảng giải, con trâu này nghe xong đau khổ bi thương mà khóc không dừng.

kinh phat nhan qua luan hoi 700x366 1
Ảnh minh họa. – Nguồn: nguyenuoc.com

Chủ nhân của con trâu liền hỏi người anh kia: “Anh rốt cuộc là nói cái gì vậy? Mà khiến cho con trâu của tôi buồn phiền khổ sở như thế?”.

Người anh trai trả lời: “Con trâu này kiếp trước là em trai của tôi, trước đây vì thiếu nợ ông một đồng tiền muối ăn, cho nên phải đầu thai thành trâu, giúp ông làm việc để hoàn trả nợ nần”.

Người bằng lòng đem tiền cho chúng ta vay, điều này chứng tỏ họ tin tưởng, tín nhiệm ta, vì thế ta cần phải giữ lời hứa của mình, không thể nói vay rồi không trả. Người ta không có nói là tặng, sao có thể không trả được?

Trong “tam thế nhân quả văn” có viết: “Vì sao kiếp này làm trâu ngựa, bởi vì kiếp trước nợ tiền không trả hết nợ”. Chúng ta phải minh bạch lý này, tuy là trong kinh văn khuyên bảo con người trong cuộc đời hãy làm việc thiện, nhưng về bản chất, đạo lý chính là khó tránh khỏi quan hệ nhân quả.

Người cho vay tiền kỳ thực có công đức rất lớn, vì việc cho vay này có thể sẽ giúp người đó đủ để vượt qua khó khăn, thậm chí hoàn thành xong việc lớn, làm cải biến cuộc đời. Mà cuộc đời cải biến là do được người khác ban tặng thông qua việc cho mượn tiền, nên mới được như ước nguyện, cho nên mượn rồi trả, cũng vẫn nên biết ơn người cho vay trong lòng.

Thiếu nợ một túi muối mà phải trả một cái giá quá đắt, huống chi thiếu người khác mấy trăm đồng, mấy ngàn đồng, mấy vạn, mấy chục vạn mà không trả? Tiền chúng ta mắc nợ cũng sinh ra lãi giống như tiền tiết kiệm trong ngân hàng vậy, mỗi ngày không trả thì mỗi ngày tiền lãi sẽ tăng lên.

Con người thế gian không biết sự lợi hại của điều này, lại cho rằng thiếu nợ tiền của người ta không trả thì là của mình rồi, là mình phát tài rồi, thật là không biết, trên đầu ba thước có thần linh, nhân quả không sai. Ta không kết thù kết oán, không tranh chấp nợ nần bất kỳ ai, thiếu nợ của ai cái gì phải nhanh chóng hoàn trả, hoàn trả xong rồi sẽ tất thoải mái, vãng sinh sẽ đi được thản nhiên, oán thân chủ nợ sẽ không tới gây khó dễ, được tự tại.

Tịnh Yên (t/h)

BN 1 jpeg 1

James Harrison – người đàn ông có “cánh tay vàng” với 1.173 lần hiến máu

Sinh viên 78 tuổi tốt nghiệp loại giỏi Đại học Luật Hà Nội: “Tôi học thay 3 đứa con đã mất”

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều