Biểu hiện trên khuôn mặt của thai nhi tăng lên khi tuổi thai tăng từ 32 đến 36 tuần. (Ảnh được phép của Nghiên cứu FETAP (Sở thích Vị giác của Thai nhi), Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Thai nhi và Trẻ sơ sinh, Đại học Durham.)
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy trẻ sơ sinh trong bụng cười khi mẹ ăn cà rốt nhưng khóc vì hương vị cải xoăn; tuy còn trong bụng nhưng đã có thể biểu lộ sự vui mừng và không hài lòng trên khuôn mặt tương quan với hương vị thức ăn mà mẹ tiêu thụ.
Bằng cách sử dụng siêu âm 4D, các nhà nghiên cứu đã xác định được những chuyển động phức tạp trên khuôn mặt ở những trẻ được cho ăn cà rốt (củ ngọt) và cải xoăn (rau đắng) và xác nhận giả thuyết của họ là đúng: những thai nhi được ăn cà rốt biểu hiện cười; còn những thai nhi được ăn cải xoăn biểu hiện khuôn mặt khóc. Các chuyển động trên khuôn mặt của thai nhi được đo từng khung hình, tiết lộ phản ứng khi mẹ ăn vào.
Các nhà nghiên cứu từ Khoa Tâm lý học tại Đại học Durham cùng với các nhà khoa học từ Đại học Bourgogne và Đại học Aston, đã thử nghiệm với những phụ nữ mang thai và thai nhi của họ từ 32 đến 36 tuần từ phía Đông Bắc nước Anh. Họ được cho uống các viên nang một liều vị cà rốt, cải xoăn, hoặc không có hương vị.
Theo nghiên cứu, nước ối là nơi đầu tiên thai nhi bắt đầu cảm nhận môi trường hóa học của chúng. Môi trường trước khi sinh tràn ngập các hợp chất hương thơm được truyền tải qua chế độ ăn uống của người mẹ, liên tục cung cấp thông tin về cảm giác liên quan đến vị giác và khứu giác.
Họ nói thêm rằng các chồi vị giác phát triển ngay từ khi thai được 8 tuần và có thể phát hiện ra mùi vị từ 14 tuần. Những cử động phức tạp trên khuôn mặt góp phần tạo nên “cử chỉ cảm xúc”, giống như những biểu hiện liên quan đến một số phản ứng vui vẻ tích cực hoặc tiêu cực.
Các chuyển động trên khuôn mặt được phân loại theo một sơ đồ mã hóa liên quan đến một tập hợp các chuyển động cơ bắp. Ví dụ như việc nhíu mày và hạ môi về phía cằm có liên quan đến cử chỉ khóc tiêu cực.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những thai nhi tiếp xúc với hương vị cà rốt có biểu hiện “kéo khóe môi” và “cử chỉ mặt cười” thường xuyên hơn so với những thai nhi tiếp xúc với hương vị cải xoăn có biểu hiện “bễu môi dưới” và “cử chỉ mặt khóc”.
Hương vị cà rốt phức hợp đã được các giám khảo người lớn mô tả là “ngọt ngào” vì hàm lượng đường trong đó, nhưng đôi khi cũng có hương vị trái cây… Cải xoăn được chọn vì nó có nhiều vị đắng hơn các loại rau xanh khác, ví như rau bina, bông cải xanh hoặc măng tây.
Hơn nữa, thí nghiệm đã xác nhận một giả thuyết khác rằng: độ phức tạp trên khuôn mặt của thai nhi tăng lên khi tuổi thai tăng từ 32 đến 36 tuần.
Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu bằng chứng sớm nhất về khả năng cảm nhận và phân biệt các mùi vị khác nhau của thai nhi. Nó đã được chứng minh trong thử nghiệm trước đây đối với trẻ sơ sinh đủ tháng, trong vài giờ hoặc vài ngày sau khi sinh, rằng trẻ ít có phản ứng ‘không thích’ với tỏi hoặc nước ép cà rốt nếu đã được tiếp xúc với những mùi vị đó trong bụng mẹ.
Tương tự như vậy, trẻ sơ sinh dưới 4 ngày tuổi có mẹ đã ăn đồ ngọt có hương vị hoa hồi trong hai tuần cuối thai kỳ thích mùi thơm của hoa hồi hơn những trẻ có mẹ không ăn đồ ngọt như vậy.
Bách Diệp – Theo NTDVN
Nguồn The Epoch Times