spot_img
17 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

GDP thế giới vừa tăng thêm 7.000 tỉ đô la!

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank), theo cách nói của tờ Economist, như thể vừa tìm thấy thêm 7.000 tỉ đô la dưới gầm giường của thế giới. Đó là bởi sau khi xem xét mức độ giá cả ở 176 nước, tổ chức này phát hiện một khoản tiền dôi ra, bằng cả GDP của nước Pháp và Mexico mà người dân khắp thế giới có thể chi tiêu thêm.

Hay dùng cách ví von khác chính xác hơn, cái Ngân hàng Thế giới phát hiện không phải là những túi tiền cất giấu đâu đó mà là các phiếu giảm giá, cắt giảm 4% giá mọi loại hàng hóa và dịch vụ thế giới mua được trong một năm, nhờ thế sức mua của công dân toàn cầu đã tăng lên đáng kể.

gdp the gioi vua tang them 7 000 ti do la e1719026882789
Ảnh: AFP/Jiji

Thật ra đây là khái niệm sức mua tương đương mà tờ Economist thường dùng hình ảnh chiếc bánh mì kẹp thịt Big Mac để minh họa. Để tính GDP của từng nước, các chuyên gia thống kê sử dụng giá thị trường. Giả dụ ở Mỹ một chiếc Big Mac giá 5,69 đô la và giả dụ tiếp trong nguyên năm nước Mỹ sản xuất được 100 chiếc Big Mac, GDP của họ sẽ là 569 đô la. Để tính GDP của mọi nước và GDP chung của toàn thế giới, hợp lý nhất là dùng một giá thị trường chung. Cho nên nếu một nước sản xuất được 125 chiếc bánh mì kẹp thịt, người ta sẽ bảo GDP của nước đó cao hơn Mỹ 25%.

Tuy nhiên trong thực tế không ai tính toán như vậy. Chuyên gia thống kê Mỹ tính giá chiếc Big Mac theo đô la Mỹ; chuyên gia thống kê Trung Quốc tính giá Big Mac theo nhân dân tệ. Khi so sánh giữa các nước với nhau, người ta sẽ dùng tỷ giá hối đoái chính thức để chuyển đổi, trong trường hợp Trung Quốc là 7,2 nhân dân tệ ăn 1 đô la Mỹ. Kết quả là chiếc Big Mac ở Trung Quốc có giá là 25 nhân dân tệ, đổi ra tương đương 3,47 đô la chứ không phải là 5,69 đô la nữa. Như thế, giả dụ Trung Quốc và Mỹ đều sản xuất một số lượng Big Mac bằng nhau trong năm, GDP của Trung Quốc tính ra sẽ thấp hơn GDP của Mỹ đến 40% trong khi trên thực tế lẽ ra chúng phải bằng nhau.

Giải pháp rõ nhất là quên tỷ giá hối đoái chính thức đi mà chỉ nhìn vào giá cả thị trường. Nếu giá chiếc Big Mac bằng nhân dân tệ gấp 4 lần giá chiếc Big Mac bằng đô la Mỹ, tại sao không dùng nó làm tỷ giá hối đoái để chuyển đổi và so sánh GDP của các nước? Tỷ giá tính theo kiểu này, tức dùng giá hàng hóa và dịch vụ tương đương giữa các nước được gọi là ngang bằng sức mua (PPP).

Tờ Economist đã nhiều năm tính giá chiếc Big Mac theo sức mua tương đương giữa các nước (chẳng hạn trong tính toán mới nhất của tờ báo này vào đầu năm 2024, chiếc Big Mac ở Mỹ có giá 5,69 đô la trong khi ở Việt Nam có giá 3 đô la, ở Trung Quốc là 3,47 đô la và ở Thụy Sĩ lên đến 8,17 đô la). Nói cách khác, sức mua 3 đô la ở Việt Nam bằng sức mua 5,69 đô la ở Mỹ nhưng chỉ áp dụng cho việc mua Big Mac. Thế nhưng đây chỉ là giá một món hàng, không thể dùng nó làm đại diện để tính ngang bằng sức mua giữa các nước. Tính toán, so sánh giá cả hàng ngàn mặt hàng, hàng ngàn dịch vụ ở hàng trăm nước là một công việc đòi hỏi công sức và thời gian.

Ngân hàng Thế giới, thông qua Chương trình So sánh Quốc tế (International Comparison Program) đã nỗ lực làm điều đó và kết quả lần khảo sát thứ 10 trong 56 năm qua vừa được công bố. Chương trình này cử người thu gom giá của hàng trăm mặt hàng ở 176 nước; tính riêng ở Trung Quốc, họ đã khảo sát giá tại 16.000 cửa hàng và tiệm bán lẻ. Đội ngũ khảo sát gặp phải không ít khó khăn. Chiếc Big Mac do cùng một hãng sản xuất, nguyên liệu như nhau nên dễ so sánh. Trong thực tế các mặt hàng đâu có sự tương đồng đó; ở mỗi nước, người tiêu dùng có thể chọn một loại hàng phù hợp với họ. Ví dụ ở Thái Lan mọi người đều dùng gạo nấu cơm như một món ăn hàng ngày; trong khi ở Ethiopia, món tương đương là bột teff. Thật khó tìm ra gạo ở Ethiopia hay tìm bột teff ở Thái Lan nên cũng thật khó mà so sánh giá của chúng.

Theo kết quả do Ngân hàng Thế giới công bố, giá cả trên thế giới rẻ hơn mức người ta nghĩ trước đây đến 4%, hay nói cách khác mức chi tiêu của người dân trên thế giới đã mua được nhiều hàng hóa hơn mức ghi nhận trước đây. Tính như thế thì sức mua của toàn thế giới lên đến 174.000 tỉ đô la vào năm 2022, cao hơn mức tính toán trước đây chừng 7.000 tỉ đô la.

7.000 tỉ đô la này không được phân bổ đồng đều giữa các vùng trên thế giới. Bổ sung nhiều thứ nhì là Ấn Độ, thêm chừng 1.100 tỉ đô la, giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới tính theo PPP. Việc tính toán lại cũng giúp tăng GPD của Nga thêm 600 tỉ đô la, giúp nước này vượt Nhật Bản về quy mô kinh tế. Bổ sung nhiều nhất là Trung Quốc – GDP tính ra thêm được 1.400 tỉ đô la, làm GDP nước này cao hơn GDP của Mỹ đến 25% khi dùng giá cả tương đương trong khi dùng tỷ giá chính thức GDP Trung Quốc vẫn thấp hơn 30%. Tuy nhiên quan chức nước này không lấy thế làm vui, họ nói dữ liệu này “không chính thức” và Trung Quốc vẫn là nước “đang phát triển”.

Theo Nguyễn Vũ (KTSG)

DN 3
Xem thêm:

Pacific Airlines đàm phán thành công tái cơ cấu đội bay

Chuyên gia đề xuất: ‘Thuế nước ngọt nên tính theo hàm lượng đường’

“Đại chiến livestream”: Đẩy thị trường bán hàng online xuống đáy?

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều