spot_img
19 C
Vietnam
Thứ ba,8 Tháng mười
spot_img

Giáo huấn cổ nhân: Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để dạy con nên người

Cổ nhân có câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện“. Một đứa trẻ ra đời tựa như tờ giấy trắng, bản tính vô cùng thiện lương, thuần khiết. Theo đó, cha mẹ cũng trở thành những “người thầy” đầu tiên và quan trọng nhất trong sự hình thành nhân cách và trưởng thành của trẻ.

Mỗi bậc phụ huynh sẽ có một phương pháp dạy con khác nhau. Mong muốn con khôn lớn, trở thành người như thế nào cũng quyết định phần lớn cách lựa chọn phương thức dạy con của cha mẹ.

Có cha mẹ muốn con sau này trở thành người thành công, làm rạng rỡ tổ tông,… ắt sẽ chọn cho con học trường tốt nhất, đầu tư mọi điều kiện để con phát triển các kỹ năng, trau dồi nhiều loại kiến thức,…; Có cha mẹ muốn con trở thành người giảo hoạt, thông minh, không bị thua thiệt,… ắt sẽ dạy con cách ứng phó với xã hội, các kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống khi trẻ bị người khác bắt nạt,…

e53a857d 1478135685 1480767284
Có cha mẹ muốn con trở thành người giảo hoạt, thông minh, không bị thua thiệt,… ắt sẽ dạy con cách ứng phó với xã hội, các kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống khi trẻ bị người khác bắt nạt,… (Ảnh TTO)

Nhưng cũng có những cha mẹ mong muốn con hình thành nhân cách tốt, sống đạo đức,… ắt sẽ hướng cho con tiếp cận hoặc dạy dỗ chúng những đạo lý làm người, chọn môi trường tốt để gieo vào tâm thức con trẻ mầm mống thiện lương, bao dung,… giúp trẻ hình thành nhân cách đạo đức tốt.

Nhìn chung, hiện trạng giáo dục gia đình ngày nay tồn tại một số khuynh hướng, ví như: 1. Đặt nặng vấn đề học tập tri thức, xem nhẹ giáo dục đạo đức làm người; 2. Nặng về bảo hộ che chở, xem nhẹ giáo dục con tự lập; 3. Coi trọng vật chất, xem nhẹ tinh thần; 4. Chỉ giáo dục suông, không lấy bản thân làm gương mẫu; 5. Nặng về quản thúc kiểm soát, xem nhẹ việc dẫn dắt tích cực.

Vấn đề giáo dục gia đình này là giáo dục nhân sinh rất quan trọng, nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu được tầm quan trọng của nó, cũng không quá coi trọng về hành vi. Rất nhiều người thậm chí còn suy nghĩ rằng: “Từ xưa đến nay, cha mẹ giáo dục con cái, nào có nói trách nhiệm gì, nguyên tắc gì? Con của mình, thích quản như thế nào thì quản như thế ấy”.

Trên thực tế, trong văn hóa truyền thống luôn có truyền thống tốt đẹp là coi trọng giáo dục gia đình. Cổ nhân coi việc giáo dục con cái là trách nhiệm quan trọng của bậc làm cha mẹ, nuôi con phải dạy dỗ, nuôi mà không dạy thì không chỉ nguy hại cho mình, cũng gây nguy hại cho người khác, lại càng nguy hại hơn cho đất nước. Triết học gia Trình Di thời Tống có nói: “Nhân sinh chi nhạc, vô như độc thư; chí yếu, vô như giáo tử” (Tạm dịch: Niềm vui của đời người không gì sánh bằng đọc sách; điều trọng yếu nhất của cuộc đời không gì ngoài giáo dục con cái).

Câu chuyện “Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để dạy con” là một minh chứng rõ nét trong việc coi trọng giáo dục nhân cách cho con trẻ của người xưa.

nguoi xua day con
Người xưa xem giáo dục con cái là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đời. (Ảnh: Tranh “Nhị Thập Tứ hiếu” của họa sĩ nổi tiếng Trần Thiếu Mai/Epoch Times)

Mẹ Mạnh Tử (Mạnh Mẫu) ba lần chuyển nhà dạy con

Mạnh Tử tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục lớn Trung Quốc, là người kế thừa và phát huy tư tưởng Nho gia của Khổng Tử, được người đời tôn sư là “Á thánh”.

Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ và chịu sự nuôi dưỡng giáo dục của mẹ là Chương thị, sau này được gọi là Mạnh mẫu. Mạnh mẫu nổi tiếng với câu chuyện ba lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất.

ntdvn ntdvn leo bm manh mau
Mẹ Mạnh Tử (Mạnh Mẫu) ba lần chuyển nhà dạy con. (Tranh Leo – BM/ NTDVN)

Nhà Mạnh Tử ban đầu ở dưới chân núi, gần nghĩa địa. Mạnh Tử cùng lũ trẻ con chơi đùa, thường gặp cảnh đưa tang an táng cũng bắt chước theo: đào, chôn, lăn, khóc. Mẹ Mạnh Tử thấy vậy ái ngại trong lòng thầm nghĩ : “Chỗ này u ám, tang tóc không phải chỗ con ta ở được”.

Bà bèn chuyển nhà từ thôn Phù đến thôn Miếu Hộ Doanh cách xa trên 10 dặm, nơi đây gần một chợ phiên, đến buổi chợ là ồn ào huyên náo cảnh mặc cả trả giá, cảnh buôn bán lời qua tiếng lại, chẳng thiếu chuyện lừa lọc, điêu ngoa. Mẹ Mạnh Tử lại nghĩ : “Chỗ thị phi, gian dối này cũng không phải chỗ con ta ở được”.

Mạnh mẫu không muốn con trở thành người lặng lẽ lầm lũi, cũng không muốn con bị ô nhiễm bởi thói chợ búa chỉ biết mưu đồ kiếm lợi. Bà nhất định chọn một hoàn cảnh thích hợp cho sự trưởng thành của con.

Lần thứ ba bà chuyển nhà đến gần trường học ở thành Trâu, tuy nhà cửa nhỏ bé tồi tàn, nhưng gần trường học luôn có những Nho sinh dáng vẻ cao nhã, phong thái chuẩn mực, có tiết khí. Mạnh Tử cùng lũ trẻ theo nhau học lễ nghĩa, nhân cách, thường túm tụm dưới gốc cây diễn luyện những lễ nghi chắp tay cúi chào, nhường nhịn, rất ra dáng và cung kính, khiến Mạnh mẫu từ xa nhìn xem, trong sâu thẳm nội tâm rất vui mừng: “Đây mới là hoàn cảnh cư trú tốt nhất cho con ta nên người”.

Mẹ Mạnh tử sở dĩ ba lần chuyển nhà là bởi bà luôn coi trọng ảnh hưởng của môi trường sống đến sự hình thành nhân cách trí tuệ của con. Bà hiểu rằng trách nhiệm đầu tiên trong việc nuôi dạy con chính là cha mẹ. “Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái” và rất coi trọng việc giáo dục nhân cách phẩm hạnh của con.

Trong “Minh đạo gia huấn” có câu rằng “Cổ giả thánh hiền, dịch tử nhi giáo”. Nghĩa là người xưa vì muốn con trở thành người tốt còn “đổi con cho nhau” để dạy. Câu này cũng xuất phát từ điển tích của Mạnh Tử.

Công Tôn Sửu nói: “Người quân tử không tự mình giáo dục con, tại sao vậy?”

Mạnh Tử nói: “Bởi vì cả về tình và lý đầu không thông. Cha giáo dục con ắt phải dùng đạo lý đúng đắn. Dùng đạo lý đúng đắn mà con không làm được thì sẽ tức giận. Hễ tức giận thì lại làm tổn thương tình cảm. Con sẽ nói: ‘Cha dùng đạo lý đúng đắn giáo dục con, nhưng cách làm của cha lại không đúng đắn’. Như thế giữa cha con sẽ tổn thương tình cảm. Tình cảm cha con tổn thương thì hỏng việc.

Thời xưa các bậc làm cha đổi con cho nhau để dạy (Cổ giả dịch tử nhi giáo chi). Giữa cha con không nên cầu toàn trách bị, vì dễ gây ra xa cách. Cha con xa cách thì không có việc gì bất hạnh hơn”

Để con cái trở thành người hiền tài thì cần lựa chọn những người có đức hạnh, tính tình thuần chân, hòa ái để làm bạn, làm thầy, bởi vì “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất. Làm cha mẹ, ai cũng muốn để lại cho con cháu những gì tốt đẹp nhất. Thực ra dù có chu cấp tiền của nhiều đến đâu cũng chỉ là vật ngoài thân, giáo dục chúng trọng đức hướng thiện mới đúng là mang lại phúc đức lâu dài cho con cái. Bởi vì Đức là căn bản nhất của con người, là thứ tốt đẹp và trân quý nhất, là cội nguồn của tất cả phúc phận, và là thứ đáng tin cậy nhất mà chúng ta có thể để lại cho con cháu mình.

Nghi Vân (t.h)

Nguồn tham khảo Chánh Kiến, Epoch Times, NTDVN

BÀI CHỌN LỌC:

Xem thêm:

Con người thiên bẩm thích âm nhạc và vũ đạo, bồi dưỡng sớm, tiềm lực vô cùng

Làm cách nào nuôi dưỡng cho trẻ thói quen thích đọc sách

Cha mẹ làm gương: Hành trang quý giá nhất dành cho con trẻ

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều