Sau 2 ngày lực lượng quản lý thị trường ra quân kiểm tra một số quầy sạp chuyên bán hàng hiệu giả trong Sài Gòn Square (77 – 89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM), đến ngày 3.11, các quầy sạp được đóng cửa không kinh doanh và “miễn tiếp” cơ quan chức năng.
Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, trung tâm này là “điểm nóng” của việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc,… Sau khi kiểm tra, có 2.000 sản phẩm hàng giả bị tạm giữ để xử lý.
Các quầy sạp vốn ngập hàng hóa, tấp nập kẻ bán người mua, đặc biệt sau đại dịch. Đây là trung tâm mua sắm được rất nhiều du khách nước ngoài yêu thích, ghé đến mua sắm… nhưng ghi nhận trưa 3.11, cả Saigon Square vắng hoe.
Để kiểm soát tốt tình hình, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã chỉ đạo tăng cường quân số để phục vụ tốt hơn công tác kiểm tra. Trong ngày 2.11, lực lượng chức năng kiểm tra các gian hàng số 51B – 52B, 7K – 8K, 50B, 83H + 94H và 01 gian do Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp Đội Quản lý thị trường số 3 phụ trách thu giữ hàng nghìn sản phẩm là túi xách, ví cầm tay, balo, thắt lưng, bông tai mang các nhãn hiệu: Chanel, Gucci, Dior, Louis Vuitton, Montblanc, Hermes, Yves Saint Laurent…
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: “Bước đầu lực lượng chức năng xác định, phần lớn các hộ kinh doanh tại đây có các hành vi vi phạm như bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng ngoại nhập lậu, không đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, trong lần kiểm tra này, ngoài sự chủ trì của lực lượng quản lý thị trường, đã có thêm sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Tài sản Trí tuệ và Bất động sản EU (vào năm 2019), trái với sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, thị trường thương mại hàng giả, hàng nhái vẫn tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm qua và chiếm tới 3,3% giá trị thương mại toàn cầu.
Theo đó, giày dép, quần áo, đồ da hàng hiệu và các thiết bị công nghệ là những mặt hàng dễ bị làm giả nhất. Phần lớn trong số chúng, khoảng trên 70% có nguồn gốc từ Hồng Kông và Trung Quốc.
Giá trị hàng giả nhập khẩu ước tính khoảng 509 tỷ USD, tăng từ 461 tỷ USD của năm 2013, con số khổng lồ này còn chưa tính đến lượng hàng giả được sản xuất và tiêu thụ nội địa, hoặc được bán qua Internet.
Tập đoàn đa quốc gia LVMH của Pháp, công ty mẹ sở hữu các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu như: Celine, Dior, Givenchy và Louis Vuitton công bố báo cáo doanh thu khoảng 53 tỷ USD vào năm 2018, khá khiêm tốn so với giá trị thị trường của các phiên bản ‘”nhái” tương đương.
Việc buôn bán hàng giả ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ các doanh nghiệp kinh doanh chính hãng và nguồn thu của Chính phủ.
Theo Báo cáo của tổ chức Better Business Bureau, việc làm giả và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ từ 200 – 250 tỷ USD. Gần 24% trong số 590 tỷ USD hàng giả bị thu giữ thuộc quyền sở hữu trí tuệ do các tập đoàn Mỹ nắm giữ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 91,1 tỷ USD (tăng hơn 12% so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng tới 33,1% trong tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.
T.H