spot_img
26 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Hàng nghìn sĩ tử đổ về Văn Miếu cầu may, liệu có hiệu quả không?

Tân Thế Kỷ (TTK) – Văn miếu Quốc Tử Giám đã tiếp đón hàng nghìn sĩ tử 2005 đến thắp hương, dâng sớ, cầu khấn… với ước mong sẽ gặp nhiều may mắn, suôn sẻ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sắp diễn ra.

Đến Văn Miếu cầu may

14h chiều 26/6, nơi bán vé của Văn Miếu – Quốc Tử Giám tấp nập với hai hàng dài cả trăm mét người xếp hàng. Trừ một vài khách quốc tế, đại đa số là những người trẻ tuổi tới đây để làm lễ cầu may trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2023.

Giá vé vào cổng Văn Miếu là 30.000 đồng/người. Quầy vé không có dịch vụ thanh toán trực tuyến. Nhiều bạn trẻ không biết điều này, phải đi tìm sự giúp đỡ của các du khách khác vì không mang theo tiền mặt.

Untitled 4 8
Dù thời tiết có mưa, nhưng rất đông sĩ tử, cùng phụ huynh đã đến để thắp hương, cầu khấn.

Một nhóm gần chục nam sinh bắt xe buýt từ Bắc Ninh lên Hà Nội. Các em sắm lễ chung, cùng châm một bó nhang trước khi chia nhau dâng hương ở khu Thái Học.

Em P.V.H cho biết các em là bạn cùng trường, rủ nhau đi lễ vì muốn tìm kiếm một chút may mắn cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Mang cả Atlat địa lý, máy tính, bút bi, bút chì, compa, thước kẻ lên… khay cúng

Hầu hết các sĩ tử sinh năm 2005 tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng bạn bè thay vì đi với phụ huynh. Các em sắm lễ ngay tại khu vực quầy hàng rong trước cổng Văn Miếu hoặc trong sân Thái Học với bánh đậu, bút bi, nhang, nến và tờ sớ màu vàng để trong phong bao màu đỏ. Giá cho mỗi sắp lễ cơ bản như vậy khoảng 100.000 đồng.

Mỗi lá sớ vàng được mua với giá 20.000 đồng. Em H.V.A chia sẻ không biết lá sớ này có nội dung gì. Các em bảo nhau ghi thêm vào lá sớ thông tin cá nhân như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số báo danh, số điểm mong muốn…

Việc ghi thêm thông tin vào sớ được các sĩ tử mách nhau làm. Nhiều em suy nghĩ rất lâu trước khi viết nội dung “lời nguyện” lên lá sớ. Do các sĩ tử sẽ phải đổi phòng thi vào ngày thi thứ 2 nên thông tin về cả hai phòng thi được một số em ghi đầy đủ trong sớ để cầu mong sự may mắn về đến tận nơi làm bài.

Viet ten tuoi dia chi truong hoc len so de thap huong cau may truoc ky thi quan trong nhat cuoc doi
Viết tên, tuổi, địa chỉ, trường học lên sớ để thắp hương, cầu may trước kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời.

Cá biệt có sĩ tử mang theo cả tài liệu ôn thi đến để chắp vái. Em H.V.A nói vui: “Có lẽ bạn ấy mong trúng tủ đó ạ”.

Như thông lệ, nhiều sĩ tử không quên đem toàn bộ vật dụng sẽ mang vào phòng thi đến Văn Miếu để cầu linh ứng. Một khay “cúng” vật dụng thi cử này gồm Atlat địa lý, máy tính, bút bi, bút chì, compa, thước kẻ, gọt bút chì… Trên khay là 3 nén nhang nghi ngút.

Tại quầy bán chữ, thầy đồ làm việc không ngơi tay. Ghi nhận trong khoảng 30 phút, từ 13h10 đến 13h40, thầy đồ tiếp 13 lượt khách. Chữ được xin nhiều nhất là chữ “Đạt”. Giá cho mỗi chữ là 100.000 đồng.

Với các sĩ tử vừa sắm lễ vừa xin chữ, chi phí cho một buổi lễ cầu may tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám không dưới 230.000 đồng/người, chưa bao gồm tiền đi lại, ăn uống.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra từ 28-29/6. Chiều nay, 27/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ đến điểm thi làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi.

Dù mỗi người có một lựa chọn khác nhau sau khi tốt nghiệp cấp 3, việc đặt chân vào cổng trường đại học vẫn là một sự kiện hệ trọng, đồng thời cũng là ước mơ lớn của những cô cậu học trò ở tuổi 18.

Nhưng hành động này không nên được cổ xúy

Văn Miếu vốn là nơi thờ Khổng Tử, các bậc tiền hiền nho học. Quốc Tử Giám phía sau là trường học đào tạo về nho học, không có sử sách nào ghi về “tính thiêng” của di tích này. Trong hàng chục ấn phẩm xuất bản về di tích quốc gia đặc biệt này cũng không có tài liệu ghi lại về tục tới Văn Miếu cầu may.

“Đây đâu phải đền thờ, miếu mạo gì mà người ta cứ nghĩ phải đến đó cầu may. Thấy nơi đây ghi danh nhiều tài năng, trí tuệ đất nước, ai cũng nghĩ bia đá sử vàng thiêng liêng nên nhiều người đến tận nơi cầu xin. Đó hoàn toàn là câu chuyện của ngày nay, phản ánh tâm lý của người Việt. Tâm lý này còn thể hiện rất rõ ở chỗ người ta bất chấp tới đền Trần để cầu thăng quan tiến chức. Chính vì thế tôi cho rằng chúng ta không nên cổ xúy cho tâm lý cầu may ở Văn Miếu và những di tích tương tự”, GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, so với tục cầu may của sĩ tử xưa thì nét văn hóa truyền thống này có nhiều biến đổi theo hướng tiêu cực. Theo đó, sĩ tử trước đây tìm tới các bia đá tiến sĩ là để ngẫm ngợi nội dung văn bia để ngấm tinh thần người xưa gửi gắm, lấy đó làm gương để phấn đấu vươn lên.

Ngày nay nhiều gia đình, học sinh hiểu biết chưa thấu đáo nên đã biến di tích lịch sử văn hóa thành đền, miếu để cầu xin mù quáng. Thậm chí nhiều người còn không biết VMQTG phụng thờ ai, giá trị lịch sử văn hóa nằm ở đâu nên mới có những hành động thắp hương vái vọng, cầu xin a dua như thế.

“Vào Văn Miếu dâng hương là để thể hiện sự kính trọng, tri ân các bận tiền hiền, nhìn vào lịch sử để noi gương các bậc kỳ tài đã vất vả dùi mài kinh sử học hành đỗ đạt thành tài giúp đời. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực truyền thông rộng rãi hơn để người dân nâng cao nhận thức hơn về di tích”, ông Lê Xuân Kiêu nói.

Dễ dàng thành công chính là không thể tôi luyện ý chí kiên cường. Ý chí mà không kiên cố, vững chắc thì sẽ đòi hỏi nhiều, sẽ tùy tâm mà rẽ. Muốn thành công thì phải chăm chỉ cố gắng, làm việc đến nơi đến chốn. Không thể trốn tránh khó khăn và tìm cầu sự thành công dễ dàng. Nên coi khó khăn là động lực để tiến lên! Kỳ thực, có nhiều việc là tự bản thân mình mà ra, không nên cưỡng cầu…

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg 6

Thi tốt nghiệp THPT: Kỹ năng làm bài thi đạt điểm cao sĩ tử nên biết

Mới ra trường, nhiều người trẻ đã có thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng bằng cách nào?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều