Hàng nghìn người dân mang theo nhiều loại ngư cụ như lưới, chài, vó… đổ xuống chân đập hồ Trị An bắt cá khi nhà máy ngưng xả nước.
Vào lúc 13h, ngày 25/8, thủy điện Trị An bắt đầu đóng đập sau gần nửa tháng xả lũ tại cửa tràn thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu. Đây cũng là cơ hội để bắt nhiều loại cá có trọng lượng lớn từ hạ nguồn theo dòng nước chảy lên chân đập kiếm ăn.
Sau 10 phút ngưng xả, mực nước hạ thấp, hàng nghìn người dân ùa xuống chân đập rộng chừng 2.000 m2 để bắt cá. Ở các khu vực sâu, nhiều thuyền nhỏ được sử dụng để giăng lưới.
Một người dân cho hay: “Năm ngoái hồ Trị An không xả lũ nên năm nay khi nghe tin đập đóng cửa xả, anh em trong xóm rủ nhau đi bắt cá về ăn, liên hoan, nếu có cá to thì bán”. Người này cho cho biết thêm ở đây có nhiều loại cá như: mè, lăng, tra, dầu…
Một ngư dân chuyên đánh bắt cá ở hồ Trị An, cho biết so với các đợt xả lũ trước, năm nay cá ít hơn. Lý do là nhà máy xả một cửa trong thời gian ngắn nên cá ở hạ nguồn chưa kịp lên. Ngoài ra, 2 thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai cũng xả lũ khiến cá to ở hồ theo dòng nước ngược lên phía trên.
Cùng với nhiều người xuống đập bắt cá, phía trên bờ nhiều thương lái cũng có mặt để thu mua cá và bán lại cho những người khác. “Cá sông ngon và sạch nên giá cao hơn ở chợ”, một thương lái cho hay.
Theo người dân, cá là loài thích bơi ngược dòng vì chỉ cần há miệng ra, thức ăn có thể đã lọt vào cổ họng, còn bơi xuôi dòng nước, chúng phải tốn rất nhiều sức để đuổi theo con mồi.
Mỗi khi thủy điện Trị An xả lũ, cá từ hạ nguồn bơi ngược lên, khi đụng phải đập thì tụ lại ở đây. Tuy nhiên, nếu thủy điện xả lũ nhiều ngày lượng cá sẽ không nhiều vì chúng không vượt được đập lại quay về xuôi.
Hồ thủy điện Trị An rộng 323 km2, nằm trên sông Đồng Nai thuộc huyện Định Quán và Vĩnh Cửu. Ngoài mục đích sản xuất điện lưới quốc gia, công trình còn đảm bảo nước sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ… cho vùng hạ lưu. Để đảm bảo an toàn đập và điều tiết lũ, hồ bắt đầu xả nước từ ngày 10/8.
Hoàng Nam theo VNE.
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*