VNE ghi lại câu chuyện về một cặp vợ chồng Việt khởi nghiệp từ gánh chè và những hộp xôi ở Tokyo. Mọi chuyện bắt đầu vào một ngày đầu hè 2015, nhân viên soi chiếu của sân bay Narita (Tokyo) kinh ngạc khi thấy hành lý của một cặp vợ chồng Việt nhập cảnh chỉ toàn gạo nếp, đậu, bột cốt dừa.
Khi bị yêu cầu giải thích, người chồng tên Mạc Đức Mạnh cho biết đó là vốn liếng để chuẩn bị khởi nghiệp.
Mạnh, 33 tuổi, là người Hải Dương, sang Nhật du học từ năm 2013. Ở đây anh gặp và yêu cô gái cùng quê tên Nguyễn Ngân Nhi. Hai năm sau, họ về quê tổ chức hôn lễ.
Những ngày đi mời cưới họ hàng, Mạnh phát hiện gánh chè thập cẩm 5.000 đồng của người bác họ khá đông khách trong khi nguyên liệu rất đơn giản gồm đậu đen, đậu đỏ, cốt dừa, chuối và đu đủ sấy, siro.
Anh nghĩ món ăn vặt này có thể bán được ở Tokyo và trở thành nguồn thu nhập cho gia đình. Thời đó, trên đất Nhật chưa có nhiều món Việt, một suất bún chả có giá khá đắt, tương đương tiền lương một giờ làm việc. Mạnh bàn với vợ học nghề ba món đầu tiên gồm chè thập cẩm, sữa chua nếp cẩm và chè mít.
Hè 2015, trong căn trọ 20 m2, vợ chồng đọc thêm thông tin từ Google, hì hục nấu thử chè. Nhưng hóa ra món này không dễ như họ tưởng. Gần chục nồi chè đầu tiên không đạt. Có lúc họ phải đổ cả nồi hoặc cố ăn trừ cơm vì chè không sánh mà vón lại, bị quá lửa, đậu ninh không nhừ, hương không thơm.
Khi tự rút ra công thức ổn định, Mạnh quyết định chụp ảnh món chè đăng trên các hội nhóm của người Việt ở Nhật. Bài đăng đầu nhận được gần 4.000 lượt tương tác. Điện thoại Mạnh đổ chuông nhận đơn đặt hàng liên tục.
Thời điểm này, Nhi mang thai nên anh là người giao hàng. Vợ chồng họ có chiếc xe đạp duy nhất, nếu đi xa phải dùng tàu điện. Mạnh thường hẹn khách ở ga Shinokubo – nơi đông người qua lại để giao hàng.
Mỗi ngày, anh đón chuyến tàu sớm nhất, di chuyển ba tiếng để đến trường, 14h về nhà rồi đạp xe 10-15 lượt để giao chè. Tối 11h bắt đầu nấu cho ngày hôm sau, thời gian ngủ còn bốn tiếng.
Họ bán được 50 – 100 cốc mỗi ngày, số tiền bằng lương của một công việc làm thêm. Tuy nhiên, một vấn đề bắt đầu phát sinh. Nhiều khách bận rộn nên không thể chờ 10-15 phút ở ga, họ sẽ bị trễ tàu.
Mạnh nhận ra hình thức giao hàng này không hiệu quả, anh chuyển sang đựng chè trong thùng xốp và đứng bán trực tiếp ở ga Shinokubo. Anh chọn đứng gần khu vực hút thuốc vì đây là nơi mọi người tập trung và dừng lâu nhất. Tuy nhiên, Mạnh dị ứng khói thuốc nên dễ bị ngạt, có hôm phải đạp xe về nhà nằm nghỉ 15 phút rồi trở ra bán tiếp.
Món chè Việt của vợ chồng trẻ bắt đầu chinh phục được thêm cả thực khách Nhật Bản. Nhưng khách ngoại quốc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chỉn chu hơn hẳn. Có hôm chỉ vì nước cốt dừa hơi bị quá lửa, khuấy không đều tay nên bị khê, anh buộc phải đổ đi hết. “Xót tiền kinh khủng nhưng chỉ cần ăn một lần có vấn đề hoặc không ngon, họ sẽ không bao giờ quay lại nữa”, Mạnh kể.
Nhờ đảm bảo được chất lượng nên doanh số món chè thập cẩm của Mạnh tăng lên 200-250 cốc mỗi ngày, cuối tuần đạt 300 cốc. Lúc này, Mạnh mạnh dạn xin nghỉ việc, quay về Hà Nội học nấu thêm món xôi xéo.
Năm 2017, họ dành dụm được 600 triệu đồng, vay họ hàng thêm 1 tỷ để mở quán ăn đầu tiên Tokyo.
Mạnh trải qua lớp học an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhiều thủ tục để có giấy phép mở quán ăn. Nhưng điều này không khó bằng quá trình tìm mặt bằng. Theo Mạnh, ở Nhật có những thứ hạng ưu tiên người thuê mặt bằng, như người bản xứ, người có thẻ vĩnh trú, nhân viên các công ty, cuối cùng mới đến du học sinh.
Anh trải qua hai tháng xét duyệt hồ sơ thuê nhà, trong đó có xác nhận bảo lãnh của người Nhật, tình hình tài chính cá nhân. Nhiều lúc nản quá, họ tính bỏ cuộc nhưng nhớ về những ngày đạp xe giao xôi chè, Nhi động viên chồng cố gắng. Cuối cùng, họ cọc được mặt bằng 25 m2 thời hạn 10 tháng ở gần ga tàu Shinokubo, nơi có bốn triệu lượt qua lại mỗi ngày.
Họ đặt tên quán là Sóc Con theo tên của em bé đầu lòng. Không nhiều vốn, cả hai tự tay làm tất cả. Nhi nhớ lại khi đó liệt kê danh sách gần 200-300 đầu việc khác nhau. “Từ việc ký hợp đồng, giấy tờ cho đến mua chiếc tăm, ống đũa, vợ chồng cũng cùng nhau chuẩn bị”, Nhi kể.
Quán ăn của họ lập tức trở thành điểm hẹn của người Việt, trung bình đón 150-200 lượt khách mỗi ngày. Mạnh và Nhi quyết định mở rộng thực đơn gồm các món bún, phở, lẩu khiến khách đông kín, có ngày không đặt được bàn.
“Không chỉ món ăn, người Việt Nam cần không gian để ngồi cùng nhau”, Mạnh nói. Sự ủng hộ đã trở thành tiền đề để họ mở thêm hai quán nữa vào năm 2020 và quán thứ tư năm 2022. Toàn bộ nhân viên phục vụ là người Việt.
Năm ngoái, họ đối mặt với bài toán mới bởi khách chững lại. Cặp vợ chồng trẻ buộc phải ngồi lại cùng nhau tìm nguyên nhân. Cuối cùng Mạnh nhận ra mình đã quá tham, menu bị mở rộng quá mức với gần 100 món khiến chất lượng bị dàn trải.
“Một đầu bếp không thể nấu tốt nhiều món”, Mạnh kể: “Quán có nhiều món thì khách nhiều lựa chọn nhưng ăn không ngon thì cũng thất bại”.
Anh bắt đầu tập trung vào những món thế mạnh như xôi, chè và bánh mì. Mạnh về Việt Nam khoảng 10 lần, đi Hà Nội và Hải Phòng để học nghề ở những cửa hàng nổi tiếng.
Với bánh mì, yếu tố quyết định thành công 50% nằm ở vỏ, giòn và nóng. Họ cũng quyết giữ vị Việt và quyết không chạy theo khẩu vị người Nhật. “Tôi muốn người ta cầm trên tay ổ bánh mì thật Việt như cách để giới thiệu ẩm thực đất nước mình”, anh nói. Dần dần khách Nhật cũng đồng ý bánh mỳ thuần vị Việt vẫn là ngon nhất và họ có thêm khách hàng ở Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Quán ăn của Mạnh được đài truyền hình NHK chọn ghi hình và phát sóng để giới thiệu ẩm thực Việt Nam qua xôi và chè.
Những ngày cuối năm này Mạnh nói đang là thời gian khó khăn nhất bởi suy thoái kinh tế khiến khách sụt giảm khoảng 50% trong khi giá nguyên liệu tăng. Họ làm việc từ 9h đến 23h để điều hành các quán ăn, thêm nhiều đầu việc nhưng chi phí hẹp lại.
Tuy nhiên, Mạnh vẫn tin khó khăn này vẫn không khiến vợ chồng bỏ cuộc. “Hành trình đã đi qua khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn”, Mạnh nói.
Hoàng Nam/VNE.