Theo Tổng cục thống kê, tính chung quý I năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%. Tuy nhiên, so với tháng trước, CPI tháng 3/2022 giảm 0,23% (khu vực thành thị giảm 0,15%; khu vực nông thôn giảm 0,31%).
2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam?
Theo đánh giá chung tại Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5-1% nếu không xảy ra yếu tố đột biến.
Dự báo của các tổ chức quốc tế chỉ ra rằng, năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất – tỷ giá.
Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có thể gặp nhiều thách thức. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng cản trở đối với sự hồi phục kinh tế.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương – việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất, sẽ tạo áp lực tỷ giá với đồng nội tệ Việt Nam, buộc Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những chính sách điều chỉnh phù hợp để ổn định tỷ giá.
Việc tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá. Theo đó, giá nhiên liệu và các mặt hàng khác sẽ tăng theo. Từ đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào và nguồn năng lượng từ nước ngoài với giá cao.
Do lãi suất tăng nên khả năng vay vốn của doanh nghiệp sẽ giảm, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ yếu đi. Khi Fed tăng lãi suất sẽ đẩy giá trị của đồng USD lên. Giá trị USD tăng lên sẽ đẩy giá trị đồng Việt Nam (VND) xuống, làm tăng tỷ giá của VND với USD, tạo ra sự bất ổn trên thị trường ngoại hối.
Suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ làm lượng kiều hối về Việt Nam giảm, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có nguy cơ giảm.
Năm 2023, các “ngôi sao” về tăng trưởng dự kiến phải đối mặt với nhiều bất lợi, bao gồm: Môi trường lãi suất cao là điểm trừ đối với triển vọng các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Nhu cầu hàng tiêu dùng không thiết yếu suy giảm, lượng hàng tồn kho lớn
Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường theo quy luật tiêu dùng, khiến chỉ số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 6% so với tháng trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%.
Vốn là công ty bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng lớn của Việt Nam, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2023 với doanh thu 19.010 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với 2 chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh, MWG cho biết, tổng doanh thu đã giảm 32% từ nền cơ sở rất cao cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện doanh nghiệp cho biết đang kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho từ cuối năm ngoái để giảm chi phí tài chính và rủi ro giảm giá hàng hóa. Đến cuối tháng 2, tồn kho của toàn chuỗi đã giảm hơn 30% so với đầu năm.
Tuy nhiên lượng hàng tồn kho của Thế giới di động vẫn rất lớn, trong khi nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu (bao gồm các sản phẩm điện gia dụng như điều hòa, tivi, tủ lạnh) không cao.
Theo đánh giá Agriseco Research, kết quả kinh doanh sụt giảm của Thế giới Di động năm 2022 xuất phát từ nguyên nhân chính do sức cầu yếu trong khi lượng hàng tồn kho cao dẫn tới tăng tần suất các chương trình khuyến mãi. Và đây vẫn sẽ là thách thức của Thế giới Di động trong năm 2023 khi ảnh hưởng của chính sách thắt chặt nền kinh tế thế giới sẽ có độ trễ tới Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, diễn biến phức tạp trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế. Người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết.
Để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh khó khăn của các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, dệt may cũng là ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng bị sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao.
Nhiều thách thức với ngành dệt may, da giày trong năm 2023
Từ quý IV năm ngoái, trước tác động của lạm phát, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều bị ảnh hưởng khiến người dân giảm chi tiêu, hàng tồn kho các sản phẩm giày dép của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao, ảnh hưởng đến triển vọng đơn hàng trong nửa đầu năm nay.
Theo dự báo đối với ngành dệt may, tổng cầu thế giới 2023 chỉ tăng trưởng từ 2,5 đến 4% – tỷ lệ tăng trưởng thấp so với các năm trước. Thực tế hiện nay, cầu dệt may thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và châu Âu.
Dự báo các đơn hàng ngành may sẽ phục hồi vào quý 2 năm nay. Tuy nhiên, thị trường này sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Với ngành sợi, thị trường sợi vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay.
Hiện nay, nước ta đang chú trọng đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cũng như xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Nhằm phát triển ngành công nghiệp dệt may bền vững, để đáp ứng nhu cầu thời trang bền vững thay vì thời trang nhanh của thị trường Mỹ và EU.
Như vậy, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề về chuyển đổi. Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt và đã thay đổi thì liên quan đến chi phí, đến nguồn nhân lực, rất nhiều vấn đề khác.
Lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm.
Tuy vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê – chỉ số giá tiêu dùng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 3/2023 đã giảm 0,02% so với tháng trước.
So với những những bước phục hồi tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, ngành dệt may – da giày năm nay tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Hoàng Dung
Xem thêm:
> Môi giới bất động sản: người bỏ nghề, người mệt mỏi vì nhiều tháng đi đòi tiền “hoa hồng”
> Lãi suất từ đòn bẩy: ‘con dao hai lưỡi’ cận kề doanh nghiệp