Á châu trải qua hàng ngàn năm, đặc biệt là nền văn minh 5.000 năm của Trung Hoa đều thấy rằng, mỗi triều đại đi qua là một triều văn hóa, phục sức khác nhau. Mỗi một triều đại thay đổi, đồng thời cũng dẫn theo một nền văn hóa thay đổi. Nhưng tựu chung vẫn có những nét văn hóa chung, mang đậm phong thái phương Đông, xuyên suốt liền mạch qua suốt chiều dài lịch sử.
Trang phục các triều đại các nước Á Đông xưa đều chú trọng thêu thùa, khiến trang phục càng thêm hoa lệ. Tuy nhiên, chủ đề chính của nghệ thuật thêu trang phục có thể chia thành ba phần:
Phần thứ nhất: “Sự hoà hợp con người và thiên nhiên”, bao gồm từ tập 1 “Vẻ đẹp của trời đất không thể diễn tả bằng lời” đến tập 14 “Nghệ thuật viên lâm”;
Phần thứ hai: “Sự hoà hợp giữa người với người”, bao gồm từ tập 15 “Cuộc đời ngắn ngủi, lựa chọn giản đơn”;
Phần thứ ba: “Sự hòa hợp giữa nhân và tâm”.
Thời xưa không phải phụ nữ nào cũng có thể vẽ được, nhưng hầu như tất cả phụ nữ đều thêu những bức tranh mỹ lệ bằng kim chỉ, được gọi là thêu thùa. Mối quan hệ giữa thêu thùa và phụ nữ mang những nét văn hóa gì?
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta sẽ thấy các hình thêu trên túi xách hay quần áo của một số thương hiệu, chúng được xem là xa xỉ phẩm, tại sao lại xa xỉ? Bởi vì, bộ trang phục có một số chỗ được thêu tay, nhưng điều này cũng nhắc tôi rằng hầu như tất cả trang phục các triều đại các nước Á Đông cổ đại đều được làm bằng tay, và một số hoàn toàn là thêu, tiêu biểu nhất là long bào.
Nhiều hoa văn phức tạp được thêu trên long bào, các mẫu truyền thống có sông sóng cuồn cuộn và có đá núi, mang ý nghĩa giang sơn nhất thống. Sắc nước là dùng 5 loại màu chỉ khâu lên bộ long bào, và không biết phải cần bao nhiêu sợi chỉ và đường khâu nhiều màu sắc để tạo ra nó, vì các hoa văn nước không chỉ một màu mà cần nhiều màu dần dần thay đổi. Ví dụ: màu xanh lam là một sự thay đổi màu từ xanh lam đậm đến xanh lam nhạt. Tại sao, hoa văn trên long bào lại có màu sắc rất đẹp, rồng vàng trên áo được thêu bằng chỉ được chế ra từ vàng ròng, có chỗ sử dụng chỉ xe từ lông chim công để thêu, có chỗ dùng lông vũ của động vật xe thành chỉ thêu nhiều màu tự nhiên. Vì vậy, để thêu nên một bộ long bào cần không biết bao nhiêu thời gian và tâm sức!
Nền văn hoá thêu vẽ trang phục
Quần áo hiện đại của chúng ta tương đối đơn giản, tại sao người xưa lại dành nhiều thời gian và sức lực để làm ra một bộ quần áo? Văn hóa truyền thống Á Đông coi trọng Thiên – nhân hợp nhất. Long bào của hoàng đế thường được thêu 12 loại hoa văn, mang một ý nghĩa sâu sắc. Sách “Thượng Thư” viết: “Ta muốn xem biểu tượng của người xưa, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, núi, rồng, hoa trùng (loài chim đẹp), là năm loại hình tượng. Đồ thờ, rong, lửa, gạo, lưỡi rìu, phất (2 chữ cung quay lưng vào nhau) thêu mịn, dùng 5 màu sắc tươi sáng thêu y phục để tỏ rõ tôn ti”.
Người xưa xem mặt trời, mặt trăng và các vì sao, và biến những vẻ đẹp tự nhiên này thành những hoa văn lộng lẫy đặt chúng lên bộ trang phục của họ.
Mặt trời, mặt trăng và các vì sao là ánh sáng, nó tượng trưng cho việc hoàng đế muốn chiếu sáng thế giới như mặt trời và mặt trăng, dẫn dắt bách tính đi đến tươi sáng. Núi tượng trưng cho sự ổn định chắc chắn. Rồng tượng trưng cho sự cân nhắc xem xét thời thế. Hoa trùng tượng trưng cho loài chim, mang ý nghĩa là sự tươi đẹp, văn minh. Hoàng đế cần sử dụng văn trị để giáo hóa bách tính. Đồ thờ tượng trưng cho lòng trung thành, hiếu thảo và lòng dũng cảm. Rong tượng trưng cho sự trong sạch. Gạo tượng trưng cho nuôi dưỡng dân chúng. Lửa tượng trưng cho sự quang minh lỗi lạc của Hoàng đế. Lưỡi rìu có nghĩa là giải quyết công việc quốc gia một cách dứt khoát và rõ ràng. Phất (2 chữ cung quay lưng vào nhau) có nghĩa là bỏ ác hướng thiện. Văn hóa truyền thống Á Đông cho rằng, quyền lực của vua là do Trời ban, vì vậy, bộ trang phục này là nhắc nhở quân vương hãy dùng những đức tính tốt đẹp này để thay Trời dẫn dắt dân chúng. Thế nên, những hình thêu này mang nội hàm văn hóa rất trân quý.
Từ Tam Hoàng Ngũ Đế đến nhà Thanh, mô hình mười hai chương (12 loại hoa văn) đã trở thành hệ thống thống nhất của các Hoàng đế tại các triều đại trước đây, và nó cũng ảnh hưởng đến các nước đồng văn. Triều Tiên học theo hệ thống y phục và vương miện của nhà Minh, quốc vương mặc lễ phục chín chương. Nhật Bản sử dụng mô hình mười hai chương thời nhà Đường. “Đại Bảo lệnh luật” do Thiên Hoàng Văn Vũ (Monmu) ban hành quy định rằng, trong các trường hợp chính thức, Thiên Hoàng mặc miện phục 12 chương. Cổn phục của Hoàng đế triều Nguyễn Việt Nam khi tế Nam Giao là mũ miện và áo cổn 12 chương.
Ngoài hoàng đế ra thì các hình thêu cũng được thể hiện trong lễ phục của các quan đại thần. Có một thành ngữ “y quan cầm thú”, có thể mọi người cảm thấy đó là một lời mắng chửi, ám chỉ sự băng hoại về đạo đức. Thực ra thời cổ đại, câu thành ngữ ngày chứa đựng hàm nghĩa khen ngợi, chỉ những người làm quan.
Trên ngực quân phục của quan viên xưa các nước đồng văn sẽ có một miếng vá, được gọi là bổ phục (bổ tử), quan văn và quan võ có cách thêu khác nhau, quan văn thêu hình chim, tượng trưng cho văn minh và coi nhẹ danh lợi, quan võ thêu hình con thú tượng trưng cho sự dũng mãnh. Mỗi cấp bậc của các quan viên đều sẽ có cách thêu khác nhau.
Ví dụ, quan văn nhất phẩm thêu Tiên hạc, thể hiện phẩm cách cao khiết. Quan văn nhị phẩm thêu chim trĩ, tam phẩm thêu chim công, tứ phẩm thêu chim nhạn, ngũ phẩm thêu gà lôi trắng, lục phẩm thêu cò, thất phẩm thêu uyên ương, bát phẩm thêu chim vàng anh, cửu phẩm chim cút.
Võ quan nhất phẩm và nhị phẩm thêu sư tử, tam phẩm và tứ phẩm thêu hổ báo, ngũ phẩm thêu gấu, lục phẩm và thất phẩm thêu hổ con, bát phẩm thêu tê giác, và cửu phẩm thêu cá ngựa. Vì vậy, các cấp bậc khác nhau của quan viên có thể nhìn thấy trên y phục của họ. Đây là văn hóa trang phục ở xã hội cổ đại, một bộ y phục đã làm nên trật tự xã hội rất rõ ràng.
Ngoài những hình thêu trên quan phục ra thì trang sức trong dân gian cũng có nhiều hình thêu, thể hiện những ý nghĩa sâu sắc. Tục ngữ có câu “Hình phải có ý nghĩa, ý nghĩa phải là điềm lành”. Ví dụ, thêu hoa mai, cây tùng, cây trúc để chỉ phẩm hạnh chính trực và cao khiết. Thêu “bình hoa” là từ gần âm với “bình an”. Thêu hoa mai và hươu, hươu (lộc) đồng âm với “lộc”. Thêu Tiên hạc tượng trưng cho tuổi thọ và điềm lành. Thêu hoa mẫu đơn tượng trưng cho phú quý vinh hoa v.v …
Những hình thêu này cũng ảnh hưởng đến các nước khác, ví dụ như kimono của Nhật Bản được thêu hoa văn hình hoa. Váy cô dâu truyền thống của Hàn Quốc được thêu hình hoa. Triều Tiên kế thừa chế độ quan phục chính thống của nhà Minh, quan văn thêu chim, quan võ thêu hình thú để phân biệt thứ hạng khác nhau. Vì vậy, đây là một trong những lý do tại sao thêu thùa làm cho văn hóa y phục Á Đông trở nên rực rỡ.
Thiếu nữ thêu thùa ở khuê phòng
Sự kế thừa của văn hóa thêu không thể tách rời khỏi phụ nữ. Văn hóa truyền thống Á Đông là một hình thái xã hội “nam chủ ngoại, nữ chủ nội”, đàn ông trồng trọt, phụ nữ thêu thùa. Vì vậy, phụ nữ đã gắn bó chặt chẽ với nghề thêu từ rất sớm.
Thời xưa, khi bé gái chào đời thì được gọi là “lộng ngõa chi hỉ”, “ngõa” là một công cụ để dệt vải, mọi người mong rằng các bé gái lớn lên sẽ biết dệt vải và thêu thùa. Ngoài ra còn có một lễ hội truyền thống các nước Á Đông vào mùng 7 tháng 7, người ta nói rằng ngày này là ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Xưa còn gọi là “kì xảo tiết”, các cô gái sẽ xâu kim dưới ánh trăng và cầu nguyện với các vị Thần, hy vọng các vị Thần sẽ phù hộ cho người họ bàn tay khéo léo để có một cuộc hôn nhân tốt đẹp.
Bởi vì khi lấy chồng, người con gái sẽ tự tay thêu một vài đồ thêu lụa, chẳng hạn như một cái ví. Cách thêu không chỉ phản ánh sự khéo léo của cô dâu mà còn phản ánh trình độ học vấn và sự tu dưỡng gia giáo của người phụ nữ cũng như khả năng quản lý gia đình. Vì phụ nữ sau khi kết hôn sẽ trở thành cốt lõi của nề nếp gia đình nhà chồng và phải lo cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, đi lại, trước khi rời xa phải học rất nhiều điều.
Thời Đường Tống ở Trung Quốc, nhiều nghệ thuật đã đạt đến một trình độ rất cao, trong đó hội họa và tranh thêu cũng rất phát triển, đó là để thể hiện một số bức tranh văn học bằng hình thức thêu. Trong số đó, có cả nghệ thuật vẽ tranh và nghệ thuật thêu, đã trở thành một loại hình nghệ thuật mới.
Một gia đình có tên Cố ở Thượng Hải rất nổi tiếng về nghề thêu, những người phụ nữ trong gia đình này rất giỏi thêu thùa, điểm khác biệt giữa họ là họ rất giỏi trong việc trình bày những bức tranh nổi tiếng bằng nghề thêu. Người có tài nhất trong nhà Cố là Hàn Hy Mạnh, tác phẩm “Tống Nguyên danh tích sách” của bà có nhiều bức tranh nổi tiếng được thể hiện bằng nghệ thuật thêu thùa. Ví dụ: trong “Tranh tắm ngựa” và “Tranh chuồn chuồn và đậu ván”. Trong bức thêu “Tranh chuồn chuồn và đậu ván”, bạn có thể thấy những sợi lông tơ trên đầu đậu ván và thậm chí cả hình dạng của hạt đậu nhìn từ bên ngoài của vỏ bên trong, đây là một tác phẩm thêu tinh xảo nhất.
Làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội vẫn còn lưu giữ nghề thêu truyền thống với các sản phẩm đặc trưng riêng có cho đến ngày nay, đặc biệt là thêu long bào và quan phục cho triều đình nhà Lê cho đến nhà Nguyễn. Những nét tinh tế và rực rỡ xưa vẫn được giữ gìn lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Nghi Vân (Theo NTDVN, Epochtimes, Wikipedia…)
Xem thêm:
Người hiện đại cho rằng phụ nữ thời xưa thường bị xem nhẹ, liệu có đúng?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*