spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,21 Tháng chín
spot_img

Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ tăng tốc: tín hiệu xấu cho kinh tế toàn cầu

(Tân Thế Kỷ) Gần đây, làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu đang tăng tốc, đẩy lợi suất lên mức cao nhất trong hơn một thập niên khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho một thời kỳ dài của chính sách tiền tệ thắt chặt. Đây được xem là một chỉ báo xấu về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ trên toàn cầu tăng tốc

Trong đó, lợi suất trái phiếu chỉnh phủ Mỹ tăng cao nhất trong 16 năm qua, làm suy giảm khả năng về một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Loi suat trai phieu chinh phu My ky han 30 nam tang len muc cao nhat ke tu nam 2007
Trái phiếu của các chính phủ bị bán tháo trên toàn cầu, đẩy lợi suất tăng vọt. Hôm 4-10, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên chạm mức 5% kể từ năm 2007. Ảnh: ftchinese

Hôm 4-10, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên chạm mức 5% kể từ năm 2007 (lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm do bị bán mạnh). Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm tăng lên 3%, cao chưa từng thấy kể từ năm 2011. Tại Nhật Bản, hợp đồng hoán đổi chỉ số qua đêm (OIS) kỳ hạn 10 năm, một thước đo về kỳ vọng lãi suất, tăng lên 1% lần đầu tiên kể từ tháng 1.

Các nhà đầu tư đang yêu cầu mức lợi suất cao hơn bao giờ hết để nắm giữ nợ dài hạn sau khi các ngân hàng trung ương lớn ở Mỹ và châu Âu tuyên bố họ khó có thể sớm nới lỏng chính sách tiền tệ do lạm phát dai dẳng. Những lo ngại về việc chính phủ Mỹ tăng cường phát hành trái phiếu để bù đắp cho mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, cũng gây áp lực lên giá trái phiếu dài hạn.

“Lợi suất trái phiếu Mỹ đang ở mức cao nhất trong năm, bắt đầu gây xáo trộn lớn đối với các lĩnh vực khác trong mảng tài sản thu nhập cố định toàn cầu”, nhà chiến lược Steven Major của ngân hàng HSBC viết trong một báo cáo gửi khách hàng.

Sự biến động đó đã lan sang cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, với ít nhất hai doanh nghiệp đã hoãn phát hành nợ vào hôm 3-9 khi lợi suất trái phiếu trung bình của trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư lên cao nhất năm 2023 là 6,15%.

Một quỹ hoán đổi danh mục đầu tư (ETF) theo dõi trái phiếu cấp độ đầu cơ lớn nhất bị ảnh hưởng bởi cú sụt giảm lớn nhất trong hai ngày trong năm nay.

“Những chuyển động này đang bắt đầu gây lo ngại ở tất cả các hạng mục tài sản”, James Wilson, nhà quản lý tiền tệ của Jamieson Coote Bonds, bình luận.

Giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh vào hôm 3-10 sau khi dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số lượng việc làm đăng tuyển dụng trong tháng 8 bất ngờ tăng vọt. Điều này củng cố suy đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất. Phần bù kỳ hạn của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên chuyển sang dương kể từ tháng 6-2021. Phần bù này đo lường mức chênh lệch lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm so với trái phiếu kỳ hạn một năm.

Chỉ số theo dõi trái phiếu chính phủ toàn cầu hiện đã giảm 3,5% trong năm 2023, trong khi đó, chỉ số BofA MOVE của ICE, theo dõi biến động trái phiếu chính phủ Mỹ, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5 vào hôm 3-10.

Lợi suất trái phiếu ở châu Âu đang tăng cao hơn. “Trái phiếu chính phủ Mỹ và các chính phủ ở châu Âu có mối tương quan với nhau. Lợi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ cao hơn cũng sẽ đẩy lợi suất nợ có chủ quyền của châu Âu, bất chấp các hoạt động kinh tế của khu vực này ngày càng trì trệ”, Althea Spinozzi, nhà chiến lược thu nhập cố định cấp cao tại Ngân hàng Saxo, nói.

Lợi suất của một số trái phiếu tại thị trường mới nổi ở châu Á cũng được kéo lên cao hơn do chịu tác động của lợi suất tại Mỹ. Lợi suất chuẩn trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Indonesia chạm gần mức cao nhất trong 7 tháng, tăng thêm 2,5 điểm cơ bản, lên 6,996%.

Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đưa lợi suất thực tế (sau khi trừ lạm phát) lên mức cao nhất trong nhiều năm, với lợi suất thực của trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ tăng vượt 2,4%, bằng mức vào năm 2007 ngay trước khi chứng khoán Mỹ đạt đỉnh.

Nguyên nhân nào tác động làm lợi suất trái phiếu leo thang?

Tờ Wall Street Journal cho rằng khả năng cao nhất là sự kết hợp giữa tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay tốt hơn dự báo và mối lo về thâm hụt ngân sách khổng lồ của Chính phủ liên bang. Do kinh tế Mỹ trụ vững sau 11 lần nâng lãi suất của Fed, thị trường lo lạm phát sẽ giảm chậm và không sớm đạt mục tiêu 2% của Fed, dẫn tới Fed phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn. Thâm hụt ngân sách liên bang lớn sẽ dẫn tới Chính phủ Mỹ phải phát hành nhiều nợ hơn để bù đắp. Khi trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán tháo, áp lực bán đã lan sang các trái phiếu chính phủ khác. Chẳng hạn, trái phiếu chính phủ Nhật Bản – quốc gia đang duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo – cũng tăng mạnh trong tuần vừa rồi.

Ngoài ra, nhu cầu trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đang giảm xuống, từ cả các nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng Mỹ và các nhà quản lý đầu tư ở Mỹ vốn là lực lượng thường mua trái phiếu chính phủ như một “hầm trú ẩn” mỗi khi thị trường cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác có sự biến động mạnh. Hiện nay, cả trái phiếu và cổ phiếu cùng bị bán tháo ở Phố Wall, khác với quy luật thường thấy là khi cổ phiếu bị bán thì trái phiếu được mua.

Nhưng tựu trung, giới phân tích cho rằng khó xác định được một nguyên nhân cụ thể và xác đáng phía sau đợt tăng này của lợi suất trái phiếu. Điều này dẫn tới một nhận định rằng phần bù kỳ hạn (term premium) – phần lợi suất mà nhà đầu tư đòi hỏi thêm khi mua những trái phiếu có kỳ hạn dài hơn – đang tăng lên. Xu hướng tăng của phần bù kỳ hạn là sự đảo ngược của những gì đã diễn ra trong thời kỳ lạm phát và tăng trưởng cùng thấp kéo dài từ sau khủng hoảng tài chính 2008-2009 cho tới đại dịch Covid-19.

Phần bù kỳ hạn tăng đồng nghĩa rằng ngay cả khi lạm phát được kiểm soát, người đi vay vẫn sẽ phải trả lãi suất cao hơn trước đây, vì nhà đầu tư muốn được trả thêm cho những rủi ro đi kèm với việc cho vay tiền trong khoảng thời gian dài hơn.

Trái phiếu bị bán tháo: Tín hiệu xấu về kinh tế toàn cầu - Ảnh 1

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng kéo dài sẽ gây tổn thất cho Chính phủ Mỹ vì Washington sẽ mất nhiều tiền trả lãi hơn khi đi vay thông qua phát hành trái phiếu. Trong khi đó, nợ công của Mỹ vẫn đang không ngừng tăng: chỉ trong vòng 8 năm trở lại đây, khối nợ đã tăng gấp đôi, lên mức khoảng 26 nghìn tỷ USD.

Đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã đẩy lãi suất các khoản vay thế chấp nhà ở Mỹ lên mức cao nhất 23 năm. Lãi suất bình quân của các khoản vay mua nhà trả góp lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm ở Mỹ đang ở mức trên 7,5%. Mức lãi suất cao ngất ngưởng đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ liên tục bán tháo gần đây, đồng thời có thể gây suy yếu hoạt động đầu tư, tuyển dụng và các hoạt động khác trong nền kinh tế. Từ đầu tháng 8 tới giữa tuần trước, chỉ số S&P 500 – thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall – đã giảm gần 8%, trong khi đồng USD tăng giá khoảng 5% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác.

Kỷ nguyên lãi suất cao đang đến?

Trong một báo cáo, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng nếu xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bắt đầu từ cuối tháng 7 duy trì, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong một năm tới sẽ mất đi một điểm phần trăm.

Một kịch bản đáng lo ngại mà giới chuyên gia kinh tế đặt ra là lạm phát ở Mỹ không giảm ngay cả khi tăng trưởng sụt tốc – nghĩa là nền kinh tế rơi vào “stagflation”, tình trạng kết hợp giữa tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao, hoặc cũng có thể gọi là một cuộc “hạ cánh cứng” của nền kinh tế.

Trong trường hợp đó, Fed đứng trước lựa chọn khó khăn: hoặc tiếp tục duy trì thắt chặt, chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế để kéo lạm phát xuống; hoặc hạ lãi suất để cứu tăng trưởng, bỏ dở cuộc chiến chống lạm phát…

Nghi Vân (t.h)

Theo Bloomberg, Reuters, Vneconomy

BN 2 jpeg 1

Xem thêm:

Chứng khoán Mỹ, giá vàng và giá dầu đồng loạt tăng vì bất ổn Trung Đông

Xung đột Trung Đông tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Thời hoàng kim của các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á đã kết thúc

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều