Tân Thế Kỷ – Vấn đề quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã làm cho nhiều người phụ nữ sợ hãi, nhiều người đàn ông đau đầu khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Rõ ràng, không có cặp vợ chồng trẻ nào lại muốn chứng kiến nỗi bất hoà giữa mẹ chồng nàng dâu, nhưng do sự khách biệt về ý thức và thói quen dẫn đến cách ứng xử khác nhau, không tránh khỏi làm nảy sinh mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu. Vậy người xưa làm thế nào để hóa giải được những mâu thuẫn này?
Cổ nhân giảng: Đạo đức là quy luật của Trời Đất, bổn phận là quy luật của con người. Con người mà đi ngược lại với quy luật thì tất sẽ gặp họa. Con người có Đạo mới có Đức, vô Đạo thì không có Đức, có Đức mới có phúc, vô Đức thì tất sẽ vô phúc. Bởi vậy, Đạo là vô cùng quan trọng, mà Đạo làm người là không thể trái.
Con dâu và cha mẹ chồng vốn là hai người xa lạ về ở chung một nhà. Nếu như đôi bên không hiểu Đạo thì sẽ gây ra những bất hòa, khiến gia đình ngột ngạt và khó có thể bình yên.
Đạo xử thế trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu ngày xưa
Trong cách đối nhân xử thế của người xưa, Đạo xử thế giữa cha mẹ chồng và con dâu cũng đòi hỏi tuân theo phép tắc, lễ nghi và luân thường đạo lý cơ bản. Trong đó, cha mẹ chồng làm trọn đạo của cha mẹ chồng, con dâu làm trọn đạo của người con. Như thế gia đình sẽ luôn hòa thuận, có trên có dưới và gia đình mới được hưng thịnh.
1. Mẹ chồng là người đi trước, con dâu là người đến sau, cho nên mẹ chồng phải bảo ban con dâu, hướng dẫn chỉ bảo con dâu, không được làm khó cho con dâu.
2. Mẹ chồng nếu như là người không hiểu Đạo, không trước tiên bao dung và ban ơn cho con dâu mà lại thường nói đến khuyết điểm, lấy quyền áp đặt con dâu thì sao có thể sinh ra hảo cảm giữa hai người được?
3. Mẹ chồng phải nên coi con dâu như con gái của mình để đối đãi. Nếu như không làm được như vậy thì người con dâu cũng khó lòng coi mẹ chồng như mẹ đẻ và như thế sẽ tạo thành tuần hoàn “ác tính”, rất khó để gia đình hòa thuận vui vẻ.
4. Khi nói chuyện, mẹ chồng nên khích lệ con dâu, đề cao sở trường của con dâu, cảm kích sự giáo dục của cha mẹ đẻ của con dâu. Khi con dâu có sai trái, mẹ chồng trước tiên phải khoan dung độ lượng, sau là hướng dẫn chỉ bảo, đừng tranh cãi, trách mắng thì con dâu tự nhiên cũng sẽ cảm ơn và báo ơn.
5. Người con dâu, là người vợ phải hiểu được rằng, yêu chồng phải yêu thương cả cha mẹ chồng. Không có cha mẹ chồng thì sao có được người chồng của mình bây giờ?
6. Làm con dâu phải coi cha mẹ chồng chính là cha mẹ đẻ của mình mà hiếu kính. Cổ nhân có câu, đời người có hai bên cha mẹ, cho nên đối với hai bên cha mẹ đều phải đối xử công bằng.
7. Cha mẹ chồng trong gia đình giống như phần rễ của cây. Muốn cây xanh lá, hoa thơm, quả ngọt thì nhất định phải đối xử tốt với rễ cây, phải chăm sóc, bón phân, tưới nước và làm đất. Vì vậy, làm con dâu trong nhà phải hiếu thảo, đối xử tốt, phụng dưỡng tốt cha mẹ chồng thì gia đình mới vững chãi, hưng thịnh.
8. Làm con dâu phải hiểu Đạo lý rằng, cha mẹ chồng chính là phúc báo của gia đình. Đừng bao giờ oán giận người già, không hiếu thảo với người già, bởi vì không đối xử tốt, không hiếu thảo với cha mẹ chồng cũng tương đương với việc mình không cần phúc báo và thực sự cũng sẽ không có được phúc báo.
9. Người con dâu bất hiếu với cha mẹ chồng thì sau này cũng sẽ bị con cái đối xử lại như vậy, đây chính là quả báo mà cổ nhân thường nói đến “sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy.”
10. Có câu rằng, gia đình hòa thuận thì mọi sự hưng, cho nên nếu muốn “chồng sang, con hiền đức” thì phải hiếu kính cha mẹ chồng, như thế mới có thể phát tài, nếu không tất cả sẽ không thể được bền vững lâu dài.
Dù trong bất kỳ xã hội nào, một người mẹ chồng hiểu Đạo, bao dung, lương thiện luôn khiến gia đình, xã hội tôn kính. Một người con dâu hiếu đạo, một lòng một dạ chăm sóc cha mẹ, chồng con luôn được đề cao và ca ngợi. Đó là bởi vì lòng người luôn hướng đến Đạo.
Bị mẹ chồng đối xử không tốt, người con dâu xưa làm gì?
Cổ ngữ có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Tạm dịch: Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu). Hiếu đạo là tinh hoa văn hóa truyền thống của nhân loại, ảnh hưởng đến con người thế gian suốt mấy ngàn năm qua. Hiếu là quy phạm văn hóa, luân lý đạo đức gắn kết các thành viên trong gia đình, xã hội và đất nước.
Thời xưa con người phi thường coi trọng hiếu đạo, ai ai đều xem trọng và tôn kính những người hiếu thảo. Ngoài con trai, con gái hiếu thảo với cha mẹ đẻ ra thì con dâu hiếu thuận với cha mẹ chồng cũng được trời, đất và mọi người kính trọng.
Thời cổ đại có lưu truyền một câu chuyện cảm động lòng người như thế này:
Khương Thi là người vùng Quảng Hán, Tứ Xuyên, thời đại Đông Hán. Đến tuổi trưởng thành, Khương Thi lấy cô gái tên là Bàng Tam Xuân làm vợ. Vợ chồng Khương Thi và Bàng Tam Xuân phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thuận.
Mẹ chồng Tam Xuân rất thích uống nước sông, vì thế cô thường đi đến một nhánh sông lớn cách nhà hơn bảy dặm để lấy nước về nấu cho mẹ chồng uống. Mẹ chồng cô cũng rất thích ăn cá chép. Vì vậy, hai vợ chồng Khương Thi thường đi bắt cá chép về hầm cho mẹ ăn.
Về sau này bởi vì người cô chồng gây xích mích nên giữa hai vợ chồng Khương Thi và Tam Xuân phát sinh sự hiểu lầm lẫn nhau. Khương Thi nghe lời mẹ đuổi vợ về nhà mẹ đẻ của cô. Mặc dù Tam Xuân bị đuổi về nhà mẹ đẻ nhưng trong lòng cô không hề oán giận hay trách móc chồng và mẹ chồng.
Hàng ngày Tam Xuân sống trong gian nhà tranh nhỏ, không quản ngày đêm dệt vải rồi mang bán lấy tiền. Bán được tiền rồi, cô lại mua gạo, mua thịt rồi mang đến biếu mẹ chồng.
Con trai của vợ chồng Khương Thi lúc ấy mới bảy tuổi tên là Khương An An nhưng rất hiểu chuyện. Cậu bé sợ rằng mẹ mình ở nhà tranh sẽ không đủ gạo để ăn nên mỗi ngày đi học cậu bé lại lấy một ít gạo cho vào túi và để ở một chỗ trong ngôi miếu thờ Thổ Địa trên đường. Sau một thời gian tích trữ được một túi gạo lớn, Khương An mang số gạo đó đến thăm người mẹ đang bị oan khuất của mình.
Lúc Khương An mang gạo đến cho mẹ, Tam Xuân bốc một nắm gạo lên xem thì phát hiện gạo có màu sắc, kích cỡ khác nhau. Cô lập tức hỏi con trai mình: “Khương An, số gạo này là con lấy từ đâu?”
Cậu bé thấy mẹ hỏi vậy đành phải bẩm báo thật. Tam Xuân nghe con trai kể xong, liền ôm lấy cậu bé vào lòng và hai mẹ con họ cùng khóc nức nở một hồi.
Về sau, chồng và mẹ chồng của Tam Xuân hiểu ra cô bị oan khuất nên đã đón cô về nhà. Ngay sau ngày cô trở về nhà chồng, trong vườn nhà họ bỗng nhiên có một dòng suối phun trào ra. Hương vị của nguồn nước cũng khác với nước sông.
Hơn nữa, thỉnh thoảng lại có một, hai con cá chép từ trong nguồn nước ấy nhảy ra. Từ đó về sau, Tam Xuân dùng nguồn nước này để nấu cho mẹ chồng uống mà không cần phải đi ra bờ sông xa hơn bảy dặm để lấy nước như trước đây nữa.
Sau này, quân khởi nghĩa Xích Mi thời Đông Hán khi đi ngang qua nơi đây, người thủ lĩnh biết được chuyện Tam Xuân hết lòng hiếu thảo phụng dưỡng mẹ chồng nên đã lập tức xuống ngựa, truyền lệnh ba quân lặng lẽ hành quân, tránh quấy nhiễu đến sự bình yên của nơi đây.
Cũng từ đó trở đi, mỗi lần quan lại đi qua nơi đây đều thi hành lễ, quan văn thì hạ kiệu, quan võ thì xuống ngựa, dần dần trở thành truyền thống. Lòng hiếu thảo của Tam Xuân đối với mẹ chồng thật sự làm cảm động trời đất và lòng người.
3 kinh nghiệm của con dâu hiện đại để sống chung với mẹ chồng hòa thuận, vui vẻ
Học cách quý trọng công sức của mẹ chồng
Nhiều người mẹ chồng đã nghỉ hưu, thường ngày đảm nhận việc nấu nướng trong nhà. Con dâu không tham gia nấu nướng, ngày ngày ăn đồ ăn của mẹ thì nên biết cách khen ngon. Các nàng dâu nên nhớ, đồ ăn mẹ chồng nấu dẫu bình thường, đơn giản, các cô con dâu vẫn đừng nên tiết kiệm lời khen để mẹ cảm thấy được động viên. Lời khen dành cho mẹ chồng như một cách tôn trọng bà.
Những người lớn tuổi thường không có sở thích gì lớn, họ luôn muốn vào bếp nấu nướng cho con cháu ăn. Đương nhiên nhận về lời khen ngợi họ cũng cảm thấy có thành tựu. Không chỉ trong việc nấu nướng mà ở phương diện cắm hoa, dọn dẹp nhà cửa… nếu bạn không giúp đỡ được nhiều thì nên dành lời khen, lời cảm ơn cho mẹ chồng. Nó là một cách thể hiện sự biết ơn, giúp mối quan hệ luôn cân bằng, tình cảm mẹ chồng nàng dâu sẽ thắm thiết hơn.
Cần nắm được việc lớn, việc nhỏ trong nhà
Nó là một cách để người vợ, người con dâu thể hiện chính trách nhiệm của bản thân. Việc nhỏ như mua sắm đồ gia đình, mua đồ ăn, đi chợ, củi dầu mắm muối… Bạn đừng bao giờ thờ ơ với căn bếp, thấy gia vị hết thì chủ động mua cho dù mình không phải người trực tiếp nấu. Chắc chắn mẹ chồng sẽ thấy bạn rất có tâm chăm sóc cho ngôi nhà.
Việc lớn đó là những chuyện to như đối nội đối ngoại, quan tâm đến các ngày giỗ trạp, ngày lễ Tết trong nhà hay bàn bạc việc lớn. Tất cả những điều trên bạn cũng nên nắm được và đôi lúc nên chủ động thể hiện sự quan tâm.
Nhiều cô con dâu khi nhắc đến bất cứ vấn đề nào cũng ngơ ngác cho dù họ làm dâu đã 5 năm, 10 năm. Ắt hẳn như vậy sẽ khiến mẹ chồng không vừa lòng. Họ càng chăm chút cho tổ ấm, ngôi nhà của mình bao nhiêu thì mẹ chồng lại càng quý bấy nhiêu. Tương tự, họ càng để ý đến việc của nhà chồng càng thể hiện được tinh thần trách nhiệm và thật khó để ai có thể trách cứ được một người con dâu như thế.
Những món quà nhỏ đôi khi thắt chặt quan hệ
Trí tuệ cảm xúc của một người con dâu thể hiện trong nhiều điều cuộc sống. Những ngày lễ Tết hay sinh nhật mẹ, các bạn có thể mua tặng bà một món quà. Khi thì cái áo cái khăn, đôi khi một bó hoa xinh xắn. Có thể quà chẳng bao nhiêu giá trị nhưng nó nói lên rõ ràng sự quan tâm săn sóc của con dâu đối với mẹ chồng mình.
Tương tự như vậy, người mẹ chồng của cô cũng luôn nhớ đến sinh nhật con dâu. Luôn yêu quý cô và trong các cuộc gặp mặt bạn bè, bà vẫn tự hào về người con dâu chu đáo, biết săn sóc.
Một món quà nó có thể chẳng chiếm bao nhiêu tổn hại cho thu nhập của bạn song tác dụng mang đến rất lớn. Nhiều người có quan niệm bố mẹ già rồi, quà cáp cũng chẳng làm gì. Thế nhưng độ tuổi nào mà chẳng thích nhận quà, nhận về những bất ngờ thú vị. Bởi vậy, các nàng dâu vẫn nên thi thoảng hoặc vào các ngày lễ tặng quà cho mẹ chồng nhé. Nó là cách hiệu quả để thắt chặt tình cảm mẹ chồng nàng dâu đấy.
Sống dưới cùng một mái nhà, thi thoảng xảy ra mâu thuẫn là chuyện bình thường. Các nàng dâu nên học cách sống nhẹ nhàng hơn, biết tôn trọng mẹ chồng để mối quan hệ luôn tốt đẹp nhé.
Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Đáng nhớ
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực