spot_img
30 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Phụ nữ xưa trị quốc, bình thiên hạ như thế nào?

Tân Thế Kỷ Kinh điển Nho gia có câu: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những tưởng đây chỉ là con đường dành cho nam giới, những người có sức lực mạnh mẽ và tài trí thao lược xuất chúng, không bị ràng buộc bởi nhiều lễ nghi và bổn phận gia đình nên có thể thoả sức thể hiện khả năng của mình trong xã hội. Vậy còn phụ nữ xưa thì sao?

Người có thể trị quốc, bình thiên hạ như hoàng đế Võ Tắc Thiên hay Từ Hy Thái Hậu có vẻ hiếm hoi. Hình ảnh người phụ nữ xưa được biết đến thường có vai trò chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái và là hậu phương vững chãi phía sau cho chồng. Vậy phụ nữ xưa có phải chẳng làm được việc gì to tát? Hãy cùng quay lại quá khứ và xem bản lĩnh của họ nhé.

Nữ Nhi Kinh là một cuốn sách rất hay dạy con gái của người xưa. Trong đó có các quy tắc ứng xử từ khi còn là cô con gái sống cùng cha mẹ, đến khi xuất giá về nhà chồng và cả khi đã có con cái. Trong Nữ Nhi Kinh có viết: “Chồng nghèo hèn, chớ bực tức. Chồng hiển quý, chớ kiêu căng. Chồng làm quan, khuyên thanh liêm. Giúp bách tính, khuyên nhân nghĩa.”

Đây là cuốn sách ra đời vào thời Minh – Thanh, nhưng bổn phận giúp chồng của phụ nữ đã có từ rất xa xưa. Họ không trực tiếp tham gia vào công tác xã hội, nhưng thông qua chồng của mình, họ lại thể hiện tài năng một cách rất trọn vẹn.

Sở Trang Vương xưng bá, ấy là có công của phu nhân Phàn Cơ

Chúng ta từng biết đến Sở Trang Vương, một vị trong Ngũ Bá thời Xuân Thu (770-476 TCN). Thông qua trí tuệ, khả năng lãnh đạo và những hành động nhân nghĩa, Sở Trang Vương đã đưa nước Sở trở thành một trong năm nước chư hầu hùng mạnh nhất bấy giờ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phu nhân của ông – Phàn Cơ là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến ông có thể đạt đến vị trí trên.

stv
Sở Trang Vương nổi tiếng là một vị vua rất nhân từ và vô cùng sáng suốt. (Ảnh minh họa qua DayDayNews)

Phàn Cơ nhiều lần khuyên can và đóng góp những ý kiến sáng suốt giúp Sở Trang Vương chuyên tâm vào chính sự và tu chính bản thân. Sở Trang Vương vốn thích săn bắn, Phàn Cơ nhiều lần khuyên can không được bèn quyết không ăn thịt cầm thú nữa. Từ đó, Vương đã thay đổi dần thói quen của mình. Sở Trang Vương cũng rất thích đàn, có lần ông sở hữu được cây đàn quý tên là Nhiễu Lương, ông say mê với cây đàn đến 7 ngày không quan tâm gì đến triều chính.

Vương phi Phàn Cơ vô cùng lo lắng, khuyên Sở Trang Vương rằng: “Bẩm quân vương, ngài quá say đắm trong âm nhạc rồi. Xưa kia vua Kiệt nhà Hạ say đắm đàn nên đã gây ra mối họa sát thân; Trụ Vương nghe âm thanh ủy mị mà mất sơn hà xã tắc. Hiện nay quân vương yêu thích cây đàn Nhiễu Lương như thế này, 7 ngày không lâm triều, lẽ nào cũng nguyện ý để mất quốc gia và tính mạng sao?”

Sở Vương biết vợ mình nói phải, nhưng khó mà dứt khỏi âm thanh tuyệt diệu của Nhiễu Lương. Cuối cùng, ông ra lệnh cho người đập vỡ cây đàn, chấm dứt sự lôi cuốn khiến mình quên đi trách nhiệm của một vị quân chủ.

Còn một lần khác, khi nghe Sở Trang Vương khen tể tướng Ngu Khâu Tử là người hiền đức, Phàn Cơ đã che miệng cười. Bà giải thích: “Ngu Khâu Tử hiền thì có hiền, nhưng trung thì chưa chắc… Ngu Khâu Tử làm Tể Tướng đã hơn 10 năm, tiến cử không phải đệ tử thì cũng anh em trong gia tộc. Chưa từng nghe nói tiến cử người hiền tài, cũng chưa từng thấy truất phế kẻ bất tài. Có lẽ đây là che dấu Quân Vương ngăn chặn đường tiến của người hiền tài. Biết nhân tài mà không tiến cử là bất trung; không biết ai hiền mà tiến cử là không sáng suốt. Cho nên sau khi nghe Quân Vương nói thiếp thấy buồn cười. Không phải là chuyện bình thường sao!”. Sau khi được thuật lại lời của Vương Phi, Ngu Khâu Tử hốt hoảng không thể đáp lại. Quả nhiên ông ta trở nên nghiêm chính và trung thành hơn, đã tiến cử với Sở Trang Vương một vị có tài năng xuất chúng tên là Tôn Thúc Ngao. Sau ba năm nước Sở dưới sự quản lý của Tôn Thúc Ngao, Sở Trang Vương đã trở thành một bá chủ. Sách nước Sở có viết: “Trang Vương xưng bá, ấy là có công của Phàn Cơ”.

Đường Thái Tông xây dựng Đại Đường hưng thịnh, một phần nhờ vào Trưởng Tôn Hoàng Hậu

Thời nhà Đường, hoàng đế Đường Thái Tông cũng có một người vợ rất hiền đức. Tuy ông là một vị hoàng đế anh minh bậc nhất, nhưng cũng không tránh khỏi có lúc tức giận vì các vị quan đại thần.

Có một lần, Nguỵ Trưng khuyên can vua quá thẳng thắn và không nể mặt. Hoàng đế trở về vẫn chưa hết giận, nói với hoàng hậu rằng: “Ta phải giết tên Nguỵ Trưng đó” và kể chuyện vừa xảy ra cho hoàng hậu.

anh3 1
Trưởng Tôn Hoàng hậu – Phụ tá tài đức của vị hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa Đường Thái Tông (Ảnh ĐKN)

Hoàng hậu liền quay vào thay triều phục, đội mũ phượng rất đúng nghi thức, rồi tiến đến trước mặt hành lễ và chúc mừng hoàng đế. Bà nói rằng hoàng đế là một vị minh quân, bên cạnh còn có những thần tử trung thành chính trực như vậy là một điều rất đáng mừng. Bà còn nhiều lần đưa ra những ý kiến đóng góp giúp hoàng đế trị quốc, lại rất khiêm nhường và giữ quy tắc lễ nghi của một người vợ.

Thời kì hoàng đế Đường Thái Tông trị vì, Đại Đường đã phát triển rực rỡ cả về kinh tế và văn hoá, sứ thần vạn quốc đến chầu bái, trở thành quốc gia hưng thịnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Công lao này có phần không nhỏ của Trưởng Tôn Hoàng Hậu.

Công chúa Văn Thành cũng là một người phụ nữ xuất chúng dưới thời vua Đường Thái Tông. Khi phải cưới quốc vương của Thổ Phồn (Tây Tạng) để giữ bang giao hai nước, cô cũng không phụ trọng trách mà nhà vua đã giao phó. Cô đã mang theo các kiến trúc sư, nông dân, thợ thủ công… từ thiên triều đến dạy người dân Tây Tạng các kĩ thuật xây dựng, trồng trọt…, và cũng đóng góp nhiều ý kiến giúp vua Thổ Phồn bỏ đi các hủ tục, chăm lo tốt cho người dân, phát triển đất nước.

Bầu trời của lịch sử: Công chúa Văn Thành
Công chúa Văn Thành

Cô không thể hiện bản lĩnh của mình trước mặt vua, mà hoàn toàn hỗ trợ và chia sẻ với vua dưới cương vị một người vợ hiền. Trong gia đình, cô cũng làm tròn vai trò của một người vợ như nấu các món ăn ngon, tự tay may trang phục cho phu quân, hay chơi đàn cho vua Thổ Phồn nghe. Vì đức hạnh và tài năng của mình, người Tây Tạng coi cô như Thần Tiên và vẫn còn thờ phụng cô cho đến ngày nay.

Trí tuệ người phụ nữ xưa đến từ đâu?

Nhiều người xưa khi được mời đi làm quan thì về nhà hỏi ý kiến vợ, vợ cho rằng nên đi thì mới nhận chức, vợ khuyên can thì từ chối và cùng vợ chuyển đến nơi khác sinh sống. Phụ nữ xưa không phải coi tam tòng, tứ đức là bổn phận cần tuân theo sao? Họ chỉ học thêu thùa, dệt vải, nấu ăn… thì trí tuệ và học vấn từ đâu mà có?

Đây lại là hiểu lầm rất tai hại, cho rằng phụ nữ xưa không có học vấn nhiều như nam giới. Ngược lại, những người phụ nữ xuất sắc trong quá khứ không phải là hiếm. Cha mẹ họ cũng rất chú trọng việc đào tạo học vấn cho họ, không giống như những điều chúng ta thường hình dung. Sách Nữ Giới (Ban Chiêu) có viết:

“Nếu như chỉ dạy con trai mà không dạy con gái, há chẳng phải đã có sự thiên chấp không rõ lý rồi hay sao? Trong sách “Lễ Ký” có nói: “Con trai từ tám tuổi trở đi thì phải dạy chúng đọc tụng Kinh điển, truyện ký, đến mười lăm tuổi thì dạy chúng chuyên chí vào học vấn để thành nhân”. Nếu như có thể giáo dục con trai như thế thì sao không thể dạy dỗ con gái như vậy chứ?”

Người xưa chú trọng việc dạy con gái và con trai như nhau, không thể trọng nam khinh nữ. Thậm chí họ hướng cho con gái những phẩm đức làm phụ nữ thiện lương ngay từ khi bé gái mới được sinh ra mấy ngày. Càng lớn lên, các cô gái càng được giáo dục cẩn thận để có thể trở thành những người vợ tốt, người mẹ hiền.

Khi tìm đọc lịch sử, chúng ta có thể thấy rất nhiều những hình tượng phụ nữ xuất sắc cả về tài năng lẫn phẩm hạnh. Họ không xuất đầu lộ diện nhiều, trừ tình thế bắt buộc, nhưng về tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, họ không thua kém nam giới, chỉ là cách biểu hiện khác nhau. Bản lĩnh của phụ nữ truyền thống thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ và học tập.

Hồng Ngọc

Hanhtrinh140x72

Xem thêm:

Dịu dàng chính là sức mạnh lớn nhất của người phụ nữ

Bình đẳng vốn là một giá trị tốt đẹp trong quá khứ

Bao nhiêu người trong chúng ta thật sự hiểu về “Nam tả nữ hữu”?

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều