Tân Thế Kỷ – Khi chị V. lên tiếng, nói về quy định của Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm học sinh tiểu học, con chị đã được… cô giáo cho vào diện “chăm sóc đặc biệt”. Cô không “lờ” cháu đi như đã làm lơ trước ý kiến của chị mà chuyển sang săm soi cháu từng ly từng tý.
Sự việc một học sinh Trường THPT Lạc Long Quân, Hà Nội, Hà Nội được cho là bị buộc thôi học vì người bố có tiếng nói phản đối những khoản thu đầu năm học đang được dư luận quan tâm. Chưa bàn đúng sai nhưng câu chuyện gây đau nhói với không ít người khi họ thấy mình trong đó.
Sự lên tiếng của người mẹ được đổi lại bằng sự “quan tâm đặc biệt”
Chị V., có con học tiểu học ở Hà Nội cho biết, hai năm trước, khi con chị học lớp 2, cô giáo chủ nhiệm làm mọi cách “chèo kéo” trẻ đến nhà cô học thêm.
Cô từng nhiều lần “mời gọi” phụ huynh với cách thức “các con không học ngoài thì không kịp chương trình”. Cô còn vào trong nhóm thông tin của lớp điểm danh em này em kia cần được hỗ trợ, kèm cặp.
Lần đó, đi học về, con đưa cho chị mẩu giấy con viết nguệch ngoạc ghi lại thời gian thời gian 5h30-7h30 tối thứ sáu và 8-10h sáng chủ nhật cùng số nhà cụ thể.
Lúc đầu, chị V. không để ý, cho đến khi những ngày sau đó, con tiếp tục đưa những mẩu giấy chép lại thời gian, địa điểm như vậy. Hóa ra, cô giáo viết nội dung đó lên bảng, yêu cầu một số học sinh chép lại về đưa tận tay bố mẹ.
Tìm hiểu từ nhiều phụ huynh khác, chị biết đây là cô giới thiệu lớp học thêm tại nhà của mình.
Trước áp lực của cô, nhiều gia đình không có nhu cầu cho con đi học thêm hay không có điều kiện kinh tế cũng đành bấm bụng đưa con đến nhà cô.
Quá bức xúc và đau lòng, chị V. lấy hết dũng khí lên tiếng trong nhóm lớp, nhẹ nhàng nói lên quan điểm về việc không nên bắt trẻ nhỏ đi học thêm.
Người mẹ cũng nhắc đến quy định của Bộ GD&ĐT về việc không được dạy thêm với học sinh tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Còn phụ đạo học sinh yếu kém, chị V. nói rõ đó là trách nhiệm của nhà trường.
Phụ huynh trong lớp nhiều người nhắn tin riêng cho chị, cảm ơn chị đã lên tiếng, họ cũng rất bức xúc, bất mãn nhưng không dám ý kiến. Vậy mà trong nhóm lớp với gần 50 phụ huynh, chỉ một vài người dám thả biểu tượng like (thích) ý kiến của chị, còn tất cả… im re.
Sự lên tiếng của người mẹ được đổi lại bằng sự “quan tâm đặc biệt” của cô giáo với con gái chị. Cô không “lờ” cháu đi như đã làm lơ trước ý kiến của chị mà chuyển sang săm soi cháu từng ly từng tý.
Cô để cháu vào tầm mắt, bất cứ cử chỉ, hành động, lời nói nào của cháu cũng lập tức được cô nhắc nhở, uốn nắn, giáo huấn, chê bai, đổ lỗi cho cháu… Mọi vấn đề của cháu và bạn, luôn chỉ có con chị bị đưa ra uốn nắn, nhắc nhở, cảnh cáo.
Con gái chị rơi vào khủng hoảng, sợ hãi. Đến lớp, làm gì cháu cũng sợ bị cô dạy dỗ, nhắc nhở, chê bai. Có thời gian dài, vào lớp cháu chỉ ngồi yên một chỗ, chỉ mong cô không để ý.
Một lần nữa, chị T. lại phải gặp cô giáo, năn nỉ cô bớt “quan tâm” đến con mình. Cô giáo quay ngược sang khóc lóc vì cô quan tâm, muốn tốt cho cháu nhưng không ngờ gia đình trách cô như vậy.
Con chị V. vượt qua năm học với rất nhiều áp lực, căng thẳng. Nhiều khi, người mẹ còn trách mình đã dại dột… lên tiếng.
“Phụ huynh đừng bao giờ ý kiến”
Chị N.G., có con học cấp hai một trường ở Đắk Lắk kể, trong buổi họp phụ huynh lớp đầu năm nay, chị lên tiếng về việc trường tổ chức nhiều hoạt động phong trào cho học sinh nhưng không thiết thực, mang tính hình thức, mất thời gian lại tốn kém.
Chị mong nhà trường điều chỉnh những hoạt động phong trào sao cho thực chất hơn, tránh lãng phí. Nhiều phụ huynh đồng tình với ý kiến của chị, cũng giơ tay để ý kiến thì cô giáo cắt ngang “không bàn”.
Rõ ràng phụ huynh lên tiếng, không đồng tình nhưng khi kết thúc cuộc họp, thư ký hỏi phần ý kiến phụ huynh, cô chủ nhiệm nói ghi “100% đồng ý với các nội dung, vấn đề cuộc họp đề ra”.
Chị G. không khỏi bất ngờ và cả mất luôn niềm tin vào việc mình lên tiếng đóng góp về các vấn đề giáo dục trong trường học với mong muốn tốt hơn.
Anh Ngô Đăng Vinh, làm việc ở Hà Nội kể, anh từng nhắn vào Zalo nhóm phụ huynh lớp con mình về một số vấn đề bất hợp lý. Giáo viên chủ nhiệm không giải đáp được nên anh yêu cầu giáo viên cung cấp số điện thoại, email của đại diện trường để mong muốn được giải thích rõ.
Ngay sau ý kiến của anh thì nhóm Zalo lớp đã chuyển sang chế độ “chỉ có trưởng/phó nhóm mới được gửi tin nhắn vào nhóm”, một hình thức theo anh Vinh là “bịp mồm phụ huynh”.
Phụ huynh “đừng ý kiến” có thể thấy rõ nhất từ sự việc quỹ lớp hơn 310 triệu đồng xảy ra tại lớp Một 2, Trường tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TPHCM gây chấn động dư luận vừa qua.
Trong sự việc này, khi phụ huynh lên tiếng trong nhóm về những khoản chi họ cho là không hợp lý, cô giáo đã “chốt” lại bằng câu gây choáng váng: “Phụ huynh đừng bao giờ có ý kiến về chuyện tiền bạc nữa, tất cả chỉ vì học sinh. Và phụ huynh đừng vì những việc này mà làm phiền cô, để cô yên tâm công tác, dạy dỗ cho các con nên người”.
“Phụ huynh đừng bao giờ ý kiến”, câu nói của cô giáo ở Trường tiểu học Hồng Hà, hóa ra nào phải là ý kiến cá nhân của một giáo viên?
Từ những sự việc này, có thể hiểu được về hình ảnh bố mẹ nghe đến đâu cũng gật hoặc cúi gầm mặt rồi giơ tay răm rắp trong các buổi họp phụ huynh, kể cả trước những vấn đề bất thường, vô lý. Bố mẹ chọn nương theo hoặc chí ít là im lặng vì… không dám lấy con cái ra đánh cược.
Từng nhiều năm công khai lên tiếng đề nghị giải tán hội phụ huynh, anh Võ Quốc Bình, có con học ở TPHCM nhiều lần nhận được câu hỏi: “Có lo con bị phân biệt, trù dập?”.
Anh Bình đáp: “Không, tôi không ngại điều này. Trường học không phải là nơi của các thói hư tật xấu, không phải là nơi của các tệ nạn. Tôi tin không ai “phân biệt” con tôi vì tiếng nói của mình. Tôi tin vào các thầy cô đứng trên bục giảng đang mang trọng trách trồng người”.
Bạn sẽ làm gì nếu chính bản thân mình rơi vào trường hợp như những phụ huynh trên. Im lặng trước cái sai và để tương lai con mình trôi theo vòng xoáy của đám đông, hay dũng cảm lên tiếng, dù nó có thể ảnh hưởng đến con mình?
Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Dân trí
Sở GD-ĐT TP. HCM yêu cầu trường học không được dạy quá 8 tiết/ngày
Bài đồng dao dạy trẻ con nói dối lại được in trong sách thiếu nhi
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực