Tân Thế Kỷ – Trong cuộc họp chiều 7/6 vừa qua, Đại diện Bô Công Thương, ông Trần Việt Hòa cho biết, hệ thống điện miền Bắc thiếu hụt 4.350 MW, tương đương trung bình 30,9-50,8 triệu kWh một ngày, nên nguy cơ thiếu điện xảy ra hầu hết các giờ trong ngày.
Trước khó khăn cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải cắt giảm điện ở miền Bắc. Chẳng hạn, ngày 5/6, công suất tiêu thụ điện bị cắt giảm 3.609 MW lúc 16h30, trong đó cắt điện của khu vực công nghiệp lớn khoảng 1.423 MW, sinh hoạt 1.264 MW.
Trước đó, EVN cho biết qua theo dõi về tình hình vận hành hệ thống điện Quốc gia, trong tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm tiêu thụ điện tăng cao. Theo đó, dự báo trong các tháng 5,6,7 miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện Quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch. Như vậy, tình trạng thiếu điện có thể tiếp tục kéo dài 1-2 tháng nữa.
Cúp điện luân phiên, người dân “oằn mình” tìm đường xoay sở
Lâu nay, người dân đã quen với việc thi thoảng điện mới cúp, mà có cúp thì cũng được thông báo trước. Ít ai nghĩ đến việc phải chuẩn bị trước một số phương án dự phòng khi cúp điện như quạt tích điện, máy kích điện, ắc quy hay cả máy phát điện. Nhưng nay, việc cúp điện xảy ra luân phiên, lại bất thình lình khiến người dân không kịp thích nghi.
Tình trạng cúp điện luân phiên xảy ra trong thời gian qua tại Hà Nội và các tỉnh khác của miền Bắc đã làm đảo lộn đời sống sinh hoạt, gây thiệt hại về kinh tế, thu nhập của nhiều hộ dân. Trong cái nóng gay gắt, thêm việc luân phiên cúp điện, người dân oằn mình xoay sở tìm đủ phương pháp chống nóng.
Chị Thu, chủ một căn hộ chung cư cho biết, mùa hè miền Bắc nóng như thiêu đốt. Hàng ngày anh chị phải đi làm nên để 2 đứa trẻ nghỉ hè với bà nội. Những ngày qua cúp điện, chung cư máy phát điện hoạt động không đủ, trời quá nóng nên bà nội đổ bệnh, còn 2 đứa nhỏ từ bé chưa bao giờ gặp cảnh này, tối cứ đi ra đi vào không ngủ được, lớn rồi vẫn kêu khóc không thôi. Anh chị đành gửi bà và 2 cháu vào nhà chị ruột trong Nam “tránh nạn” một thời gian, đợi tình hình ổn định rồi đưa bà và cháu về.
Không cam chịu như chị Thu, anh Trí căn hộ bên cạnh tìm giải pháp khác thay thế. Vốn là kĩ sư cơ khí, anh mua bình ắc quy và bộ nguồn dự phòng (máy kích điện) lắp trong nhà. Anh cho biết, máy kích điện chạy êm, dáng nhỏ gọp nên phù hợp với các căn hộ chung cư như nhà anh. Có máy kích điện và bình ắc quy, nhà anh cũng chạy được quạt, nấu cơm và một số việc sinh hoạt cần nguồn điện khác không bị gián đoạn.
Nhận thông báo cắt điện từ chiều tối đến đêm ngày 6.6 khiến anh Nguyễn Đức Quang (trú P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khá lo lắng. Hàng ngày, anh chủ yếu làm việc tại cơ quan, vợ anh hoạt động trong lĩnh vực thông tin – truyền thông, không đi làm theo giờ hành chính, khá linh hoạt về thời gian, địa điểm làm việc, song cũng thường xuyên phải sử dụng máy vi tính, internet phục vụ công việc.
Mất điện đồng nghĩa với việc mất cả hệ thống internet trong nhà, gây ra khá nhiều bất tiện; chưa kể, gia đình anh còn có 2 con nhỏ đang nghỉ hè ở nhà (một bé 7 tuổi, 1 bé 12 tuổi)
“Từ sáng, khi nắm thông tin cắt điện thời gian dài trong ngày, 2 vợ chồng tôi đã phải lên kế hoạch sắp xếp. Phương án sử dụng ắc quy làm nguồn dự phòng là hợp lý. Tôi đã mua 1 bình ắc quy 100 Ah cùng với bộ kích điện, sau đó lắp đặt và hướng dẫn vợ cách sử dụng. Máy kích điện này có thể chạy 1 quạt cây 50 W và 1 bóng đèn 20 W trong khoảng 10 – 12 giờ, đủ đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong gia đình.
“Tôi có việc bận nên khoảng 20 giờ mới có mặt ở nhà, có sự chuẩn bị, hướng dẫn kỹ lưỡng cho vợ có thể sử dụng tôi cũng yên tâm hơn. Đây sẽ là cách mà gia đình tôi sử dụng để ứng phó với bất kỳ thời điểm nào mất điện trong thời gian tới”, anh Quang nói.
Còn ông Trần Tử Lan (xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương) thì chọn giải pháp khác. Do gia đình chăn nuôi, trồng trọt, cần nhiều điện để tưới tiêu, giữ mát cho gia súc,… sau khi cân nhắc, tính toán, ông Lan đành bấm bụng bán 3 tấn lúa vừa khô, được hơn 20 triệu đồng để mua máy phát điện. Số tiền này, theo dự định sẽ dùng để nâng cấp nhà bếp trước mùa mưa bão. Thế nhưng, mấy ngày qua, liên tục cắt điện khiến cả nhà từ người già đến trẻ nhỏ không thể nào ngủ được nên ông đành dùng số tiền bán lúa đi mua máy phát điện.
Máy kích điện, phát điện cháy hàng
Máy kích điện là thiết bị để chuyển đổi dòng điện một chiều 12V của ắc quy thành dòng điện xoay chiều 220V. Vì dòng máy này tiện lợi và phù hợp với quy mô các gia đình nhỏ, nên được xem là ưu tiên hàng đầu của người dân trong mùa cúp điện.
Anh B.T.K, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ắc quy, máy kích điện lâu năm tại Hà Nội cho biết, chỉ trong 2 ngày, số đơn hàng đặt máy kích điện và ắc quy của anh tăng gấp 10 lần. Cung vượt cầu nên cửa hàng hiện có một số thương hiệu máy kích cháy hàng.
“Từ sáng sớm, khách đã xếp hàng chờ mua máy kích và ắc quy. Đây là cảnh mà tôi chưa từng thấy từ khi theo ngành này. Giờ đơn hàng không kịp bán nên cửa hàng tạm chỉ bán trực tiếp, không tiếp đơn qua online. Cả khách sỉ cũng phải xếp hàng chờ” – Anh K cho biết thêm.
Anh K chia sẻ, hiện trên thị trường có nhiều dòng máy kích điện có nguồn gốc khác nhau. Cụ thể máy kích điện có 2 dòng chính là kích điện sóng Sine (Pure Sine Wave) và kích điện Sine mô phỏng (Modified Sine Wave). Sau nhiều năm kinh doanh trong ngành, anh chỉ bán dòng sóng Sine, tuy mắc hơn một chút nhưng chúng là các sản phẩm chính hãng, có bảo hành, kiểu dáng đẹp, chạy êm ái và nhiều tính năng vượt trội hơn so với dòng Sine mô phỏng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Anh Nguyễn Cường, chủ một cửa hàng điện máy ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: “Trước đây, mặt hàng này cửa hàng không có sẵn, vì giá thành cao, ít người hỏi mua, chỉ có ai đặt hàng mới dám lấy về. Song mùa nắng nóng năm nay điện thường xuyên cắt luân phiên nên rất nhiều người tìm mua. Chủ yếu là máy công suất nhỏ từ 2-5 kW phục vụ sinh hoạt gia đình. Còn những loại máy công suất lớn, để bơm tưới chè, cam thì phải đặt trước”.
Tại một đại lý chuyên kinh doanh máy phát điện ở đường Mai Hắc Đế (TP. Vinh) với đủ chủng loại, dòng máy, giá cả, 2 tuần nay, số lượng người đến mua và thuê máy phát điện tăng đột biến. Nếu như trước đây, khách mua hàng chủ yếu là các cơ quan, đơn vị, thì nay chủ yếu là những cửa hàng kinh doanh nước giải khát đồ uống và các hộ gia đình”.
Nhiều chủ cửa hàng bán ắc quy đều có chung nhận định, cầu tăng đột biến, cửa hàng nhập bổ sung cũng không kịp nên xảy ra tình trạng “cháy hàng”. Theo anh B.N.C, chủ cửa hàng chuyên bán ắc quy và các sản phẩm máy kích điện ở phố Hoàng Mai cho biết, những năm trước nhiều người dường như chẳng quan tâm hoặc không biết máy kích điện là gì. Mỗi lần nhập hàng anh chỉ lấy số lượng ít, bán cầm chừng. Nhưng thời gian qua cúp điện liên tục, máy kích điện “lên ngôi” và đang là sản phẩm được khách hàng quan tâm nhiều nhất hiện nay. Từ cuối tháng 5, khi có thông tin cảnh báo nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc, số lượng khách hàng hỏi mua sản phẩm này đã bắt đầu tăng nhanh chóng. Còn bây giờ thì anh không nhập đủ hàng về bán. Một số dòng máy kích điện đã không còn hàng.
Qua khảo sát trên thị trường, các dòng máy kích điện Sine mô phỏng thường có xuất xứ từ Trung Quốc có giá dưới 1 triệu đồng. Dòng sóng Sine (Pure Sine Wave) do có thương hiệu, chất lượng và tiện lợi hơn nên giá dao động từ 2-5 triệu đồng/chiếc. Còn với dòng máy phát tùy theo công suất và thương hiệu, giá dao động từ 10tr đến vài chục triệu đồng một chiếc.
Thống kê của EVNHANOI cho thấy, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 3 là 58.336 triệu kWh, tháng 4 là 61.542 triệu kWh thì tháng 5 là 75.406 triệu kWh. Bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4. Nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến cho nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố thậm chí nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp.
Nghi Vân
Xem thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*