Tân Thế Kỷ – Những bãi rác cao ngất, bốc mùi hôi thối, nước thải đen ngòm gây ô nhiễm môi trường, thiếu nhà máy xử lý và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân là thực trạng đáng báo động tại nhiều tỉnh miền Tây.
Hơn 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu (tỉnh Minh Hải tách ra thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau), địa phương này chưa có nhà máy xử lý rác, trong khi bãi rác lớn ở huyện Vĩnh Lợi và 2 điểm tập kết ở huyện Đông Hải và huyện Phước Long đã rơi vào tình trạng quá tải.
“Để xử lý rác, chúng tôi chỉ có thể chôn lấp, phun vi sinh tránh mùi hôi. Nếu tính toán chi phí tốn khoảng 5 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, việc xử lý như thế này không thể giải quyết hết lượng rác đổ về mỗi ngày. Về lâu dài nếu không có nhà máy xử lý, bãi rác cũng sẽ quá tải, ô nhiễm khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Văn Sao, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ.
Xử lý rác của Bạc Liêu chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân. Thực trạng này vô số lần làm “nóng” các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Còn ở bãi rác Phương Thạnh ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, rộng 1,4 ha nhưng chứa hàng chục nghìn tấn rác, chất cao như núi. Mùi hôi ở bãi bốc lên nồng nặc, nước rỉ đen ngòm tràn ra khu vực bên ngoài.
Tỉnh Trà Vinh có 18 bãi, khu trung chuyển rác trên địa bàn các huyện, cụm xã. Mỗi ngày, toàn tỉnh có khoảng 450 tấn rác thải sinh hoạt nhưng nhà máy xử lý chưa đến 50 tấn. Tình trạng rác tồn đọng kéo dài gây ô nhiễm môi trường, người dân nhiều lần bức xúc, phản ứng.
Tương tự, bãi rác Hòa Phú ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cũng trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường. Bãi rác quy mô 47 ha được đưa vào sử dụng từ năm 1997, gồm bốn khu chứa rác và các công trình phụ trợ như đường dẫn, đê bao, hồ chứa nước rỉ…
Theo VnExpress, hiện mỗi ngày, bãi rác Hòa Phú tiếp nhận khoảng 350 tấn rác thải, nhưng chủ yếu dùng biện pháp chôn lấp. Hai khu chứa số 1 và 2 đã đầy với hàng trăm nghìn tấn. Khu số 3 có sức chứa 200.000 tấn đang tiếp nhận rác, dự kiến sẽ đầy vào tháng 6/2024.
Ở Bến Tre, nhà máy rác xã An Hiệp ở huyện Ba Tri rộng khoảng 5 ha, hoạt động từ hơn 10 năm trước, mỗi ngày tiếp nhận 30-40 tấn rác. Gần hai năm nay, nhà máy rác tại xã Hữu Định tại huyện Châu Thành đóng cửa do không đảm bảo các điều kiện về môi trường. Vì thế rác từ huyện Châu Thành và TP Bến Tre tập trung vào bãi rác An Hiệp từ 120-150 tấn mỗi ngày.
Lượng rác quá tải, trong khi hạ tầng xử lý nước thải, mùi hôi, tường bao quanh chưa đảm bảo khiến khu vực xung quanh ô nhiễm. Từ ngày 15/7, hơn 100 hộ dân tại hai xã An Đức, An Hiệp lập chốt cách nhà máy 500 m ngăn chặn xe chở rác vào. Chính quyền nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng bất thành.
Vì sao miền Tây ngập rác?
Lượng rác tăng nhanh trong khi nhà máy công suất quá nhỏ dẫn tới ô nhiễm là tình trạng chung của nhiều tỉnh miền Tây. Vì vậy một số địa phương tìm kiếm, huy động vốn để xây dựng các nhà máy xử lý rác.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, địa phương đã nhiều lần kêu gọi xây dựng nhà máy xử lý rác, có một số nhà đầu tư quan tâm nhưng sau đó lại rút.
Mới đây nhất, tháng 5/2019, tỉnh này phối hợp với Công ty TNHH Sa Mạc Xanh tổ chức khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung đặt tại khu bãi rác Tân Tạo ở huyện Vĩnh Lợi. Dự án này có công suất 150 tấn/ngày, với tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 12 tháng.
Đến nay đã 4 năm, chẳng thấy nhà máy xử lý rác ở đâu và nhà đầu tư cũng dừng dự án. Nguyên nhân được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đưa ra, do liên quan đến tài chính.
Dân Trí đưa tin, Ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho biết việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy không vướng cơ chế, chính sách, thế nhưng khó khăn nhất của xử lý rác đó là công nghệ.
Trước thực trạng các bãi rác gây ô nhiễm, không chỉ Bạc Liêu mà nhiều tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tích cực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý.
Năm 2020, vì thiếu khả năng xử lý, tỉnh Trà Vinh đã lên tiếng “cầu cứu” Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long hỗ trợ tuyến đường vận chuyển 30.000 tấn rác thải để xử lý theo hình thức đốt. Thế nhưng, UBND TP Cần Thơ đã phản hồi bằng công văn… từ chối.
Thực tế, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 10 nhà máy xử lý chất thải rắn đang hoạt động. Thế nhưng, chỉ 2 khu mang tính chất liên tỉnh là ở Tân Thành (Long An) và Thới Lai (TP Cần Thơ), còn lại đều sở hữu công suất rất nhỏ.
Đặc biệt, hầu hết các địa phương vẫn áp dụng công nghệ chôn lấp tập trung tại chỗ. Trong bản quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, số liệu báo cáo cho thấy, chỉ có 19/124 bãi chôn lấp đảm bảo hợp vệ sinh. Điều này đồng nghĩa toàn vùng đang tồn tại trên 100 bãi rác không hợp vệ sinh, gây rủi ro cao về ô nhiễm.
Và một nghịch lý nữa xảy ra, có địa phương sở hữu nhà máy xử lý rác với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, theo tiêu chuẩn quốc tế, thế nhưng nhiều năm nay đã “đắp chiếu” vô thời hạn.
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Đây là “bằng chứng thép” cho thấy nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc là có thật
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*