Tân Thế Kỷ (TTK) – Chỉ vừa mới ra trường nhưng đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, họ đã làm được điều này như thế nào?
Năm nhất đại học đã kiếm được 15 triệu đồng/tháng
Ngay từ lúc mới vừa tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, Đ.T.N.M (23 tuổi) đã có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng cho vị trí hoạch định truyền thông của một công ty quảng cáo truyền thông. Và vị trí M. đạt được là kết quả của quá trình “gieo” và “gặt” từ sớm.
“Khoảng thời gian học đại học là thời điểm vàng để nắm bắt cơ hội phát triển nên ngoài việc học, mình chú trọng đến kỹ năng rất nhiều. Từ năm nhất, mình tham gia vào câu lạc bộ kỹ năng doanh nhân và đến cuối năm thứ 3 đã có được công việc quản lý nhân sự. Sau 6 tháng, mình làm việc cho công ty hiện tại và chỉ sau một năm rưỡi đã được thăng chức”, N.M. kể.
Cũng chỉ vừa ra trường năm nay, nhưng có lúc Nguyễn Thị Ngọc Hiền (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã có thu nhập 30 triệu đồng/tháng và hiện là nhà sáng lập của một đơn vị chuyên cung ứng các dịch vụ về tiếp thị và truyền thông cho những doanh nghiệp sáng tạo kỹ thuật số. Hiện tại, đơn vị của Hiền đã hợp tác với 7 đối tác trong và ngoài nước.
“Những năm đầu đại học, mình bắt đầu thử sức tại các công ty đa quốc gia để làm quen với môi trường làm việc toàn cầu, đa nhiệm và coi trọng trải nghiệm khách hàng. Đến năm thứ ba đại học, mình tìm hiểu thêm về đặc điểm các ngành hàng tại các đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị và truyền thông trong nước, nhờ vậy mà được ký kết hợp đồng làm việc từ xa với đối tác nước ngoài đầu tiên. Tất cả những trải nghiệm này cung cấp cho mình đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp để tự tin khởi nghiệp vào năm tư đại học”, Hiền chia sẻ.
Hiện là Giám đốc phụ trách điều hành của chuỗi đồ uống Đậu Má Mix, Lê Ngọc Châu (26 tuổi) đạt thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng. Nhưng ngay từ năm nhất đại học, anh chàng đã kiếm được 15 triệu đồng/tháng và sau khi ra trường vào năm 2019 đã có thu nhập khoảng 30 – 35 triệu đồng/tháng.
Xuất phát điểm không quan trọng bằng những điều này…
“Từ năm nhất, ngoài ngành học hiện tại, mình học thêm các khóa ngắn hạn về quản trị nhân sự, thiết kế đồ họa, marketing và các kỹ năng liên quan đến đa nhiệm để cải tiến bản thân. Mình cũng đi làm sớm với nhiều công việc từ kinh doanh trực tuyến, phục vụ, pha chế cho đến làm thương hiệu, dự án cho các hãng, tập đoàn chuyên về dịch vụ nhà hàng và quầy uống”, Ngọc Châu cho hay.
Ngọc Châu cho biết để có được thu nhập hiện tại, anh chàng phải học kỹ năng và không ngại thử sức ở bất kỳ công việc nào, có thời điểm anh dành 16 tiếng/ngày để đi làm.
“Trong công việc nếu muốn có vị trí cao, mình sẽ trực tiếp đề xuất với sếp là muốn được làm thêm vị trí này, muốn được thăng cấp để được trao đổi thẳng thắn và cân nhắc về công việc, lúc đó những cơ hội mới sẽ mở ra. Nên khi đi làm mà chưa có nhiều kinh nghiệm, người trẻ đừng “phòng thủ” mà hãy thể hiện hết khả năng của mình để học hỏi và có thêm nhiều trải nghiệm”, Châu chia sẻ.
6 yếu tố cần có để được trả mức lương cao
Theo bà Võ Duy Phương Thanh, Phó giám đốc HR1Jobs, việc người trẻ vừa ra trường có thu nhập cao hay thấp đều đến từ kết quả của một quá trình đầu tư và chiến lược của từng người.
“Ngoài kiến thức, các nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến 6 yếu tố: Quản lý, tư duy công việc, quản lý thời gian, tin học văn phòng, kỹ năng ngoại ngữ và thái độ cầu toàn trong công việc. Do đó, sinh viên cần phải trau dồi kiến thức thật vững, tự rèn luyện bản thân thật tốt ngay trong thời gian còn đi học và có thể đi làm sớm để tăng khả năng tư duy công việc, tập làm quen với áp lực”, bà Thanh cho hay.
Theo Ngọc Hiền, so với những năm trước, con số 20 triệu đồng/tháng đã không còn là mức thu nhập “không tưởng” đối với nhiều sinh viên mới ra trường. “Các bạn trẻ có chuyên môn giỏi, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ tốt và thông thạo công nghệ hoàn toàn có thể ký kết với khách hàng trên thế giới. Và không chỉ có nguồn thu chính mà còn có thể kiếm thêm từ nhiều nguồn thu nhập khác như: Xây dựng nội dung, tiếp thị liên kết, bán các sản phẩm kỹ thuật số…”, Hiền cho hay.
Còn theo N.M, có hai con đường để người trẻ có thể đạt được thu nhập cao: “Một là nộp đơn vào các chương trình quản trị viên tập sự của các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Hai là đi từ thực tập sinh rồi lên chính thức và tiếp tục thăng chức bằng những nỗ lực hiệu quả. Dù con đường nào, người trẻ vẫn phải xác định được điểm mạnh, yếu của bản thân, lắng nghe chia sẻ từ những người thành công đi trước…”.
Khi được hỏi: “Người trẻ có điều kiện gia đình sẽ dễ dàng tìm được công việc lương cao hơn?”, Châu bày tỏ: “Thời điểm mình làm công việc kinh doanh đầu tiên chỉ có 600.000 đồng làm vốn, nên người trẻ phải tự tạo cơ hội cho mình và nhìn ra bản thân có phù hợp với cơ hội đó hay không, gốc gia đình chỉ là một phần nhỏ để đạt được thành công”.
Để có được mức lương cao khi vừa ra trường, Hiền cho rằng người trẻ nên chịu khó “gõ cửa”. “Hãy luôn giữ sự tò mò và đừng ngần ngại hỏi, đôi khi sẽ đánh mất cơ hội nâng cấp bản thân vì câu nói “Tôi biết rồi” và chạy theo những con số, mục tiêu, hay so sánh mình với người khác. Nếu muốn được trả lương và quyền lợi tốt, người trẻ phải tạo thật nhiều giá trị cho người khác”, Hiền nói.
Nhưng lương cao không phải là tất cả…
Tuy nhiên, có những người trẻ lại cho biết họ chấp nhận từ bỏ mức lương cao để đổi lấy một cuộc sống “hạnh phúc” hơn.
Phan Nguyễn Minh Hiền (29 tuổi, từng phụ trách lĩnh vực quan hệ công chúng cho một thương hiệu điện thoại khá nổi tiếng ở TP.HCM) cho biết bản thân đã từng có mức lương 15 triệu.
Gắn bó công việc này được 2 năm, Hiền có quyết định “gây sốc” với người thân đó là xin nghỉ việc, tìm một công việc mà Hiền cho rằng nhàn nhã hơn. Hiện tại, Hiền đang quản lý ở một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Lý giải cho quyết định chọn công việc có lương thấp hơn… 3 lần so với công việc ổn định ban đầu, Hiền nói: “Lương cao đồng nghĩa áp lực lớn. Có những ngày làm tối tăm mặt mũi từ 8 giờ sáng cho đến 21 giờ đêm, vật lộn với những kế hoạch, dự án, chương trình, sự kiện… Tôi không có thời gian để lo cho bản thân. Tôi chán và nghỉ việc. Còn giờ, lương có thể sụt giảm rất nhiều, nhưng công việc khá thoải mái. Tôi không còn áp lực. Tằn tiện là đủ sống. Tôi chọn sự thoải mái cho đầu óc”.
Khá bất ngờ là nhiều người trẻ hiện nay có lựa chọn giống Hiền. Dù nhận được lương cao, nhưng cảm thấy môi trường làm việc không thoải mái, không phù hợp, có những đồng nghiệp “trời ơi đất hỡi”… là họ có thể “rời đi không ngoảnh mặt nhìn lại”, nghỉ việc không một chút ngần ngại.
Việc lựa chọn nghề nghiệp thì lương cao cũng là một trong những tiêu chí mà thôi. Chọn công việc phù hợp với bản thân, khiến bản thân phát triển, cân bằng và hạnh phúc thì dù công việc có cực hay lương chưa cao cũng bằng lòng.
Mỗi nghề đều mang lại đóng góp cho xã hội, và điều cần thiết là lắng nghe bản thân mình thì mới là sự lựa chọn đúng đắn. Vì suy cho cùng, công việc dù lương cao đến mấy, nhưng khiến bản thân kiệt quệ, đánh mất hết những mối quan hệ xung quanh, cảm thấy sống vô nghĩa, thì đó cũng không thể lâu bền.
Tịnh Yên (t/h)
Cô gái trúng tuyển đại học Harvard danh giá với bài luận “Tôi sinh ra ở trong tù”
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực