Mùa hè đến là thởi điểm các bậc phụ huynh thay nhau khoe thành tích học tập của con mình trên mạng xã hội (MXH). Trên không gian mạng, nhiều bậc phụ huynh lại đang thiếu cẩn trọng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của con.
Mùa “khoe con”
Lướt qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo,… nhất là trong những ngày cuối năm học, dễ thấy các bậc phụ huynh thay nhau “khoe con”, từ thành tích học tập đến hình ảnh trong các lễ tổng kết, các chuyến du lịch hè dành cho con,…
Với đa số các bậc cha mẹ, có nhiều lí do đăng tải hình ảnh của con lên mạng xã hội. Đó có thể xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, mong muốn được chia sẻ với mọi người niềm vui và tình yêu với con, hoặc muốn nhờ mạng xã hội lưu giữ một dấu mốc, một kỉ niệm đẹp; Nhiều bậc cha mẹ còn muốn thể hiện bản thân qua thành tích học tập của con;…
Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại chia sẻ hình ảnh về con một cách quá đà, từ những khoảnh khắc rất riêng tư đến những trang phục con mặc không phù hợp, không kín đáo.., thậm chí đăng tải gần như tất cả mọi thông tin, hình ảnh của con trẻ mà không lường trước những hệ lụy có thể xảy ra.
Nhiều người gọi vui những người có thói quen chụp ảnh, rồi đăng tải mọi hoạt động của con lên mạng xã hội là hành động “rắc lông ngỗng”. Con đi đâu, làm gì, thói quen, sở thích ra sao đều được công khai. Trong câu chuyện lịch sử Mỵ Châu Trọng Thủy, “rắc lông ngỗng” mang lại hậu quả thật tai hại. Hãy thử tưởng tượng, nếu như bất kỳ ai trên mạng cũng biết con bạn học trường mẫu giáo nào, tên thường gọi là gì, nhà bạn ở đâu, bé thích ăn gì thì sẽ nguy hiểm như thế nào nếu thông tin đó lọt vào tay người có mục đích xấu.
Niềm hân hoan của cha mẹ, áp lực vô tình cho con
Nhiều bậc phụ huynh vô tư chia sẻ, đăng ảnh các trạng thái, tâm lý, thành tích,… của con nhưng không quan tâm đến tâm trạng và thái độ của bé. Có những chuyện riêng tư, những hình ảnh, việc sai trái, lỗi lầm… của con khi phơi bày trên MXH và nhận được rất nhiều bình luận, thậm chí là chỉ trích. Đây là việc không phải đứa trẻ nào cũng muốn. Nhiều đứa trẻ cảm thấy bị xúc phạm, căng thẳng và trở nên oán trách cha mẹ. Đây cũng là hình ảnh không tốt đẹp gì trong hành trình lớn lên của con trẻ.
Nguyễn Minh Tiến (Ba Đình, Hà Nội) không khỏi căng thẳng khi lên mạng những ngày cuối năm học. Chuẩn bị thi vào lớp 10, thời gian học chiếm phần lớn thời gian trong ngày, chỉ còn vài phút lên mạng để trò chuyện với bạn bè, giải trí, những những gì Tiến đọc được lại là những bài viết khoe thành tích học tập của con từ người lớn.
“Rất nhiều người thân, họ hàng của em thường xuyên khoe thành tích của con cái trên mạng. Khi nhìn vào những bảng điểm, giấy khen đó em cảm thấy rất áp lực, dù không muốn xem thì những thông tin đó vẫn hiện hữu trên mạng. Có đôi lần trong các bữa cơm, bố mẹ vẫn kể về con nhà bác này bác kia học giỏi, điểm cao… Những bữa cơm như thế với em tự nhiên trở nên nặng nề hơn”, Tiến chia sẻ.
Còn với Nguyễn Thùy Dương (Hải Dương), được mẹ khoe bảng điểm với thành tích “khủng” lên mạng, thế nhưng nữ sinh lớp 8 lại cảm thấy ngại ngùng với các bạn: “Rất nhiều các phụ huynh trong lớp và cả cô giáo có kết bạn với mẹ em trên mạng xã hội. Bởi vậy nên khi mẹ đăng thành tích của em lên mạng các bạn trong lớp đều biết. Nhiều bạn cho rằng em đang khoe khoang “tự sướng”, thậm chí em trở thành chủ đề để các bạn trong lớp bàn tán”.
Thùy Dương cho biết, sau những lần như thế, em đã nói chuyện với mẹ và mong muốn mẹ có thể hỏi ý kiến của mình trước khi đăng hình ảnh, thông tin liên quan đến chuyện học tập lên mạng xã hội.
Cô Lương Hà Anh, giáo viên tại Hà Nội cho rằng, đăng thành tích học tập của con lên mạng xã hội là niềm vui, thói quen của nhiều phụ huynh, điều này không có gì xấu, nhưng đôi khi lại vô tình tác động không tốt đến trẻ.
Theo cô Hà Anh, không ít học sinh cảm thấy áp lực trước những hành động của bố mẹ trên mạng xã hội: “Các con sẽ cảm thấy vui, được khích lệ khi nhận được sự ghi nhận, động viên từ bố mẹ, nhưng nếu bố mẹ khoe con quá nhiều trên mạng, đôi khi sẽ khiến trẻ cảm thấy áp lực, phải cố gắng vì chính những kỳ vọng, những bảng điểm mà bố mẹ đăng lên. Trong khi đó, việc học không phải chỉ vì điểm số, mà để giúp các em hình thành những kỹ năng, tư duy, năng lực để phát triển bản thân và ứng dụng vào cuộc sống. Điểm số không phải là tất cả.
Một số em lại có suy nghĩ, kết quả của mình đã tốt rồi, bố mẹ hài lòng, như vậy bản thân cũng không cần cố gắng nữa“.
Trong khi đó, không ít em lại chịu những tác động gián tiếp từ việc mọi người khoe bảng điểm lên mạng, bị so sánh với “con nhà người ta”. Với những học sinh bị so sánh sẽ rất dễ dẫn đến mặc cảm về tâm lý, nghĩ bản thân yếu đuối, kém cỏi, tự thu mình lại…”, cô Hà Anh chia sẻ.
Theo cô Hà Anh, hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, phụ huynh, giáo viên không được phê bình cá nhân học sinh. Điều này nhằm giữ cho trẻ sự riêng tư và tôn trọng, tránh những bình luận tiêu cực nhằm vào trẻ. Ở bậc tiểu học, giáo viên cũng chỉ nhận xét để chỉ ra những điểm tốt, điểm chưa tốt cho trẻ.
“Trong quá trình học tập, mỗi trẻ sẽ có một thế mạnh khác nhau, có bạn được điểm cao, có bạn chưa cao, có bạn giỏi tự nhiên, có bạn giỏi xã hội… Điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh cần hiểu đúng về con, hiểu về tính cách, năng lực và cả những điểm mạnh, điểm yếu của con, từ đó cùng con phát triển, giúp con hiểu được giá trị của sự nỗ lực, vươn lên trong học tập”, cô Hà Anh đưa ra lời khuyên.
Những nguy hiểm rình rập
Theo phân tích của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thông tin của trẻ em bị lộ lọt một phần từ chính phụ huynh bất cẩn đăng khoe thành tích con mình trên mạng xã hội. Việc đăng tải đầy đủ thành tích của con bao gồm đầy đủ thông tin từ tên tuổi, trường học, ảnh chân dung con… chính là để lộ dữ liệu thông tin của con và bạn bè trong lớp. Đây là điều kiện thuận lợi để những kẻ lừa đảo thu thập dữ liệu, nghiên cứu kỹ về bị hại và thực hiện những cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin tinh vi…
Theo đại diện Công an TP Hà Nội, vào cuối học kỳ năm học hiện nay, phụ huynh có thói quen khoe bảng điểm, giấy khen, thành tích học tập của con lên mạng xã hội, việc này có thể dẫn đến hậu quả xấu. Việc khoe giấy khen của con trẻ lên mạng vô tình gây áp lực và khiến trẻ bị bệnh thành tích, nguy hiểm hơn, thông tin có thể bị kẻ xấu lợi dụng vào những mục đích khác, gián tiếp tiếp tay cho tội phạm.
Theo các chuyên gia về tội phạm học, trên giấy khen, thành tích học tập của trẻ thường đính kèm họ và tên, lớp học, thông tin về trường lớp, thậm chí là những thông tin khác liên quan đến giáo viên, hoặc gia đình. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi kẻ xấu dễ dàng lợi dụng để bắt cóc tống tiền, xâm hại trẻ em.
Cuộc khảo sát của Trung tâm An toàn Internet tại Anh về trải nghiệm trực tuyến của những người trẻ tuổi cho thấy, 46% cảm thấy lo lắng và mất kiểm soát khi họ phát hiện ra các bài đăng về bản thân trên mạng mà họ hoàn toàn không hay biết. 44% khác tỏ ra phẫn nộ và chỉ 15% không có phản ứng.
Một báo cáo được công bố mới đây cho biết, hiện có đến 46 triệu hình ảnh, video khác thường có liên quan đến chủ đề bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em trong kho lưu trữ của Europol (Cục Cảnh sát châu Âu). Ngân hàng Barclays đã cảnh báo rằng, vào những năm 2030s, sẽ có khoảng 7,4 triệu vụ trộm danh tính có thể xảy ra mỗi năm. Đó là hệ quả để lại sau khi thế hệ cha mẹ hiện nay “vô tình” công khai mọi thông tin của con cái lên mạng xã hội.
Mạng lưới Ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) cảnh báo các bậc phụ huynh nên cảnh giác “khoe con” trên mạng xã hội tạo nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân của trẻ:
– Kẻ xấu có thể lợi dụng thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, tên trường, lớp,… để mạo danh trẻ em, tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo, thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các mục đích bất chính khác có thể khiến trẻ em gặp nguy hiểm, bị bắt cóc, xâm hại hoặc tống tiền.
– Thông tin cá nhân của trẻ em có thể bị sử dụng để bắt nạt, quấy rối, tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.
– Một số đối tượng có thể sử dụng thông tin cá nhân của trẻ em cho các mục đích xấu như mua bán trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em,…
Lời khuyên cho các bậc phụ huynh:– Không nên chia sẻ những thông tin chi tiết về nơi ở, trường học, lớp học,… của trẻ. – Không nên chia sẽ những thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ, kẻ xấu có thể lưu lại dữ liệu thông tin cá nhân này vào mục đích gây hại. – Nên cài đặt chế độ bảo mật riêng tư cho tài khoản mạng xã hội của trẻ, hạn chế số lượng người có thể xem thông tin cá nhân của trẻ. – Nên giáo dục cho trẻ em kiến thức về an toàn mạng, tham gia môi trường mạng theo quy tắc 4T Tuân thủ – Thận trọng – Thông minh – Tử tế. – Nếu phát hiện các hành vi chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ em một cách trái phép hoặc có ý đồ xấu, hãy báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng để được xử lý. |
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Trẻ nhảy múa trước khi biết nói: Lợi ích từ âm nhạc và nhảy múa đối với trẻ đang chập chững
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*