spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Trung Quốc: Mực nước hồ Bà Dương lại rút xuống dưới 7 mét, lưu vực sông Trường Giang khô hạn suốt ba mùa

Mực nước hồ Bà Dương lại rút xuống dưới 7 mét, lưu vực sông Trường Giang khô hạn suốt ba mùa
Hồ Bà Dương chụp vào ngày 7/11/2022 khi mực nước dưới 7 mét, ở thành phố Cửu Giang, thuộc tỉnh Giang Tây, miền trung Trung Quốc. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Cuối tháng 1 vừa qua, mực nước hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc lại hạ xuống dưới 7 mét, đây là lần thứ tư kể từ tháng 9/2022. Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, lưu vực sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử) ở Trung Quốc liên tục xảy ra hạn hán trong cả ba mùa hạ – thu – đông. Trên các chi lưu của sông Trường Giang chảy vào các hồ, một số đoạn đã khô cằn trong hơn 200 ngày.

Mực nước hồ Bà Dương lại hạ xuống dưới 7 mét

Hôm 31/1, Trung tâm Giám sát Thủy văn tỉnh Giang Tây ra thông báo cho biết: Theo giám sát, mực nước tại trạm Tinh Tử của hồ Bà Dương trong ngày 29/1 là 6,99 mét; tới 15h00 ngày 31/1, mực nước tiếp tục giảm xuống 6,82 mét, cho thấy xu hướng giảm liên tục.

Từ cuối tháng 6/2022, do liên tục thiếu mưa nên mực nước hồ Bà Dương không ngừng giảm; đến ngày 23/9, mực nước tại trạm Tinh Tử đã phá kỷ lục mức thấp nhất là 7,11 mét (được ghi nhận vào năm 1951); tới ngày 26/9 mực nước hồ hạ xuống dưới 7 mét; ngày 17/11 ghi nhận “mực nước cực kỳ khô” 6,46 mét – trở thành mức thấp nhất trong lịch sử.

ntdvn gettyimages 1245688730
Một góc chụp khác về mực nước cực kỳ thấp của hồ Bà Dương hôm 6/11/2022. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Theo thống kê, kể từ tháng 9/2022, trạm Tinh Tử đã ghi nhận tổng cộng 83 ngày hồ Bà Dương có mực nước hạ xuống dưới 7,11 mét.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng Trung Quốc, trong tháng 2/2023, lượng mưa ở tỉnh Giang Tây vẫn sẽ rất ít và trạm Tinh Tử của hồ Bà Dương sẽ tiếp tục duy trì mực nước cực kỳ khô hạn.

Hồ Bà Dương hiện là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, nằm ở phía bắc tỉnh Giang Tây và bờ nam sông Trường Giang. Hồ Bà Dương nhận nước từ 5 con sông là Cám Giang, Phủ Hà, Tín Giang, Nhiêu Hà và Tu Hà, chảy về hướng bắc vào hồ rồi đổ ra sông Trường Giang.

Hồ Động Đình đang ở mực nước khô hạn

Ngày 1/2, dữ liệu do Sở Thủy lợi tỉnh Hồ Nam công bố cho thấy, vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày, mực nước đo được tại trạm Thành Lăng Ki của hồ Động Đình là 19,13 mét, thấp hơn 2,12 mét so với mức trung bình cùng kỳ trong nhiều năm.

Đây là hồ điều hòa của sông Trường Giang, về tổng thể nó là một trong bốn hồ nước ngọt có diện tích bề mặt lớn nhất Trung Quốc.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mực nước hồ Động Đình luôn ở ngưỡng khô hạn, dữ liệu đo được ở trạm Thành Lăng Ki luôn duy trì ở mức khoảng 19,2 mét và đã kéo dài hơn hai tháng.

Sau khi mùa mưa ở Trung Quốc kết thúc vào ngày 8/7/2022, nhiệt độ cao và thiếu mưa liên tục đã khiến lượng nước đổ vào hồ Động Đình giảm nghiêm trọng, mực nước thấp nhất ghi nhận ở trạm Thành Lăng Ki là 19,12 mét.

Dự đoán trong tháng 2/2023, lượng mưa ở tỉnh Hồ Nam nhìn chung vẫn tương đối thấp, lượng mưa ở khu vực hồ Động Đình sẽ ít hơn khoảng 20%.

Tỉnh Quý Châu chỉ có 1 trận mưa lớn trong 7 tháng qua

Tờ Tin tức Kinh tế Hàng ngày (NBD) của Trung Quốc ngày 2/2 đưa tin, một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy đoạn sông Ô Giang chảy qua thành phố Tuân Nghĩa đã ngừng chảy và lòng sông khô cạn. Đây là con sông lớn nhất ở tỉnh Quý Châu.

Một video khác tiết lộ rằng, nhiều ngôi làng ở huyện tự trị dân tộc Thổ Gia Duyên Hà, tỉnh Quý Châu đã thiếu nước trong nửa năm qua và chỉ có thể dùng nước được chuyển tới bằng xe cứu hỏa.

Theo dữ liệu do ông Nghiêm Tiểu Đông (Yan Xiaodong), Giám đốc Trung tâm Khí hậu tỉnh Quý Châu, cung cấp, kể từ tháng 8/2022 tới nay, lượng mưa trung bình ở Quý Châu đã giảm gần 57% so với cùng kỳ các năm bình thường, đây là lượng mưa thấp nhất kể từ năm 1961. Hạn hán kéo dài suốt ba mùa hạ – thu – đông vừa qua đã trở thành trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử ở Quý Châu. Nó nghiêm trọng hơn cả đợt đại hạn hán hồi năm 2009 – 2010.

Kỹ sư Vương Nguyệt Đồng (Wang Yuetong) của Bộ phận Dự đoán Khí hậu thuộc Trung tâm Khí hậu tỉnh Quý Châu cho biết, kể từ tháng 7/2022, lượng mưa trung bình ở tỉnh Quý Châu đã giảm 47,7% so với cùng kỳ các năm bình thường. Theo thống kê, từ tháng 7/2022 đến nay, toàn tỉnh Quý Châu chỉ có một trận mưa lớn mang tính khu vực. Tình hình hạn hán nghiêm trọng hiện nay chủ yếu tập trung ở khu vực phía đông và phía nam của tỉnh. Mực nước của một số hồ chứa xung quanh thủ phủ Quý Dương đã giảm đáng kể.

Vào ngày 1/2, cơ quan khí tượng Quý Châu theo dõi tình trạng hạn hán và lũ lụt ở các trạm giám sát cho thấy, toàn tỉnh có 19 trạm hạn hán nghiêm trọng, 28 trạm hạn hán nặng, 24 trạm hạn hán vừa và 10 trạm hạn hán nhẹ.

Lưu vực sông Trường Giang hạn hán liên tục ba mùa, là điều hiếm thấy trong lịch sử

Vào ngày 13/1/2023, Bộ Quản lý Ứng phó Khẩn cấp của Trung Quốc đã công bố tình hình cơ bản về thiên tai tại nước này trong năm 2022. Trong suốt cả năm, nhiều đợt thiên tai đã gây ảnh hướng tới tổng cộng 112 triệu người và hơn 12 triệu ha cây trồng, thiệt hại kinh tế trực tiếp là 238,65 tỷ nhân dân tệ (35,22 tỷ USD).

Theo thông báo, nhiệt độ trung bình năm 2022 trên khắp Trung Quốc tăng cao và gây hạn hán nặng ở nhiều nơi trong thời gian dài. Trong đó, hạn hán suốt ba mùa ở lưu vực sông Trường Giang là nghiêm trọng nhất. Vào lúc hạn hán lên đỉnh điểm, tổng số người bị ảnh hưởng là 52,452 triệu, số người cần hỗ trợ đời sống là 7,585 triệu, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là hơn 6 triệu ha, và thiệt hại kinh tế trực tiếp là 51,28 tỷ nhân dân tệ (7,56 tỷ USD).

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương (NTDVN) biên dịch


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều