spot_img
19 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Ngân hàng lớn nhất Mỹ chuẩn bị cho kịch bản Mỹ vỡ nợ

Tân Thế Kỷ (TTK) Nếu Mỹ vỡ nợ – JPMorgan là ngân hàng lớn nhất của Mỹ với khoảng 3,7 nghìn tỷ USD tài sản. Ông Dimon cho biết ngân hàng này đang chuẩn bị cho kịch bản Mỹ vỡ nợ.

CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng thị trường tài chính sẽ hoảng loạn nếu Mỹ vỡ nợ…
CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase - Ảnh: Reuters.
Nguy cơ Mỹ vỡ nợ làm CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase lo lắng- Ảnh: Reuters/ TTK

Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase ngày 11/5 nhận định rằng thị trường tài chính sẽ hoảng loạn nếu Chính phủ Mỹ rơi vào một vụ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Dimon nói rằng nếu Washington rơi vào cảnh vỡ nợ cấp quốc gia, đó có thể sẽ là một thảm hoạ đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, vị CEO nói ông kỳ vọng rằng kịch bản xấu nhất này sẽ không xảy ra vì các nghị sỹ sẽ buộc phải phản ứng với mối lo ngại ngày càng lớn.

“Khi một vụ vỡ nợ càng đến gần, nhà đầu tư sẽ hoảng loạn”, thể hiện qua biến động trên thị trường chứng khoán và trái phiếu kho bạc Mỹ – ông Dimon nói.

Nhà điều hành cấp cao nhất của JPMorgan Chase đã gia nhập hàng ngũ những doanh nhân và quan chức Mỹ đưa ra cảnh báo u ám về hậu quả nếu Quốc hội Mỹ không thể đình chỉ hoặc nâng trần nợ, để mặc cho nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ trái phiếu chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói rằng ý nghĩ nước Mỹ có thể vỡ nợ là điều “không thể tưởng tượng nổi” và sẽ dẫn tới thảm hoạ kinh tế.

“Nếu sự hoảng loạn xuất hiện, người ta (ý nói các nghị sỹ Mỹ) sẽ phải phản ứng. Chúng ta đã thấy việc đó trước đây rồi”, ông Dimon nói. “Nhưng đó là một ý tưởng thực sự tồi, vì sự hoảng loạn có thể dẫn tới những chuyện tồi tệ có thể ảnh hưởng tới các thị trường trên khắp thế giới”.

JPMorgan là ngân hàng lớn nhất của Mỹ với khoảng 3,7 nghìn tỷ USD tài sản. Ông Dimon cho biết ngân hàng này đang chuẩn bị cho kịch bản Mỹ vỡ nợ.

Một sự kiện như vậy sẽ gây rúng động thế giới tài chính, ảnh hưởng đến “các hợp đồng, tài sản thế chấp, các tổ chức thanh toán, và khách hàng trên khắp thế giới” – ông Dimon nhấn mạnh. Cuộc họp mà JPMorgan Chase gọi là “căn phòng chiến tranh” (war room – thảo luận để chuẩn bị cho những tình huống xấu) hiện được tổ chức hàng tuần, sẽ chuyển sang tổ chức hàng ngày từ ngày 21/5 và chuyển sang 3 lần mỗi ngày sau đó, vị CEO cho biết.

Ông Dimon kêu gọi lãnh đạo chính trị từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà nhượng bộ để tránh hậu quả xấu. “Làm ơn hãy đàm phán một thoả thuận”, ông nói.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, ông Dimon nói về cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ châm ngòi bởi vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank vào tháng 3. Tuần trước, JPMorgan Chase đã mua lại ngân hàng First Republic với giá 10,6 tỷ USD sau khi ngân hàng này được nhà chức trách tiếp quản để tránh một vụ sụp đổ gây chao đảo thị trường tài chính.

Một ngân hàng khu vực khác của Mỹ là PacWest đang lung lay. Cổ phiếu PacWest “bốc hơi” 23% trong phiên ngày thứ Năm sau khi nhà băng này báo cáo lượng tiền gửi giảm 1,5 tỷ USD, tương đương giảm 9,5%, trong tuần trước. Cổ phiếu PacWest đã giảm gần 40% trong tháng này, và giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần trước.

Ông Dimon nhận định rằng các ngân hàng khu vực hiện “khá mạnh khoẻ” và sẽ đạt các kết quả kinh doanh tốt, nhưng các nhà quản lý ngân hàng đang lo ngại về rủi ro lặp lại những cuộc rút vốn ồ ạt đã khiến ba ngân hàng sụp đổ.

“Tôi cho rằng chúng ta cần phải chấp nhận là cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực sẽ còn tiếp diễn”, ông nói.

CEO JPMorgan Chase cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn tới việc tăng cường các quy chế giám sát ngân hàng. Ông kêu gọi các cơ quan chức năng Mỹ, bao gồm Uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) điều tra hoạt động bán khống cổ phiếu ngân hàng và nghi vấn có sự thông đồng thông qua các bài đăng trên mạng xã hội.

Theo Reuters, mức trần nợ hiện tại tương đương khoảng 120% sản lượng kinh tế hằng năm của Mỹ.
Khoản nợ của chính phủ đã đạt đến mức trần đó vào tháng 1 vừa qua. Đến tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay, Washington có thể phải ngừng vay hoàn toàn.
Với kịch bản đó, bất ổn có thể lan khắp thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư hoài nghi về giá trị của trái phiếu Mỹ, vốn được xem là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và đóng vai trò quan trọng cho hệ thống tài chính thế giới.
Phó Bộ trưởng Tài chính Wally Adeyemo cũng nhấn mạnh những rủi ro trong kịch bản vỡ nợ. Ông Adeyemo cho hay: “Vỡ nợ là thảm họa đối với Mỹ. Nếu chúng ta vỡ nợ, nó sẽ có tác động khủng khiếp đến lãi suất”.

Nghi Vân (t/h)

Nguồn Reuters, Vneconomy

BN 3 jpeg 2

Xem thêm:

Lộ diện “mắt xích yếu nhất” tiếp theo trong hệ thống ngân hàng khu vực Mỹ

Các ngân hàng lớn của Mỹ trước viễn cảnh sụp đổ

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều