Tân Thế Kỷ – ‘Nấc thang xuống địa ngục’ – Nỗi xót xa trong chuỗi cung ứng coban sản xuất pin xe điện.
“Chúng ta không thể theo đuổi một tương lai xanh bằng cách hủy hoại môi trường ở Congo. Chúng ta không thể cứu môi trường của mình bằng cách phá hủy môi trường của họ, cũng như không thể kích hoạt một cuộc sống với các thiết bị có thể sạc lại bằng cách hy sinh và tước đoạt mạng sống của người dân châu Phi”.
Theo sau việc nhiều quốc gia thúc đẩy sử dụng xe điện, hoạt động sản xuất pin lithium-ion đã tăng đột biến; điều này làm tăng nhu cầu về coban. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, loại kim loại này đang được khai thác trong hoàn cảnh cực kỳ tồi tệ.Ông Siddharth Kara – tác gia, nhà nghiên cứu, nhà biên kịch và nhà hoạt động chống chế độ nô lệ hiện đại – nói trong một cuộc phỏng vấn với Yale Environment 360 ngày 30/03 rằng: “Tôi nhớ mình đã nhìn chằm chằm vào khu vực bị phá hủy ấy, nhìn vào hàng nghìn người đang lao động ở đó và tôi nghĩ rằng quang cảnh ấy giống như những nấc thang xuống địa ngục”.
“Theo nghĩa đen, nó là tầng thứ 4 của ‘Địa ngục’ của Dante. Tôi đã nghĩ rằng những gì tiếp theo đó sẽ tồi tệ y như thế, nhưng không, nó tối hơn, lạnh lẽo hơn và hoang tàn hơn khi tôi đi sâu hơn vào khu vực khai thác”.
“Có hàng trăm nghìn người đang làm việc ở đó, trong đó có hàng chục nghìn trẻ em chỉ mới 5 tuổi”, ông nói.
Ông Kara đã đến Cộng hòa Dân chủ Congo để viết cuốn sách mới nhất của mình. Cuốn sách có tên “Cobalt Red” (tạm dịch: Coban nhuộm đỏ). Ông được cho là đã đi vào các khu vực khai thác do dân quân kiểm soát, nơi ông gặp những con người phải làm việc như nô lệ. Họ lao động trong điều kiện vô cùng nguy hiểm để cung cấp coban cho các nhà máy trên thế giới. Khoảng 75% nguồn cung coban toàn cầu đến từ quốc gia châu Phi nghèo khó này.
Dù đã đoán trước được tình hình tồi tệ nơi ấy, nhưng ông Kara vẫn không khỏi bàng hoàng: “Mức độ tàn ác đối với con người và môi trường ở đó thực sự khiến tôi bị sốc”.
Nhu cầu dường như vô tận về coban là kết quả của việc thế giới né xa các nguồn năng lượng thông thường và chọn năng lượng điện, bao gồm cả việc sử dụng xe điện (EV) trên quy mô lớn.
Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, các loại pin EV có thể cần tới 20 kg coban cho mỗi gói 100 kilowatt-giờ. Coban chiếm 20% trọng lượng của cực âm trong pin lithium-ion EV và nó được coi là rủi ro lớn nhất trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất EV.
Lao động trẻ em
Những người khai thác mỏ bán các bao tải chứa nguyên liệu cho các công ty khai thác công nghiệp hoặc các cơ sở chế biến quặng.
Ông Kara tiết lộ rằng những bao tải mua từ thợ khai thác thủ công — “những người nghèo khó cực khổ phải cào, phải bới đất trong các hố, các hào bằng cuốc, xẻng, bằng tay không … họ thu gom quặng, đá và sỏi chứa coban vào bao tải” — được trộn lẫn với những thứ được khai thác bằng thiết bị hiện đại, và từ đó trở đi, “chúng lọt vào chuỗi cung ứng chính thức”.
Mọi thứ được trộn lẫn với nhau mà không có sự tách biệt giữa khoáng sản khai thác bởi các thợ mỏ “thủ công” và bởi các khu mỏ công nghiệp.
Theo ông Kara, số lượng thợ mỏ “thủ công” lên tới hàng trăm nghìn người, trong đó có “hàng chục nghìn trẻ em từ 5 đến 6 tuổi”.
“Những đứa nhỏ nhất sẽ đào trên bề mặt, chỉ cào trên bề mặt để thu thập những gì chúng có thể thu thập, rồi những cậu bé và cô bé sẽ làm công đoạn rửa và sàng. Với mỗi bao đất đá thu gom được, thì đất và những viên đá vô giá trị phải được loại ra khỏi những viên đá chứa coban. Bọn trẻ sàng lọc đất đá trong những vũng nước bùn độc hại thối rữa hoặc trong những cái ao và hồ nhỏ gần đó.
“Rồi thì, khi những đứa trẻ này lớn lên, đặc biệt là các cậu bé tuổi teen [khoảng từ 13 đến 19 tuổi], chúng sẽ tham gia công việc đào đường hầm – công việc đòi hỏi nhiều sức lực hơn. Có hàng chục nghìn trẻ em thường xuyên phải làm việc cùng cha mẹ, và cũng có nhiều đứa trẻ mồ côi làm việc tại đó”.
‘Vô cùng độc hại’
Ông Kara cho biết coban “vô cùng độc hại” và những thợ khai thác thủ công đang tiếp xúc trực tiếp với độc tính của nó hàng ngày. “Dị tật bẩm sinh đang gia tăng, [ngoài ra còn có] các loại ung thư, bệnh tuyến giáp, bệnh thần kinh, bệnh hô hấp, phát ban da và viêm da”.
Ông cho biết không có ai tại đó nói về “các biện pháp bảo vệ sức khỏe hay đồ bảo hộ”; tồi tệ hơn, một số quặng có chứa “uranium phóng xạ” – thứ gây ra những rủi ro rất lớn cho sức khỏe của những người tiếp xúc với nó.
Các công ty khai thác mỏ ở nhiều quốc gia khác phải tuân thủ các quy trình xử lý nước thải và khí thải phát sinh từ việc sử dụng axit sunfuric trong quá trình chế biến quặng. Tuy nhiên, “không ai quan tâm đến người dân Congo hay môi trường của Congo … nguồn nước, không khí, đất đai, tất cả đều bị ô nhiễm”, ông Kara nói.
Ngoài ra, rất nhiều tai nạn đã xảy ra. Những đứa trẻ rất dễ trượt chân khi phải mang vác những bao tải nặng, các em sẽ bị gãy chân hoặc xương sống. Đường hầm cũng rất dễ sụp đổ vì chúng không được chống đỡ một cách an toàn.
Ông Kara nói thêm: “Tình trạng bạo lực tình dục phụ nữ và trẻ em gái cũng xảy ra rất phổ biến ở các mỏ”.
Bị cai trị bởi Trung Quốc
Ông Kara cho biết sự hiện diện của Hoa Kỳ tại các mỏ coban ở Congo đã kết thúc vào năm 2016. Ngoài một công ty châu Âu, các công ty khai khoáng còn lại là của Trung Quốc. Dùng các dự án cơ sở hạ tầng và các khoản vay để trao đổi, Bắc Kinh tiếp cận được các mỏ và hiện kiểm soát “hầu hết sản lượng khai thác đồng và coban ở Congo. Họ hành động với sự nhạy bén, khôn ngoan và tốc độ để khóa chặt chuỗi cung ứng này”.
Chính quyền Trung Quốc nhìn thấy tương lai của “pin, điện thoại, các thiết bị tiện ích và … xe điện” và đã hướng mục tiêu vào đó.
Theo ông Kara, phương Tây cần thức tỉnh và hiểu điều gì đang xảy ra ở bước đầu tiên của chuỗi cung ứng.
“Chúng ta không thể theo đuổi một tương lai xanh bằng cách hủy hoại môi trường ở Congo. Chúng ta không thể cứu môi trường của mình bằng cách phá hủy môi trường của họ, cũng như không thể kích hoạt một cuộc sống với các thiết bị có thể sạc lại bằng cách hy sinh và tước đoạt mạng sống của người dân châu Phi”, ông nói.
Hiện tại, có khoảng 27 triệu xe điện lưu thông trên đường phố khắp toàn cầu và đến cuối năm 2023, con số này dự kiến sẽ vượt qua 40 triệu. Việc sử dụng EV đang tăng nhanh ở Hoa Kỳ và châu Âu nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ và các chương trình khuyến mại.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa (NTDVN) biên dịch
Xem thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*