Tân Thế Kỷ (TTK) – Ngân hàng khổng lồ HSBC phải đối mặt cuộc bỏ phiếu của các cổ đông nhằm chia tách hoạt động ngân hàng. Sau khi cổ đông lớn nhất là công ty quản lý tài sản Trung Quốc Ping An, đề xuất chia tách hoạt động kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Các cổ đông của ngân hàng lớn nhất châu Âu đã tập trung tại cuộc họp thường niên ở thành phố Birmingham của Anh hôm thứ Sáu.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào cuối tuần, trong đó ngân hàng có trụ sở chính ở London này đã công bố lợi nhuận ròng hàng quý tăng đột biến. Kết quả này được thúc đẩy bởi chính sách tăng lãi suất của Fed và việc giải cứu chi nhánh Vương quốc Anh của một ngân hàng thất bại ở Hoa Kỳ – Ngân hàng Silicon Valley.
Người phát ngôn của HSBC cho biết: “Đại đa số các cổ đông, ngoại trừ Ping An, đã bỏ phiếu để vạch ra một ranh giới trong cuộc tranh luận về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng”.
Khoảng 80% tổng số người bỏ phiếu phản đối giải pháp của Ping An Group với đòi hỏi tái cơ cấu mang tính chiến lược và đề xuất tách hoạt động tại châu Á, trong khi 19,78% ủng hộ.
Chủ tịch HSBC, Mark Tucker, cho biết tổng số cổ đông tham gia bỏ phiếu chiếm khoảng 50% số cổ đông của HSBC.
Tuy HSBC có trụ sở tại Anh nhưng đa phần lợi nhuận thu được là từ châu Á, đặc biệt là Hong Kong. Trên 60% số cổ đông lẻ của HSBC là từ Hong Kong.
Cổ đông Trung Quốc Ping An lập luận rằng việc chia tách là cần thiết khi ngân hàng HSBC tụt hậu so với các ngân hàng quốc tế. Mà sự cải thiện trong hiệu suất gần đây của ngân hàng là vì gắn liền với việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed).
Tuy nhiên việc tăng lãi suất cơ bản liên tiếp 10 lần của Fed có thể sắp kết thúc. Khi tuần trước Fed đã ám chỉ rằng họ sẽ tạm dừng chính sách tăng lãi suất cho vay nhằm mục đích giảm nhiệt lạm phát đang tăng cao.
Michael Huang – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty quản lý tài sản Ping An, cho biết: “HSBC cần thúc đẩy cải cách cơ cấu để giải quyết các vấn đề cạnh tranh thị trường cơ bản của HSBC”.
Ping An đang kêu gọi HSBC tham gia vào một cuộc “tái cấu trúc chiến lược” để tạo ra một ngân hàng niêm yết riêng có trụ sở tại Hồng Kông.
Huang cho biết đề xuất này sẽ cho phép HSBC nắm giữ quyền kiểm soát đối với một doanh nghiệp châu Á riêng biệt.
Ông nói thêm rằng ban lãnh đạo ngân hàng đã “phóng đại nhiều chi phí và rủi ro” liên quan đến việc chia tách.
HSBC là một trong số các ngân hàng lớn hủy bỏ cổ tức sớm trong đại dịch COVID-19 sau khi có lệnh từ Ngân hàng Anh, động thái này đã khiến các nhà đầu tư Hồng Kông tức giận.
Một số nhà đầu tư bán lẻ đã trích dẫn việc hủy bỏ cổ tức trên như một lý do để ủng hộ đề xuất tách cổ phần của Ping An.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo của HSBC đã nhất trí phản đối nghị quyết này và đã đích thân kêu gọi các cổ đông bỏ phiếu chống lại nó. Các giám đốc điều hành cũng nói rằng một cuộc cải tổ như vậy sẽ không hiệu quả, bởi vì phần lớn hoạt động kinh doanh của ngân hàng phụ thuộc vào các giao dịch xuyên biên giới.
Hoàng Dung (t/h)
Lộ diện “mắt xích yếu nhất” tiếp theo trong hệ thống ngân hàng khu vực Mỹ
2 báo cáo lạm phát Mỹ tuần này có thể gây “sóng gió” cho giá vàng
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*