spot_img
19 C
Vietnam
Thứ ba,17 Tháng chín
spot_img

Ngân hàng lớn nhất của Đức có nguy cơ ‘đi vào vết xe’ như Credit Suisse

Cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm 11% vào thứ Sáu. Đây là ngày thứ ba liên tiếp siêu ngân hàng có trụ sở tại Đức này sụt giảm giá trị, chỉ tính riêng trong tháng này, cổ phiếu đã mất hơn 1/5 tổng giá trị.
Chú thích ảnh
Bên ngoài văn phòng Deutsche Bank ở London, Anh ngày 16/3. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, rắc rối của Deutsche Bank xảy ra trong bối cảnh ngân hàng lớn nhất Đức này bị cuốn vào cơn hoảng loạn của thị trường liên quan tới sự ổn định của khu vực ngân hàng châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã cảm thấy khó hiểu, không biết tại sao ngân hàng Deutsche Bank, vốn đã có lãi 10 quý liên tiếp, luôn tự hào về nguồn vốn và khả năng thanh toán vững chắc, lại trở thành mục tiêu tiếp theo của khủng hoảng ngân hàng.

Ngân hàng lớn nhất của Đức chứng kiến 3 tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường chỉ trong vòng 1 tuần.

Chỉ trong vòng mấy ngày, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Deutsche Bank, một hình thức bảo hiểm cho trái chủ, tăng vọt từ 142 lên hơn 220 điểm cơ bản, cao nhất kể từ cuối năm 2018, theo số liệu của hãng phân tích thị trường S&P Market Intelligence.

Ngày 23/3, CDS của Deutsche tăng với mức cao nhất tính theo ngày, theo số liệu của hãng Refinitiv, nhưng vẫn chưa chạm đến mốc 300 như trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2011.

CDS của các ngân hàng châu Âu lớn đều tăng trong ngày 24/3, cho thấy giới đầu tư miễn cưỡng chấp nhận rủi ro trong danh mục đầu tư của họ.

“Deutsche Bank đã trở thành tiêu điểm trong một thời gian rồi, tương tự như tình trạng của Credit Suisse”, Stuart Cole, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại hãng dịch vụ tài chính Anh Equiti Capital, cho biết.

“Ngân hàng đó đã trải qua nhiều đợt tái cấu trúc và thay đổi lãnh đạo nhằm đưa nó trở lại nền tảng vững chắc, nhưng đến nay những nỗ lực đó có vẻ không thực sự hiệu quả”, Cole cho biết

Deutsche Bank từ chối bình luận.

Vụ giải cứu khẩn cấp Credit Suisse của Ngân hàng UBS tại Thụy Sĩ, nối tiếp vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ, đã gây ra mối lo ngại lây lan giữa các nhà đầu tư. Tình hình càng sâu sắc hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ vào ngày 22/3.

Các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý đã hy vọng rằng thỏa thuận giải cứu Credit Suisse, do chính quyền Thụy Sĩ làm trung gian, sẽ giúp xoa dịu tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về sự ổn định của các ngân hàng châu Âu.

Nhưng vụ sụp đổ của ngân hàng Thụy Sĩ 167 tuổi Credit Suisse và việc thay đổi các quy tắc phân cấp chủ nợ đã khiến thị trường không tin rằng thỏa thuận với UBS sẽ đủ để ngăn chặn những căng thẳng trong lĩnh vực này.

Deutsche Bank đã trải qua một đợt tái cơ cấu trị giá hàng tỷ euro trong những năm gần đây nhằm giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng này đã ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ euro vào năm 2022, tăng 159% so với năm trước.

Tỷ lệ vốn cấp 1 (CET1 – thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng) của Deutsche Bank ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản là 142% và tỷ lệ vốn lưu động ròng ổn định là 119%. Những số liệu này cho thấy không có bất kỳ nguyên nhân nào gây lo ngại về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của Deutsche Bank.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels ngày 24/3 rằng Deutsche Bank đã tổ chức lại và hiện đại hóa mô hình kinh doanh một cách triệt để và là một ngân hàng có lợi nhuận cao. Ông nói thêm rằng không có cơ sở để suy đoán về tương lai của ngân hàng này: “Đó là một ngân hàng rất có lợi nhuận. Không có lý do gì phải lo lắng”.

Một số lo ngại xung quanh Deutsche Bank tập trung vào các khoản đầu tư bất động sản thương mại tại Mỹ và sổ sách phái sinh.

Credit Suisse nằm trong số 30 tổ chức tài chính được coi là ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu và giới chức lo lắng về hậu quả nếu ngân hàng sụp đổ.

Còn tại Mỹ, ngày 10/3 vừa qua, SVB – một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ – đã sụp đổ. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Sau đó, Ngân hàng Signature cũng bị đóng cửa.

Dù xảy ra nhiều vấn đề với ngành ngân hàng thế giới nhưng nhìn chung giới chức các nước và các nhà phân tích khẳng định sẽ không tái diễn kịch bản khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nghi Vân (t/h)

TTK 4 02 1

Bài liên quan:

> Ngành ngân hàng thế giới chứng kiến một kiểu ‘khủng hoảng mới’ sau bất ổn của Credit Suisse

> UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD

> Ngân hàng lớn của Phố Wall bơm 30 tỷ USD giải cứu thanh khoản cho First Republic Bank

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều