Tân Thế Kỷ – Hôm 25/7, ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tại đó quyết định cách chức Ngoại trưởng Tần Cương và bổ nhiệm ông Vương Nghị thay thế. Tuy nhiên không có lý do nào được đưa ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh phê chuẩn quyết định trên – Đài truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin. Tuy nhiên, báo cáo không đề cập đến việc loại bỏ Tần Cương khỏi chức danh Ủy viên Quốc vụ viện.
Người thay thế vị trí của Tần Cương – ông Vương Nghị hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là người tiền nhiệm của ông Tần trên cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao.
Đây là một động thái hiếm hoi trong chính trường Trung Quốc kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tần Cương được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao vào tháng 12 năm ngoái. Ông Tần trở thành bộ trưởng ngoại giao có nhiệm kỳ ngắn nhất với hơn nửa năm kể từ khi thành lập ĐCSTQ.
Quyết định bãi nhiệm ông Tần được đưa ra tại phiên họp đặc biệt của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Ủy ban Thường vụ Quốc hội), được Bộ Chính trị Trung Quốc triệu tập một ngày trước đó.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội của ĐCSTQ thường tổ chức họp hai tháng một lần, kỳ họp gần đây nhất được tổ chức vào cuối tháng 6. Lần này, kỳ họp “bổ sung” chỉ tổ chức trong một ngày, liên quan đến việc bổ nhiệm và miễn nhiệm khiến bên ngoài lo ngại và đưa ra nghi vấn cuộc họp Bộ Chính trị hôm qua “còn cân nhắc các vấn đề khác”.
Theo phân tích từ bên ngoài, đây là một cuộc cải tổ đáng ngạc nhiên và cực kỳ bất thường đối với các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào hình ảnh quốc tế của ĐCSTQ cũng như uy tín của chính ông Tập Cận Bình.
Ông Tần đã không xuất hiện trước công chúng trong một tháng nay, và khi số phận của ông ta trở nên không chắc chắn, Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã phê chuẩn việc bổ nhiệm và cách chức bộ trưởng ngoại giao trong một tuyên bố ngắn gọn không cung cấp thêm chi tiết .
Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ được thông báo đột ngột vào thứ Hai và trái với tiền lệ thông thường.
Tần Cương được chủ tịch Tập Cận Bình một tay đề bạt, việc ông Tần từ chức khiến ngoại giới đồn đoán về mối quan hệ thân thiết của ông với Tập Cận Bình, bởi nếu Tần Cương mắc bất kỳ sai lầm chính trị nào thì cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến Tập Cận Bình, đồng nghĩa với việc Tập Cận Bình không có khả năng nhìn người.
Tờ “Financial Times” của Anh dẫn lời ông Alex Payette – giám đốc điều hành của công ty tư vấn Cercius Group, cho biết – Việc ông Tần Cương ngã ngựa “có thể được xem là cơ hội để người khác gây áp lực lên Tập Cận Bình, cho nên đây là tổn thất kép. Vì đây là người mà chính ông Tập chọn, nên ông phải chịu áp lực – điều này sẽ rất tệ”.
Trước đây, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ thường biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng, nhưng chỉ vài tháng sau cơ quan kỷ luật Trung Quốc sẽ tiết lộ rằng họ đã bị giam giữ để điều tra. Những vụ mất tích đột ngột như vậy đã trở thành đặc điểm chung trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.
Bài báo của Financial Times phân tích rằng việc Tần Cương đột ngột bị bãi nhiệmi cũng làm nổi bật những rủi ro mà Tập Cận Bình phải đối mặt sau khi phá vỡ tiền lệ và bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba – bởi vì hầu hết các nhà lãnh đạo cấp cao đều là thân tín của ông Tập, điều đó có nghĩa là trong trường hợp việc ra quyết định chính sách hoặc bổ nhiệm nhân sự bị thất bại, Tập Cận Bình có rất ít cơ hội để thoái thác trách nhiệm.
Lý Lâm Nhất (Li Linyi) – Nhà bình luận các vấn đề thời sự nói với The Epoch Times rằng: “Tần Cương đã bị cách chức bộ trưởng ngoại giao. Mặc dù kết quả cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, nhưng Tần Cương có khả năng cao sẽ bị xử lý. Đây là điều đáng xấu hổ cho cả ông Tập và ĐCSTQ”.
“Theo quan điểm của ĐCSTQ, Bộ Ngoại giao đã từng ‘bác bỏ tin đồn’ và nói rằng Tần Cương không thể thực hiện nhiệm vụ là vì ‘lý do sức khỏe’. Nếu ông Tần bị kết tội tham nhũng hoặc các lý do khác, thì uy tín của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ hạ xuống mức thấp và không ai tin lời họ nữa”.
“Từ góc độ của ông Tập mà xét, nếu cuối cùng Tần Cương bị xử lý, thì đó sẽ là một điều xấu hổ đối với bản thân Tập Cận Bình. Bởi vì ông Tần thăng tiến rất nhanh trong giới quan chức, và ông Tập đã một tay đồng ý thăng chức cho ông ta, nhưng kết quả lại xảy ra rất nhiều vấn đề. Đây chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào các tiêu chuẩn lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự của ông Tập. Ngoại giới cũng có lý do để tin rằng bộ máy quan chức của ĐCSTQ đã bị tha hóa đến mức cực độ và ấn tượng này sẽ còn sâu sắc hơn”.
Hoàng Dung (t/h)
Theo The Epoch times
Xem Thêm:
Trung Quốc và Đài Loan chuẩn bị đón cơn bão mạnh nhất trong năm
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*