“Phong trào Giấy trắng” của Trung Quốc nổ ra hồi năm ngoái đã trở thành tâm điểm của ngoại giới. Gần đây, một người biểu tình từng tham gia phong trào này là cô Tào Chỉ Hinh đã giành được giải “Oscar về Tự do và Nhân quyền Trung Quốc” lần thứ 10 được tổ chức tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Cô Tào Chỉ Hinh đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ từ năm ngoái và hiện phải đối mặt với mức án tối đa là 5 năm tù.
Theo Đài Á châu Tự do (RFA), danh sách các cá nhân, đoàn thể đạt giải “Oscar về Tự do và Nhân quyền Trung Quốc” lần thứ 10 đã được công bố vào cuối tuần trước. Giải thưởng này do một số tổ chức ủng hộ dân chủ Trung Quốc ở hải ngoại phối hợp tổ chức.
‘Phong trào Giấy trắng’ và Tào Chỉ Hinh xứng đáng nhận giải nhân quyền
Giải Đoàn thể đã được trao cho “Phong trào Giấy trắng” – cuộc biểu tình phản đối chính sách phong tỏa Zero Covid ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Còn Giải Cá nhân phi thường được trao cho cô Tào Chỉ Hinh (Cao Zhixin), người tham gia phong trào này và bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ từ cuối năm 2022 đến nay. Diễn đàn Dân chủ Trung Quốc, đơn vị đứng ra tổ chức giải thưởng này, đã mạnh mẽ kêu gọi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trả tự do cho Tào Chỉ Hinh ngay lập tức.
Ông Vương Ứng Quốc (Wang Yingguo) là một trong những người phụ trách của Diễn đàn Dân chủ Trung Quốc ở Los Angeles (LACD), Hoa Kỳ, đồng thời là người phụ trách bình chọn Giải thưởng Nhân quyền năm nay. Ông nói với RFA rằng, hoạt động xét giải lần này được thực hiện qua Internet, điện thoại và bỏ phiếu tại chỗ, cho nên ở một mức độ nhất định, kết quả này đại diện cho tiếng nói ở tầng cơ sở của nhân dân Trung Quốc. Ông bày tỏ, “Phong trào Giấy trắng” và cô Tào Chỉ Hinh xứng đáng nhận được giải thưởng này.
Ông Vương Ứng Quốc cho hay, giải “Oscar về Tự do và Nhân quyền Trung Quốc” đã bước sang năm thứ 10. Mười năm qua, các tổ chức nhân quyền của người Hoa tại hải ngoại đã chứng kiến những gian khổ, cay đắng và bất lực của những người bảo vệ nhân quyền ở tuyến đầu bên trong Trung Quốc.
Ông nói, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, hầu như tất cả không gian xã hội của công dân đều bị đàn áp, quyền sinh tồn của người dân bị đe dọa, chưa kể quyền kinh tế và quyền tự do cũng bị suy giảm. “10 năm qua, nhân quyền ở Trung Quốc đã chuyển biến xấu với tốc độ vô cùng nhanh, chứ không phải từng chút một”, ông chỉ ra.
Theo RFA, các tổ chức nhân quyền tiết lộ rằng, trong số những người biểu tình “Phong trào Giấy trắng” vẫn đang bị giam giữ, có Tào Chỉ Hinh, Lý Tư Kỳ (Li Siqi), Lý Nguyên Tịnh (Li Yuanjing) và Địch Đăng Nhị (Di Dengrui) đã nhận được lệnh bắt giữ chính thức với tội danh “cố tình gây sự và kích động rắc rối”, họ có thể phải đối mặt với mức án 5 năm tù.
Cảnh sát Trung Quốc tùy tiện kết án Tào Chỉ Hinh
Theo cơ sở dữ liệu về các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc Đại lục, cô Tào Chỉ Hinh sinh năm 1996, học thạc sĩ tại Khoa Lịch sử của Đại học Nhân dân Trung Quốc từ năm 2018. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2021, cô đã được Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh thuê làm biên tập viên.
Ngày 27/11/2022, trong thời gian phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc, thủ phủ Urumqi của Tân Cương đã xảy ra sự cố cháy nhà cao tầng khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Sau đó, Tào Chỉ Hinh đọc được thông tin trên Internet rằng, để bày tỏ lòng thương tiếc tới những đồng bào đã chết ở Tân Cương, một buổi tưởng niệm sẽ được tổ chức tại sông Lượng Mã ở Bắc Kinh, vì vậy cô đã cùng bạn bè tới tham gia vào tối hôm đó. Tới ngày 29/11, cô cùng bạn bè và nhiều người khác đã bị cảnh sát địa phương triệu tập và đưa đi, nhưng họ được thả sau 24 giờ giáo dục.
Hôm 18/12/2022, cảnh sát đã bí mật bắt giữ 4 người bạn của Tào Chỉ Hinh, khi đó lệnh bắt giữ đã để trống ô ghi tội danh. Phía cảnh sát từ chối tiết lộ tội danh cũng như thời gian và địa điểm bị giam giữ của các đương sự bị bắt. Tào Chỉ Hinh cảm thấy rất bất an, cô đã chủ động quay một đoạn video và nhờ bạn bè đăng tải lên Internet nếu bản thân bị bắt, qua đó kêu gọi sự quan tâm và ủng hộ của các tầng lớp xã hội và các tổ chức quốc tế.
https://twitter.com/TopChina8964/status/1615490554225217536?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1615490554225217536%7Ctwgr%5E1f284ff9fe68d7f74a5b2fe69093737811dbb182%7Ctwcon%5Es1_&ref_url=https%3A%2F%2Fwww.ntdvn.net%2Ftrung-quoc%2Fnguoi-bieu-tinh-phong-trao-giay-trang-o-trung-quoc-dat-giai-thuong-tu-do-nhan-quyen-cua-my-422449.html
Tới ngày 23/12/2022, khi đang ở Hồ Nam, Tào Chỉ Hinh đã bị cảnh sát Bắc Kinh đưa đi, sau đó bị tạm giữ vì nghi ngờ “tụ tập đông người gây rối trật tự xã hội”. Cô mất liên lạc kể từ đó.
Ngày 20/1/2023, được biết 9 người tham gia biểu tình “Phong trào Giấy trắng”, bao gồm cả Tào Chỉ Hinh, Lý Tư Kỳ, Lý Nguyên Tịnh và Địch Đăng Nhị, đã bị Viện kiểm sát quận Triều Dương ở Bắc Kinh phê chuẩn lệnh bắt giữ với tội danh “cố tình gây sự và kích động rắc rối”. Hiện những người biểu tình này đang bị giam giữ tại Trại tạm giam quận Triều Dương ở Bắc Kinh.
Đợi sóng gió ‘Phong trào Giấy trắng’ qua đi, ĐCSTQ mới tính sổ người biểu tình
Có hơn 100 người đã bị bắt trong “Phong trào Giấy trắng” tại Trung Quốc. Đầu năm nay, hôm 5/1, trang web bảo vệ nhân quyền Weiquan Wang của người Hoa tại hải ngoại đã mạnh mẽ yêu cầu chính quyền ĐCSTQ trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị bắt trong “Phong trào Giấy trắng”.
Weiquan Wang chỉ ra rằng, vì chính quyền Trung Quốc từ xưa tới nay luôn mạnh tay đàn áp quyền tự do báo chí và ngôn luận, họ còn tận lực tiến hành phong tỏa thông tin trong các sự kiện nhạy cảm, do đó hiện không thể thống kê chính xác số người bị bắt vì tham gia “Phong trào Giấy trắng”. Nhưng chắc chắn con số đó vượt xa con số mà ngoại giới có thể dự tính.
Weiquan Wang cho biết, tổ chức này đã thu thập thông tin qua rất nhiều kênh khác nhau, nhưng vẫn không thể có được thông tin đầy đủ của những người bị bắt. Hiện tại, họ mới chỉ nắm được họ tên đầy đủ của 32 người, ước tính tổng cộng có hơn 100 người đã bị bắt.
Weiquan Wang nhấn mạnh rằng, hành vi phong tỏa cưỡng bức của Trung Quốc không được lòng dân, và động thái điều chỉnh chính sách phòng dịch của ĐCSTQ cũng chứng tỏ rằng chính sách trước đó là không khả thi. Biểu tình là quyền cơ bản của công dân và những người biểu tình trên đường phố đang thực hiện quyền này, đó không phải là hành vi phạm tội. Tổ chức này hy vọng rằng, “chính quyền ĐCSTQ có thể thực hiện các cam kết về nhân quyền, tôn trọng luật pháp của chính họ và mau chóng trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị bắt”.
Bà Vương Á Thu (Wang Yaqiu) của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, “Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đang phải trả giá đắt vì dám bày tỏ niềm khao khát tự do và nhân quyền”.
Bà nói: “Các chính phủ và tổ chức quốc tế trên khắp thế giới nên bày tỏ sự ủng hộ [với người biểu tình], và kêu gọi chính quyền Trung Quốc thả họ ngay lập tức”. “Việc đàn áp người biểu tình chỉ càng cho thấy rằng, Bắc Kinh vô cùng sợ hãi trước sức mạnh của thanh niên trong nước”.
Theo Vision Times
Đông Phương (NTDVN) biên dịch