Ngày 20/7/1999 là một ngày mà ông Lý Nguyên Hoa không bao giờ quên. Đó cũng là ngày đầu tiên chính quyền Trung Quốc tiến hành bắt giữ hàng loạt những người tập luyện Pháp Luân Công đến thỉnh nguyện ôn hòa tại cơ quan nhà nước. Vào hôm đó, ông Lý Nguyên Hoa, một giảng viên tại một trường đại học ở Bắc Kinh, cũng là một trong những người thỉnh nguyện, đã chứng kiến một đoạn lịch sử phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 20/7/1999, ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công – một môn tu luyện giúp người học đề cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời nâng cao đạo đức theo nguyên tắc Chân – Thiện – Nhẫn. Vì lệnh đàn áp, nhiều học viên Pháp Luân Công đã đến để thỉnh nguyện, sau đó đã xảy ra cuộc bắt bớ lớn vào ngày 20/7.
Ông Lý Nguyên Hoa là Phó giáo sư khoa Giáo dục Lịch sử của Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh. Ông từng 3 năm liên tiếp được nhận giải thưởng giảng viên xuất sắc của trường. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994, bệnh viêm gan B của ông đã biến mất. Kể từ khi chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, ông liên tục bị bức hại, buộc phải rời bỏ quê hương và lưu lạc đến Úc.
Dưới đây là câu chuyện của ông Lý về cuộc thỉnh nguyện và sự bức hại mà ông đã trải qua ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 20/7 cách đây 25 năm:
Trải qua cuộc vây bắt trên quy mô lớn ở Bắc Kinh vào ngày 20/7
Vào sáng ngày 20/7/1999, đường phố Bắc Kinh vắng vẻ, tôi và mẹ tôi, bà Đào Nguyệt Phương, đi xe đạp qua đường Trường An, hướng tới Văn phòng Tiếp dân của Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc).
Lúc đó, mẹ tôi mới vừa từ Úc trở về và đến Bắc Kinh vào ngày 19/7. Sau khi về nước, bà nghe nói một số học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh đã bị cảnh sát bắt giữ. Vì vậy, vào sáng ngày 20/7, tôi và mẹ tôi quyết định đến Văn phòng Tiếp dân của Quốc vụ viện, nơi cách nhà không xa, để trình bày sự thật với chính quyền.
Chúng tôi nằm trong nhóm những người đến sớm nhất, không lâu sau, số người đến mỗi lúc một đông hơn.
Sau đó, nhiều toán cảnh sát đã đến và cưỡng chế bắt các học viên Pháp Luân Công đi. Ban đầu là cảnh sát thường, sau đó là cảnh sát khu vực, cảnh sát vũ trang, cuối cùng là cảnh sát chống bạo động, tình hình căng thẳng dần leo thang. Những cảnh sát thường đã trực tiếp kéo người đi, sau đó có ít nhất vài chục chiếc xe cảnh sát đến, tạo ra bầu không khí đầy kinh hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cảnh sát chống bạo động mặc đồ đen, cầm khiên đầy đủ vũ trang như vậy.
Xe chở khách cũng đến. Cảnh sát chia thành nhiều nhóm và kéo các học viên đi. Trong lúc đó, chúng tôi nắm tay nhau, người phía sau ôm eo người phía trước, tạo thành một khối thống nhất. Tôi khi đó là một thanh niên, đứng ở hàng đầu, mẹ tôi ôm eo tôi, phía sau là người này tiếp nối người kia ôm eo nhau.
Mặc dù vậy, cảnh sát vẫn kéo được tôi ra và cố đẩy tôi lên xe. Lúc đó hai tay tôi bám vào cửa xe không chịu hợp tác với họ. Có khoảng 5-6 cảnh sát ở phía sau, có người túm đầu tôi, có người đánh vào đầu tôi, có người thì đá, áo quần tôi đều bị họ xé rách cả. Họ ra sức đánh thật mạnh, cuối cùng tôi không thể chịu nổi và bị kéo lên xe.
Chúng tôi bị đưa đến Trung tâm Thể dục Thể thao quận Phong Đài ở Bắc Kinh. Sau này tôi mới biết có một nhóm học viên khác đã bị đưa đến Trung tâm Thể dục Thể thao quận Thạch Cảnh Sơn.
Hôm đó là vào giữa mùa hè, chúng tôi ngồi trong sân vận động của Trung tâm Thể dục Thể thao, cửa lớn của Trung tâm đều mở toang. Lúc đó mọi người có thể rời đi, loa phóng thanh liên tục khuyên mọi người hãy rời đi, nhưng không ai chịu đi. Không lâu sau, sân vận động đã chật kín người, khoảng hơn một nghìn người. Tất nhiên, cũng có đặc vụ trà trộn vào, nhưng những đặc vụ này không thể chịu nổi và họ đi ra ngoài để hút thuốc. Chúng tôi đều biết người tập luyện Pháp Luân Công không hút thuốc, do đó liền nhận ra họ không phải học viên Pháp Luân Công.
Khoảng đến giữa trưa, trời bắt đầu mưa và cảnh sát vũ trang đến. Lúc đó tôi thấy có học viên che ô cho cảnh sát vũ trang và giải thích cho họ biết rằng Pháp Luân Công là một môn tu luyện tốt và không gây ảnh hưởng xấu gì đến chính trị xã hội.
Bị đưa đi giam giữ ở địa điểm không rõ tên
Khi trời gần tối thì có rất nhiều người đến, có vẻ như họ là quân nhân. Họ mặc quân phục màu xanh lá cây và đi theo từng xe tải một. Họ bắt đầu kéo người ra bên ngoài. Tôi là một trong số vài trăm người cuối cùng, chúng tôi bị coi là những học viên Pháp Luân Công ngoan cố nhất. Sau này tôi nghe nói, phần lớn những người bị bắt đi trước tôi, sau khi bị ghi lại thông tin cá nhân, đã được thả ra giữa đường. Còn chúng tôi, những người bị bắt đi cuối cùng, đã bị đưa đến một nơi không rõ là trại tù hay là trại lao động cải tạo. Xung quanh đó 4 phía đều là tường cao, có lưới sắt, còn có tháp canh cao, có lính gác cầm súng đang đứng gác.
Tài xế xe khách lái xe vào sân, tắt máy, khóa xe lại rồi rời đi. Đó là một ngày hè nóng nực của tháng 7, xe có cửa sổ với hai lớp kính, không thể mở ra hoặc hạ xuống được. Trong xe như một cái lồng bí bức, chật kín các học viên Pháp Luân Công, có người đứng, có người ngồi. Hôm đó thời tiết rất khác thường, đến tối lại đặc biệt lạnh, sau đó tôi hỏi mới biết nhiệt độ lúc đó là khoảng 16 độ C.
Chúng tôi bị giam đến giữa đêm mới được phép đi vệ sinh. Đến sáng ngày 21/7, chúng tôi bị đưa đi lấy thông tin cá nhân. Họ hỏi chúng tôi thuộc khu vực nào và sau đó thì để công an khu vực đó đến đưa chúng tôi đi. Tôi ở quận Sùng Văn, bị Công an quận Sùng Văn, thành phố Bắc Kinh đến đưa đi. Sau đó chúng tôi lại bị chia về các đồn công an, tôi và hơn 20 người khác thuộc khu dân cư Đông Hoa Thị, và chúng tôi đã bị đưa đến tầng hầm của đồn công an tại khu dân cư đó.
Đồn cảnh sát cưỡng ép tẩy não
Vào ngày 21/7, vợ tôi bế con trai chúng tôi đến đồn công an yêu cầu họ thả tôi ra, nhưng công an yêu cầu tôi viết cam kết từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã từ chối và nói với họ lý do tôi tu luyện.
Đến chiều ngày 22/7, đồn công an bắt chúng tôi xem chương trình truyền hình bôi nhọ Pháp Luân Công, cưỡng ép tẩy não, sau đó thì nói chuyện một đối một. Tôi nói với cảnh sát rằng những tuyên truyền đó đều là lừa dối.
Tôi bị họ coi là đối tượng trọng điểm, phó đồn trưởng và một cảnh sát khác cùng đến để cưỡng ép tôi. Họ lúc thì đe dọa rằng tôi sẽ bị giam giữ, bị kết án, lúc thì mềm mỏng, lúc thì đập bàn trừng mắt. Dù họ dùng các biện pháp ‘vừa đấm vừa xoa’ như thế nào đi nữa, tôi vẫn không viết cam kết từ bỏ tu luyện, tôi chỉ một mực nói rõ sự thật cho họ.
Vì việc giam giữ người vượt quá 48 giờ, phía cảnh sát cần phải đưa ra lý do thỏa đáng. Tôi yêu cầu được rời khỏi đồn công an để có thể đi dạy học vào ngày hôm sau. Vào khoảng 11 giờ đêm ngày 22/7, chủ nhiệm khoa và nữ bí thư của trường đại học nơi tôi làm việc đã đến đồn công an để ký tên, và tôi đã được bảo lãnh ra ngoài.
Tôi không ngờ rằng 3 ngày 2 đêm vừa trải qua này đã thay đổi cuộc đời của tôi, “Từ lúc đó, chúng tôi bắt đầu 25 năm phản bức hại”.
Theo NTDVN, The Epoch Times tiếng Trung
BÀI CHỌN LỌC: