Tân Thế Kỷ – Thư Pháp là nét đẹp được lưu truyền hàng nghìn năm qua. Trong đó, nghệ thuật thư pháp Trung Hoa thời cổ đã phát triển tới đỉnh cao, với những tên tuổi lẫy lừng được lưu danh trong sử sách. Đặc biệt không thể nhắc đến Vương Hi Chi, ông được mệnh danh là “Trung Quốc thư thánh” với tác phẩm nổi tiếng “Lan Đình tập tự”.
Đệ nhất Thư pháp – Vương Hy Chi là ai?
Vương Hi Chi tự là Dật Thiếu, hiệu là Đạm Trai, là nhà thư pháp lừng danh thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc, được người đời tôn vinh là Thư Thánh. Thư pháp của ông như phong vân uốn lượn, phóng khoáng, thuần chính, mỗi chữ viết ra như một bức họa khiến cho người xem cảm nhận được sự tinh túy, kỳ mỹ của nét bút.
Sử sách ghi chép, ngay từ khi còn nhỏ, Vương Hi Chi đã yêu thích viết chữ. Năm lên 7 tuổi chữ ông viết đã rất đoan chính, đến năm 12 tuổi ông phát hiện trong tàng thư của cha có bản “Bút Luận” của tiền nhân, từ đó ông âm thầm kỳ công theo học.
Cha ông phát hiện, bèn nói: “Đợi sau này khi con lớn lên, cha sẽ cho con xem”. Vương Hi Chi liền quỳ xuống lạy cha mà nói: “Hãy cho con xem sách ngay từ bây giờ, xin cha hãy dạy con thư pháp”.
Cha của Vương Hi Chi rất vui mừng nói: “Được! Vậy con nhất định phải nhớ kỹ, học thư pháp không chỉ giới hạn bởi khoảng cách nét bút, mà điều quan trọng hơn chính là học làm người. Chỉ những người có phẩm hạnh cao thượng thì thư pháp mới có thể siêu phàm nhập Thánh”.
Vương Hi Chi ghi nhớ lời cha dạy, ngày đêm khổ luyện các loại kinh thư và “Bút Luận”. Ông thường tập viết chữ bên hồ, viết xong lại đem nghiên mực đi rửa, thời gian dài qua đi, nước trong hồ cũng biến thành màu đen, được người đời gọi là “hồ mực”.
Thành tựu thư pháp của Vương Hi Chi trước sau có mối quan hệ mật thiết với đạo học kinh thư, yêu cầu người viết chữ phải luôn luôn bảo trì một tâm hồn thuần thiện, chất phác.
Lên núi gặp tiên nhân
Tương truyền, một lần Vương Hi Chi lên Thiên Đài Sơn dạo chơi, ngắm cảnh sắc thoát trần tuyệt mỹ. Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp, Vương Hi Chi tức cảnh sinh tình, thư pháp của ông cũng thêm phần tinh tuý.
Nhưng ngược lại, ông lại cảm thấy chữ mình viết ra không được mãn nguyện. Lúc này đột nhiên một cụ già xuất hiện, vừa cười vừa nói với Vương Hi Chi rằng: “Chữ viết rất đẹp!”. Vương Hi Chi nói: “Tại hạ bút lực chưa đủ, xin được cụ chỉ giáo thêm”.
Cụ già liền cầm bút viết một chữ Vĩnh (永) rồi nói: “Ta thấy cậu tâm chí kiên định, chân thành học viết chữ nên cho cậu lĩnh ngộ một bút pháp. Hãy học viết cho thật tốt chữ này, công phu thực sự của thư pháp đều ở trong đó”.
Cụ già vừa viết vừa giảng giải cho Vương Hi Chi về bút pháp và kết cấu của chữ, đồng thời căn dặn rằng khi viết chữ cần phải tĩnh tâm, phải luôn luôn bảo trì tâm cảnh thanh cao.
Vương Hi Chi tâm cảnh trong sáng, lập tức lĩnh ngộ ra ngay, cúi đầu bái tạ ân đức cụ già đã giúp mình khai ngộ, khi ngẩng lên thì đã thấy cụ già phiêu đãng bay xa. Vương Hi Chi chỉ kịp hỏi theo: “Tiên ông nhà ở nơi đâu?”. Tuy người đã khuất dạng bóng xa nhưng trong không trung vẫn truyền lại một câu nói: “Thư pháp của khanh cảm động ta, ta là Bạch Vân núi Thiên Đài”.
Sau khi được Bạch Vân tiên nhân chỉ dạy cách luyện chữ, Vương Hi Chi lại thêm phần dày công khổ luyện, tĩnh tâm ở trong sơn động viết cuốn đạo kinh “Hoàng Đình”. Đây là một bộ kinh sách tu luyện của Đạo gia, sau khi chép xong, bút pháp của Vương Hi Chi cũng tăng phần mở rộng, kết cấu trang nghiêm, bay lượn.
Có một lần Tấn Nguyên Đế đến ngoại thành phía Bắc để tế tự, yêu cầu Vương Hi Chi đem chúc từ viết lên tấm gỗ rồi yêu cầu thợ mộc khắc theo. Khi thợ mộc khắc chữ đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện nét mực mà Vương Hi Chi viết lên toàn bộ thấm sâu vào gỗ 3 phân.
Khi mọi người biết được mới tán dương rằng: “Chữ của Vương Hi Chi nhập gỗ 3 phân”, đây cũng là khởi nguồn của câu thành ngữ “Nhập gỗ 3 phân” được lưu truyền rộng khắp Trung Quốc.
Cốt cách tạo lên cái hồn của từng nét chữ trong thư pháp của Vương Hy Chi
Ông là một người vốn chẳng coi trọng danh lợi, mặc dù năm 326, Vương Hy Chi bắt đầu làm quan, trải qua các chức vụ: Mật thư lang, Tham quân, Trưởng sử, Thứ sử Giang Châu, Ninh Viễn tướng quân, Hộ quân tướng quân, Hữu quân tướng quân, Nội sử Cối Kê. Do không nhiều chí tiến thủ để thăng tiến, ông từng được tiến cử làm chức Thị trung – một chức vụ gần Hoàng đế – nhưng Vương Hy Chi đã từ chối. Vì không thích ganh đua trên quan trường, sau khi làm Thứ sử Giang châu 1 năm, ông xin từ chức để chuyên tâm nghiên cứu thư pháp.
Có một điển cố kể về Vương Hy Chi, minh chứng cho người có nhân cách cao thượng, xem nhẹ danh lợi, cá tính tự do phóng khoáng.
Tương truyền Thái úy Hi Giám muốn kén rể trong họ Vương cho con gái mình nên phái môn sinh đi trước quan sát dung mạo cử chỉ của công tử nhà họ Vương. Con cháu họ Vương nghe nói Thái úy muốn kén rể, lũ lượt khăn áo chỉnh tề, cố tạo phong thái tốt. Chỉ có Vương Hy Chi dường như không nghe thấy gì, phanh áo nằm ở giường trúc phía Đông, tự nhiên ăn bánh nướng. Môn sinh quay về miêu tả dáng vẻ của Vương Hy Chi với Hi Giám, Hi Giám vui mừng nói: “Người này chính là rể tốt của ta!”.
Chính tâm thái cốt cách của con người ông, mà trong bút pháp ông không hề có sự ràng buộc mà rất tự tại thanh tao. Ông coi viết thư pháp như bày binh bố trận. Phải nhu phải cương, phải mềm phải cứng, phải đậm phải nhạt. Người cầm bút như người cầm kiếm, phải có “xảo”, “nhẫn”, dứt khoát, quyết đoán.
Ông thường ví rằng, nếu như người cầm kiếm thì đường đi của kiếm thể hiện sự tài tình của kiếm pháp, thì người cầm bút phải coi trọng ý bút: khi muốn viết phải mài mực trước; mài mực xong để tinh thần thư thái rồi nghĩ đến thế chữ, phải dự tính chữ lớn hay chữ nhỏ, nét đậm nét nhạt ra sao, liên kết với nhau như thế nào, sau đó mới đặt bút viết.
Tức ông coi trọng niêm luật về ý tứ và cấu tạo của chữ. Viết không phải chỉ là viết đẹp, mà viết đẹp là phải phô ra được cái ý tứ của từng nét bút.
Chính vì thế mà thần thái trong thư pháp của Vương Hy Chi được đánh giá là thiên biến vạn hoá, lồng ý tưởng vào chữ. Ông cho rằng: Bút lực phải sắc như dao, nhanh nhẹn biến hoá, hoặc trầm ổn tĩnh lặng. Điều này hoàn toàn dựa vào tâm tính của người cầm bút.
Ông từng nói: Hai chữ hợp làm một, không được đứt đoạn, những nét trùng thì không quá dài, đơn mà không quá nhỏ, mảnh mai mà không đứt gãy, lặp mà không quá to; chữ lớn nên trong vòng giới hạn, chữ nhỏ nên phóng túng, rộng rãi. Kĩ thuật viết này đòi hỏi rất cao nội lực của người cầm bút, không chỉ là cách vận dụng lực, mà còn là cách vận khí, độ mềm dẻo của cổ tay người viết. Đây đòi hỏi quá trình khổ luyện bền bỉ mà có được.
Ông cho rằng, chữ viết nhất định phải có bố cục cụ thể: Bất kỳ chữ gì hình dáng, biến hoá thế nào đều phải có sự tập trung câu mạch thông suốt, khí huyết lưu thông mới tạo ra được cái hồn cho tác phẩm. Đây chính là sự gói gọn của câu nói: Tâm bình tĩnh khí, là yêu cầu của người khai bút. Nét bút chính là phản ảnh của trạng thái tâm tính và khí huyết.
Chữ Lệ, chữ Khải, chữ Hành, chữ Thảo của Vương Hy Chi đều viết đẹp vô cùng. Ông đã truyền thừa những tinh túy trong nghệ thuật thư pháp cho thế hệ sau đó, mấy người con trai của ông đều lần lượt kế tục hàm vị, tư thái, nét bút, ngoại hình và yếu lĩnh trong thư pháp của ông, đều trở thành nhà thư pháp nổi tiếng, trong đó Vương Hiến có thành tựu lớn nhất. Càng về sau, thì trong giới thư pháp gia, phong cách của Hy Chi càng ảnh hưởng sâu đậm.
Vương Hi Chi và tác phẩm “Lan Đình Tự”
Bút pháp của Vương Hi Chi trước sau như một, luôn bảo trì một bản sắc chất phác, sùng đạo tu tâm. Dùng trái tim thuần chính để cảm thụ vẻ đẹp của tạo hoá và đất trời tự nhiên, nghiên cứu sự bao la vô tận của vũ trụ để rồi ấn chính vào nghệ thuật thư pháp của mình.
Vương Hi Chi trong cuốn Đoạn Thư từng viết: “Thiên biến vạn hoá, đắc được thần công, nếu không có tạo hoá khai thị, sao có thể bước được lên đỉnh kỳ công”.
Đỉnh cao của lời văn và bút pháp của Vương Hi Chi có thể kể đến tác phẩm “Lan Đình Tự”, “Thập Thất Thiếp”, đã trở thành khôi bảo trong giới thư pháp cổ Trung Quốc. Riêng tác phẩm “Lan Đình Tự” đã được hậu thế bao đời tôn làm “Thiên hạ đệ nhất hành thư”.
Vương Hi Chi từng nói, sách quý là bởi được người viết tĩnh tâm, hội ý hình thành trước khi viết. Vương Hi Chi cho rằng chỉ có tâm thái an hoà, tâm tĩnh thần ngay mới có thể viết được chữ đẹp.
Vì tài hoa xuất chúng nên Vương Hi Chi được triều đình phong làm Thứ Sử, Hữu Quân tướng quân nên mọi người cũng thường gọi ông là Vương Hữu Quân.
Vương Hi Chi sống một đời thanh bạch, xem nhẹ công danh lợi lộc, yêu dân như con. Khi đi thị sát quận phủ, thấy địa phương bị thiên tai, Vương Hi Chi kêu người mở kho cứu tế cho dân trước rồi mới báo cáo lên trên chi tiết sau, nhiều lần dâng tấu xin giảm thuế cho dân, vì dân chúng mà lo nghĩ.
Tuy thân làm quan, nhưng lại không theo bè phái hay câu kết thế lực với những kẻ tham ô nên đã nhiều lần thẳng thắn dâng sớ trình. Cũng vì điều này mà ông bị nhiều người hiềm khích, về sau ông xin cáo quan về nhà.
Thư pháp của Vương Hi Chi cũng như phẩm hạnh của ông, thanh tú thoát phàm, tinh xảo tuyệt luân. Lý Bạch từng tán thán thư pháp của Vương Hi Chi mà nói: “Hữu quân bản tính thanh chân, siêu xuất bụi trần, bút pháp thoát trần nhập Thánh”.
Đối với cuộc đời của Vương Hi Chi, có vô số những điển tích lưu danh ngàn đời cho hậu thế, điển hình cũng có thể kể đến như “Đồng Sàng”. Tương truyền năm Vương Hi Chi 20 tuổi, nhà Thái Uý Hy Giám có cô con gái xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành bao người mơ ước.
Một hôm Hy Giám muốn kén rể cho con, có người nói rằng nhà họ Vương Đạo có nhiều con trai thanh tú, tài học hơn người nên cho người nhà đến dò hỏi. Con cháu Vương Đạo nghe Thái Úy tới cầu thân đều vận phục đẹp đẽ, hi vọng được lọt mắt xanh.
Duy chỉ có Vương Hi Chi tựa như không nghe không biết, chỉ nằm trên giường trúc phía đông, một tay ăn bánh nướng, một tay lấy bút viết chữ.
Sau khi người nhà về, bẩm lại, Hy Giám biết được chàng trai nằm trên giường phía đông là Vương Hi Chi, liền vỗ tay khen ngợi và chọn chàng làm rể! Câu chuyện đó sau trở thành điển cố nổi tiếng trong dân gian.
Có thể nói rằng, Vương Hy Chi cùng tác phẩm để đời của ông là biểu tượng của nghệ thuật thư pháp Trung Quốc qua bao thế hệ truyền thừa. Tài năng và quá trình rèn luyện thư pháp của ông ảnh hưởng lớn tới hậu nhân.
Chân Tâm t/h
Tham khảo: DKN
Xem thêm: