(Tân Thế Kỷ) – Hồi thứ 64 Tây Du Ký kể rằng, Đường Tăng cuốn theo làn gió âm lạc vào am Mộc Tiên và gặp gỡ bốn vị lão nhân. Tại đây, Tam Tạng đã cùng họ đàm đạo, thưởng trà, ngâm thơ, trong đó có một câu nói đã trở thành kinh điển, hàm chứa nhiều huyền cơ.
Bốn vị lão nhân đều ngợi khen Đường Tăng và nói: “Thánh tăng ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã theo Phật giáo, tu hành từ nhỏ nên quả là một bậc thượng tăng đắc đạo chân chính. Chúng tôi may mắn được gặp tôn nhan, thỉnh cầu đại giáo, mong được chỉ bảo cho một hai điều về Thiền pháp, thỏa nỗi ước mong”.
Tam Tạng nghe nói như vậy, điềm nhiên thẳng thắn trả lời các vị lão nhân rằng: “Thiền tức là tĩnh, Pháp tức là qua. Qua với cái tĩnh, không giác ngộ thì không thành. Ngộ tức là rửa lòng, giũ lo, xa trần thoát tục. Than ôi, thân người khó được, Trung thổ khó sinh, Chính Pháp khó gặp. Trọn vẹn cả ba điều ấy thì may mắn nào bằng”.
Nếu theo lời Đường Tam Tạng, thì may mắn lớn nhất của sinh mệnh, then chốt nằm ở ba điều: Đắc được thân người, sinh ở Trung thổ, gặp được Chính Pháp. Nếu trong một đời, nếu có được cả 3 điều này thì đây chính là sinh mệnh may mắn và hạnh phúc nhất.
Trong kinh Pháp của Phật Giáo cú 173 cũng nói rằng:
“Khó thay, được làm người
Khó thay, được sống còn
Khó thay, nghe diệu Pháp
Khó thay, Phật ra đời”
“Nhân thân nan đắc”, được thân người nào có dễ chi
Trong Phật giáo từng giảng về “Lục đạo luân hồi”. “Lục đạo” còn được gọi là “Lục thú”, bao gồm “Thiên đạo, nhân đạo, A tu la đạo, ngạ quỷ đạo, súc sinh đạo, và địa ngục đạo”. Chúng sinh trong Tam giới đời đời kiếp kiếp theo nghiệp thiện và nghiệp ác tạo ra ở đời trước mà sinh ra 6 trạng thái sinh tồn của sinh mệnh khác nhau như thiên nhân, người, ngạ quỷ, A tu la, súc sinh hay đọa vào địa ngục.
Để thoát khỏi luân hồi và trở thành sinh mệnh cao cấp thì chỉ có một con đường duy nhất, đó chính là tu luyện. Nhưng không phải ai cũng có thể tu luyện. Chỉ khi mang thân người mới có thể tu luyện. Do đó mới nói được thân người là vô cùng trân quý.
Nhưng được thân người có dễ không?
Khi còn tại thế Đức Phật từng giảng: “Thân người là khó đắc nhất”. Thoạt nghe người ta không khỏi thắc mắc “Chẳng phải mình đang là người sao, tại sao lại còn khó được”? Kỳ thực, hàm ý của Đức Phật rất rộng lớn, sâu xa…
Trong một lần giảng Pháp, Đức Phật có hỏi ba vị tỳ kheo về “điều gì là quý giá nhất”. Các vị tỳ kheo có những giải đáp nhưng cuối cùng Đức Phật giảng:
“Trên đời này thứ gì là khó đắc được nhất? Không phải khỏe mạnh trường thọ, không phải tri tâm bạn lữ, không phải gia đình mỹ mãn. Ta sẽ kể cho các con nghe một cố sự.
Trong biển rộng mênh mông, có một con rùa mù, tuổi thọ của nó vô lượng kiếp số, trải qua trăm ngàn ức thương hải tang điền. Bình thường nó ẩn mình dưới ngàn trượng biển sâu, trăm năm mới xuất thủy một lần. Lại có một khúc gỗ nổi, bên trong bị thủng một lỗ, phiêu lưu sóng biển, trôi dạt theo gió. Rùa mù trăm năm mới xuất thủy một lần, muốn gặp được khúc gỗ nổi, đã là cơ hội xa vời, huống chi gặp được khúc gỗ nổi thủng lỗ, chẳng phải sẽ cõng nó lên bờ sao? Rùa mù gặp gỗ lỗ, vẫn có cơ hội một phần ngàn vạn, nhưng mà phàm phu phiêu lưu trong ngũ thú, muốn được thân người, so với rùa mù lên bờ còn khó hơn vạn lần!”
Sau đó, Phật Đà túm lấy một nắm bùn đất, mở lòng bàn tay ra, so sánh nói: “Chúng sinh có được thân người, như chỗ bùn trên tay của ta, còn mất đi thân người, như bụi trong đại địa. Cái gì khó đắc được nhất? Thân người là khó đắc nhất. Các tỳ kheo! Các con phải lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ!”
Nếu cho chúng ta trả lời, hẳn đa số cũng đáp tương tự 3 vị tỳ kheo. Bởi con người chỉ nhìn được một đời, nhưng Đức Phật có thể nhìn thấu nhiều đời nhiều kiếp. Trong 6 cõi luân hồi, kiếp này chúng ta là người, nhưng ai biết được những kiếp trước đã từng chuyển sinh thành ai, rồi đời sau sẽ đầu thai thành gì. Nếu thác sinh thành một tảng đá, tảng đá ấy chắc phong hóa, chẳng tan nát thì vĩnh viễn chẳng ra được, mãi mãi chính là tảng đá.
Chính Pháp khó tìm
Phật Gia giảng, con người là anh linh của vạn vật. Bởi chỉ mang thân người mới có thể tu luyện để trở thành sinh mệnh cao hơn, thậm chí vượt qua luân hồi sinh tử tìm đến hạnh phúc vĩnh hằng. Đức Phật Thích Ca từng thuyết Pháp về cõi niết bàn, đó chính là miền hạnh phúc vĩnh viễn. Chỉ có tu hành đắc chính Đạo mới đến được nơi ấy.
Có được thân người rồi, còn phải đắc Chính Đạo, tu luyện trong Chính Pháp mới có cơ may tu thành. Điều ấy có đơn giản không?
Ví như câu chuyện về Phật Milarepa, thủy tổ của Bạch Giáo Tạng Mật. Để tu thành Phật, Ngài đã trải qua muôn vạn gian khổ không thể diễn tả được để được Sư Phụ truyền Pháp, tinh tấn thường hằng không gì lay chuyển nổi trong tu hành và cuối cùng đắc Phật vị trong một đời.
Trong con đường tìm Chính Đạo, bao nhiêu người trải qua bao gian khổ, đi cùng trời cuối đất, tốn bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc nhưng mãi không tìm thấy. Chưa kể Chính Đạo rất khó tìm, còn tà đạo thì hễ tìm là thấy. Nếu tu sai đường thì xem như tu cũng như không, kiếp ấy mang thân người thật uổng phí, biết bao giờ mới lại đắc thân người tìm Chính Pháp đây.
Thế giới ngày nay có khoảng 7,8 tỷ người. Nghe con số có vẻ rất lớn, nhưng so với hết thảy sinh vật trên Trái đất, cũng chỉ như chỗ bùn trên tay Đức Phật so với hết thảy bụi đất trên địa cầu mà thôi. Một đời người khoảng 80 năm, nghe có vẻ dài, nhưng so với linh hồn bất diệt thì cũng chỉ như giấc mộng ngắn ngủi mà thôi. Nên mới nói chúng ta đời này đắc được thân người, hãy nên vạn phần trân quý, tránh phạm điều xấu, tích đức hành Thiện.
Nếu có cơ duyên đắc được Chính Pháp, thì càng may mắn hơn. Bởi chỉ thân người này mới có thể tu luyện, thành Phật, thành Đạo. Công danh, tài lộc đến lúc ra đi cũng không thể mang theo. Hơn nữa, khi mê hoặc trong nhân thế, bị danh lợi dẫn dụ sẽ càng tạo thêm tội nghiệp, khiến cho sinh mệnh đời sau càng thêm thống khổ trong sinh lão bệnh tử. Nên mới có câu: Tu luyện Chính Pháp, ‘phản bổn quy chân’ mới là mục đích chân chính của làm người.
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Phật Milarepa: Từng là kẻ sát nhân, tu hành khổ hạnh và đắc đạo
Vì sao Đức Phật dạy: “Nước mắt con người nhiều hơn bốn đại dương”?
Lời cảnh tỉnh quan trọng của vị Thiền sư trước lúc viên tịch
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*