TTK NEWS – Tổng thống Latvia, Ngoại trưởng Đức, Ba Lan phản ứng gay gắt sau khi Giáo hoàng Francis kêu gọi Ukraine “có dũng khí giương cờ trắng” để đàm phán với Nga.
“Vậy nếu chúng ta kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin có dũng khí rút quân khỏi Ukraine thì sao? Hòa bình sẽ lập tức đến mà không cần đàm phán”, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski ngày 10/3 viết trên mạng xã hội X, kèm video Giáo hoàng trả lời phỏng vấn, kêu gọi Ukraine “phải có dũng khí giương cờ trắng và đàm phán”.
Video là đoạn trích trong cuộc phỏng vấn dự kiến được công bố ngày 20/3, trong đó phóng viên dùng từ “cờ trắng” khi hỏi liệu Ukraine có nên bỏ cuộc và chấp nhận đàm phán để chấm dứt chiến sự hay không. Giáo hoàng Francis cho rằng bên mạnh mẽ nhất là “người nghĩ đến dân thường, có dũng khí giương cờ trắng và bắt đầu đàm phán khi nhìn vào tình hình”.
Bình luận của Giáo hoàng cũng vấp phải phản đối từ nhiều lãnh đạo, quan chức các nước. Bernhard Kotsch, đại sứ Đức tại Vatican, cho rằng Nga là bên khai chiến trong cuộc xung đột và kêu gọi Moskva chấm dứt chiến sự.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics không đề cập trực tiếp Nga hay Ukraine trong bài đăng trên X, nhưng cho rằng cần phải “chiến đấu và đánh bại cái xấu” thay vì “giương cờ trắng và đầu hàng”
“Tôi không thể hiểu nổi”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói trong chương trình trò chuyện trên truyền hình. “Tôi nghĩ có một số việc bạn chỉ có thể hiểu được nếu tận mắt chứng kiến”.
Ngoại trưởng Baerbock từng nhiều lần đến Kiev từ khi chiến sự bùng phát. Trong cuộc trò chuyện, bà cũng nhắc đến trẻ em Ukraine đang phải chịu đựng những hậu quả từ chiến sự.
“Tôi tự hỏi Giáo hoàng đang ở đâu? Giáo hoàng phải biết những việc này”, bà nói, thêm rằng nếu Ukraine và đồng minh “không thể hiện sức mạnh lúc này thì sẽ không có hòa bình”. “Chúng ta phải sát cánh cùng Ukraine và làm mọi thứ có thể để đảm bảo họ có thể tự vệ”.
Đức hiện tại là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ.
Alexandra Valkenburg, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Tòa thánh Vatican, cho hay Nga hai năm trước đã bắt đầu “cuộc chiến bất hợp pháp và phi lý chống lại Ukraine”.
“Nga có thể chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức bằng cách tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, bà Valkenburg cho hay.
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav, đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, nói “Ukraine kiệt sức nhưng vẫn đứng vững và sẽ đứng vững”. “Hãy tin tôi, thậm chí không ai nghĩ đến việc đầu hàng, ngay cả ở những nơi giao tranh đang tiếp diễn”, ông nói.
Ukraine đã bày tỏ giận dữ trước lời kêu gọi của Giáo hoàng. “Quốc kỳ của chúng tôi mang màu vàng và xanh dương. Đây là lá cờ chúng tôi sẽ sống, chết và chiến thắng cùng. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương lá cờ nào khác”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên X.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng chỉ trích những bình luận của người đứng đầu Tòa thánh Vatican. “Người Ukraine thuộc mọi tôn giáo đã đứng lên bảo vệ đất nước. Tất cả người đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái ủng hộ chúng tôi bằng những lời cầu nguyện và hành động thực tế”, ông nói.
Matteo Bruni, người đứng đầu trung tâm báo chí Vatican, hôm 9/3 giải thích với các nhà báo rằng “Giáo hoàng chọn hình ảnh cờ trắng từ phóng viên để biểu thị chấm dứt thù địch, lệnh ngừng bắn đạt được bằng dũng khí trong đàm phán”, không phải đầu hàng như một số người diễn giải bình luận của ông.
Ukraine tuyên bố ‘không bao giờ giương cờ trắng’
Sau tuyên bố gây chú ý của Giáo hoàng Francis, Ukraine đã lên tiếng tuyên bố rằng không bao giờ đầu hàng.
“Quốc kỳ của chúng tôi mang màu vàng và xanh dương. Đây là lá cờ chúng tôi sẽ sống, chết và chiến thắng cùng. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương lá cờ nào khác”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên X hôm 10/3.
Ngoại trưởng Kuleba đưa ra bình luận sau khi hãng tin Reuters cùng ngày tiết lộ một phần nội dung cuộc phỏng vấn Giáo hoàng Francis dự kiến công bố ngày 20/3, trong đó ông được đề nghị bình luận về tranh cãi liệu Ukraine có nên bỏ cuộc và chấp nhận đàm phán để chấm dứt chiến sự hay không.
Phóng viên dùng cụm từ “cờ trắng” khi đặt câu hỏi. Giáo hoàng Francis cho rằng bên mạnh mẽ nhất là “người nghĩ đến dân thường, có dũng khí giương cờ trắng và bắt đầu đàm phán khi nhìn vào tình hình”.
Theo ông Kuleba, “trong cuộc chiến giữa tốt và xấu, mạnh mẽ nhất là người chọn đứng về phe tốt thay vì đặt hai bên ngang hàng và gọi đó là ‘đàm phán'”. Ngoại trưởng Kuleba cảm ơn Giáo hoàng Francis đã luôn cầu nguyện cho hòa bình và hy vọng ông sớm thăm Ukraine.
Hoàng Nam tổng hợp.