Mặc dù không công bố mức trần lãi suất như năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dường như đã và đang thực thi các quyền lực hành chính trong việc thiết lập mức trần lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Ngoài các chỉ đạo chung chung kiểm soát chặt rủi ro vào các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cân đối tốt nguồn vốn, tăng cường cho vay và các lĩnh vực ưu tiên, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết. Tất cả các nhằm hướng tới việc TCTD cần phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đáng lưu ý là cho tới nay, NHNN chưa có biện pháp cụ thể nào như giảm lãi suất điều hành, mở rộng danh sách các loại giấy tờ có giá và tài sản đảm bảo mà NHTM có thể tái chiết khấu tại NHNN, hoặc có nới lỏng với chính sách lãi suất, dự trữ trữ bắt buộc với đồng USD, … nhằm giảm chi phí vốn cho các TCTD với tư cách là người đi vay và cho vay cuối cùng trên thị trường tiền tệ.
Việc NHNN yêu cầu các TCTD phải báo cáo nếu muốn tăng lãi suất và sẽ trừng phạt nghiêm khắc bất kỳ định chế nào tiếp tục tăng lãi suất thực tế là một mệnh lệnh hành chính nhắm tới kiểm soát trần lãi suất huy động.
Một người gửi tiền (giấu tên) nói với NTDVN rằng ngân hàng thương mại của cô, vào một tuần trước, đã nói rằng họ không thể trả lãi tiền gửi cho cô quá 9,5%/năm, theo quy định của NHNN.
Thực tế, NHNN chưa có bất kỳ tuyên bố nào về mức trần lãi suất; một chính sách gây tranh cãi đã áp dụng không mấy hiệu quả trong cuộc khủng hoảng ngân hàng một thập kỷ trước (2011-2012). Thời điểm đó, để chặn lại cuộc đua lãi suất huy động trong hệ thống NHTM, NHNN đã ra chính sách áp dụng mức lãi suất trần 14,5%/năm. Bất kỳ NHTM nào huy động quá mức lãi suất trên sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Tuy nhiên, kẹt thanh khoản và lạm phát tăng cao (năm 2011, lạm phát cả năm lên tới 18,57%), các NHTM khi đó không còn cách nào khác ngoài việc lách quy định trần lãi suất bằng việc trả tiền thưởng hoặc ký khống các hợp đồng trả phí cho khách hàng (thường là các hợp đồng mua bán ngoại tệ phái sinh). Số tiền này để bù đắp cho phần lãi suất chênh lệch giữa mức lãi suất mà ngân hàng thoả thuận với khách hàng và lãi suất trần mà NHTM bị ràng buộc. Rất nhiều các cán bộ, cá nhân tại NHTM và tổ chức kinh tế sau đó bị trừng phạt, thậm chí bị truy tố vì hành vi vi phạm này trong giai đoạn đó.
Hiện nay, tình trạng tương tự đang xảy ra với huy động ngoại tệ USD. Chính sách lãi suất huy động với USD hiện là 0%. Nhưng thực tế, các NHTM khan nguồn USD đã phải âm thầm huy động với mức lãi suất thoả thuận với khách hàng. Một đọc giả của NTDVN cho biết một số NHTM nhỏ trong hệ thống sẵn sàng chi trả cho khách hàng mức lãi suất nhất định khi gửi USD.
Cho tới nay, NHNN chưa công bố trường hợp nào vi phạm chính sách chi trả lãi suất huy động USD.
Quang Nhật – NTDVN