spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Những người Trung Quốc tìm đường vượt biên vào Mỹ

Trong đêm tối, Wang Zhongwei cùng khoảng 20 người mò mẫm lên chiếc thuyền gỗ trên bãi biển Colombia, một phần trong hành trình vượt biên đến Mỹ.

Đó là một đêm mưa tháng 5/2023 ở bãi biển Capurgana, Colombia, trời tối đến mức Wang Zhongwei không thể nhìn thấy bàn tay trước mặt. Chuyến đi này sẽ đưa cả nhóm đến Darien Gap, khu rừng rậm nổi tiếng nguy hiểm giữa Colombia và Panama, rồi họ sẽ đi bộ nhiều ngày hướng đến biên giới Mỹ.

Wang, 32 tuổi, địu con trai 14 tháng tuổi trước ngực, vợ anh ngồi sau, còn con gái 7 tuổi ngồi cùng ông bà ngoại. Trong hai tiếng lênh đênh trên sóng, vợ chồng Wang phải bám chặt vào mạn thuyền, chật vật che mưa cho con. Toàn bộ 20 người di cư ướt sũng.

“Con trai tôi khóc suốt hai giờ đến khi kiệt sức không thể khóc được. Tôi đã lo con trai không qua khỏi, đến giờ tôi vẫn còn nhớ tiếng khóc của thằng bé”, Wang nhớ lại.

Vài tuần sau, gia đình Wang đến được biên giới Mexico – Mỹ. Các thành viên băng đảng Mexico yêu cầu nhóm di cư nộp 800 USD mỗi người “phí mãi lộ”. Họ phải cởi bỏ đồ lót để chứng minh đã nộp hết tài sản giá trị, trước khi được dẫn đến cửa khẩu biên giới.

Bất chấp hành trình đầy nguy hiểm, Wang không hối hận khi cùng gia đình bộ hành đến vùng biên giới này. “Gia đình tôi không còn hy vọng nào ở Trung Quốc”, Wang nói.

nhung nguoi trung quoc tim duong vuot bien vao my 126 2
Người di cư Trung Quốc rời thuyền vào đất liền, chuẩn bị vượt rừng đến biên giới Mỹ, tháng 4/2023. Ảnh: Reuters

Số lượng người di cư Trung Quốc vượt biên giới Mexico – Mỹ tăng vọt trong năm 2023, khi Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) bắt hơn 37.000 công dân Trung Quốc ở biên giới, cao gấp 10 lần so với những năm trước đại dịch Covid-19.

Trong số này, số lượng các gia đình di cư cùng trẻ em tăng đặc biệt nhanh. Biên phòng Mỹ trong năm 2023 bắt gặp các gia đình Trung Quốc di cư nhiều gấp 6-7 lần so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo chính phủ Mỹ, nhiều người di cư Trung Quốc phải chi khoản tiền khổng lồ để đến nước này. “Tình trạng này chưa được chú ý đầy đủ. Bắc Kinh đã biết điều này, nhưng chưa thực hiện các bước đối phó”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell nói hồi tháng 4.

Trung Quốc đã dừng hợp tác với Mỹ về vấn đề nhập cư trái phép khi căng thẳng song phương gia tăng. Vấn đề này vẫn được xem là một trong những nguồn cơn gây căng thẳng giữa hai nước, dù AP năm 2022 đưa tin hai bên đã bí mật nối lại các chuyến bay hồi hương người di cư bất hợp pháp.

Theo các chuyên gia, số lượng dân Trung Quốc nhập cư vào Mỹ gia tăng phản ảnh tình hình ảm đạm của họ ở quê nhà.

Số người nhập cư gốc Hoa đang sinh sống ở Mỹ (tính theo đơn vị triệu người). Đồ họa: Nikkei
Số người nhập cư gốc Hoa đang sinh sống ở Mỹ (tính theo đơn vị triệu người). Đồ họa: Nikkei

“Thật bất thường khi một nước thu nhập trung bình, tăng trưởng kinh tế tích cực như Trung Quốc lại có dòng người di cư trái phép lớn. Rất khó để giải thích từ góc độ kinh tế thuần túy, tôi cho rằng điều này phần lớn liên quan đến các chính sách xã hội”, Victor Shih, chuyên gia chính sách kinh tế Trung Quốc ở Đại học California, nhận định.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc, đang đối mặt tình trạng già hóa dân số, chưa xây dựng được hệ thống an sinh xã hội phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang đẩy nhu cầu dịch vụ xã hội tăng cao.

Hàng triệu lao động đổ về các thành phố lớn cuối thế kỷ trước đang đối mặt với mức sống giảm sút khi đến tuổi xế chiều. Khoảng 100 triệu người thuộc nhóm này sẽ về hưu trong 10 năm tới. Nếu chỉ dựa vào lương cơ bản khi về nông thôn dưỡng già, mức sống của họ sẽ thấp hơn ngưỡng nghèo của Ngân hàng Thế giới.

Hầu hết người di cư Trung Quốc trước đây chọn những con đường vào Mỹ dễ dàng hơn, như xin visa du lịch, hoặc đăng ký theo học tại các trường đại học Mỹ.

Đối với một nhóm nhỏ đang gia tăng thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc, những lựa chọn này không có sẵn, bởi du học rất tốn kém, trong khi xin visa Mỹ ngày càng khó khi quan hệ hai nước ảm đạm. Nhưng nhiều người lại sẵn sàng vượt biển, vượt rừng, bất chấp nguy cơ mất mạng, cướp giật để đến Mỹ.

Thu nhập giảm mạnh, nhiều người Trung Quốc chọn vượt biên vào Mỹ

Cuộc sống ở Trung Quốc của gia đình Wang gặp khó khăn sau thời gian đại dịch Covid-19 hoành hoành và thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng. Wang từng làm chủ một nhà máy may ở Ôn Châu, Chiết Giang, nhưng cơ sở này phải đóng cửa khi Covid-19 ập đến.

Wang sau đó lái taxi để trả nợ, nhưng khoản nợ trở thành gánh nặng quá lớn. Nghe theo lời khuyên của anh trai ở Mỹ, Wang bán nhà và ôtô, gom tiền tiết kiệm rồi đưa gia đình đến Colombia bắt đầu hành trình vượt biên đến “miền đất hứa”.

nhung nguoi trung quoc tim duong vuot bien vao my 126 1 1
Một gia đình di cư Trung Quốc vượt rừng đến biên giới Mexico – Mỹ, tháng 4/2023. Ảnh: Reuters

Báo cáo hồi tháng 2 của Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) cho thấy hơn 1/3 doanh nghiệp nhỏ của nước này không bền vững về mặt tài chính, thiếu tiền mặt, thiếu năng lực vay vốn, ảnh hưởng đến việc làm của 18 triệu công nhân. Báo cáo khảo sát gần 2.400 doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu thuộc lĩnh vực bán lẻ, sản xuất.

“Quy mô ngân sách của Trung Quốc chỉ chiếm phần nhỏ trong GDP so với hầu hết các nước phát triển, thậm chí so với nhiều nước đang phát triển. Với khoản ngân sách này, chính phủ ưu tiên các vấn đề như an ninh quốc gia, ổn định đất nước hơn phúc lợi xã hội”, chuyên gia Shih giải thích.

Thiếu các chính sách hỗ trợ, gói kích thích, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động hậu đại dịch. Lao động Trung Quốc đối mặt giờ làm việc dài hơn nhưng lương thấp hơn, chưa kể nguy cơ bị sa thải.

Michael Yu, 33 tuổi, thợ cơ khí của một doanh nghiệp nhà nước, và Dida Tan, 27 tuổi, làm việc tại công ty thủy sản, là cặp vợ chồng ở Nam Kinh vượt biên vào Mỹ đầu tháng 4 vì lý do này.

Hai vợ chồng cho hay lương bị giảm “quá mức” trong nhiều năm, khiến họ không thể trang trải sinh hoạt phí và trả tiền vay mua nhà.

“Chúng tôi đã làm thêm giờ trước đại dịch, nhưng ở mức chấp nhận được, còn sau đại dịch thì phải liên tục, không có thời gian cho bản thân mà lương vẫn giảm 70% kể từ tháng 10/2023”, Tan nói.

Yu và Tan bay từ Hong Kong đến Cairo, Ai Cập, rồi sau đó tìm mua vé đến Quito, Ecuador, nhưng bị các hãng bay chặn vì nghi ngờ họ có ý định nhập cư trái phép. Hai người sau đó trả 50.000 USD cho một “đại lý nhập cư” ở Phúc Kiến. Đại lý này biết chuyến bay nào cho phép hành khách Trung Quốc đến Nam Mỹ, Tan cho hay.

Thông qua các nền tảng mạng xã hội như Douyin, TikTok, YouTube, Telegram, dòng người di cư Trung Quốc tạo ra một “dòng sông thông tin” dọc Nam Mỹ, cập nhật tin tức, tình hình, hướng dẫn, mẹo di cư cho nhau.

Hành trình đến Mỹ của người Trung Quốc. Đồ họa: Nikkei
Các chặng trong hành trình di cư đến Mỹ của người Trung Quốc. Đồ họa: Nikkei

Ngoài lý do thu nhập, phúc lợi xã hội, người Trung Quốc còn đến Mỹ để tìm cơ hội giáo dục và khả năng “đổi đời” cao hơn, trong bối cảnh chi phí nuôi dạy trẻ ở Trung Quốc ngày càng đắt đỏ và khó khăn. Yu và Tan vượt biên để tìm việc làm, nhưng lập gia đình là lý do chính khiến họ đến Mỹ.

Đức Trung (VNE) | Theo Nikkei

Vi sao co nhan loai 2

Xem thêm:

Bắc Kinh nói Trung Quốc “an toàn nhất thế giới”, dù có 4 người Mỹ vừa bị đâm

4 “âm mưu” Trung Quốc “bám lấy” Hoa Kỳ

Thần đồng Anand tiên tri gì về vận mệnh thế giới năm 2024 và 2025?

 

 

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều