spot_img
18 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Nơi ở tốt không bằng lòng dạ tốt, phần mộ tốt không bằng tâm địa tốt

Người đời đều biết huyệt trong núi nhưng lại không biết huyệt trong tâm. Núi tốt, nước tốt, phong thủy tốt, nhưng nếu đức không xứng tầm thì phong thủy cũng vô ích.

Cổ nhân có câu: “Nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy”. Mệnh do trời định không thể thay đổi, vận do thời cuộc khó có thể cưỡng cầu, nhưng phong thủy lại là yếu tố con người có thể tác động được. Vậy nên không ít người đã tìm đến phong thủy, coi phong thủy là chìa khóa tụ phúc của nhân sinh.

tranh phong thuy
Thiện lương chính là phong thủy tốt nhất của đời người (Ảnh minh họa)

Nói về phong thủy, cổ nhân có rất nhiều luận thuật rất sâu sắc. Học giả Nghê Tư Phụ thời Nam Tống từng nói: “Nơi ở tốt không bằng lòng dạ tốt, phần mộ tốt không bằng tâm địa tốt”.

Cư sỹ Tiền Nhân Phu thời nhà Minh cũng có câu thơ rằng:

Vào núi chẳng phải chuyện hôn nhân
Bởi cầu phú quý giả ân cần
Tin rằng nhân gian phong thủy tốt
Chẳng ở núi non, ở trong tâm.

Người đời đều biết huyệt trong núi nhưng lại không biết huyệt trong tâm. Núi tốt, nước tốt, phong thủy tốt, nhưng nếu đức không xứng tầm thì phong thủy cũng vô ích. Cho dù cát huyệt có ở ngay trước mắt, nếu không phải người xứng tầm thì có tìm cũng chẳng thấy. Hai câu chuyện về phong thủy dưới đây là minh chứng cho câu nói ấy:

Cát huyệt trao cho người thiện lương

Trong những năm Gia Khánh thời Minh, ở vùng Hợp Châu có một hộ gia đình giàu có. Gia chủ vốn là người tin vào thuật phong thủy, thường hay tìm thầy tầm long điểm huyệt để con cháu đời sau mãi phát lộc phát tài.

Một ngày, nghe nói có vị thầy địa lý từ phương xa đến, gia chủ liền mời ông về nhà và nhờ ông tìm giúp một nơi cát huyệt. Thầy địa lý ở lại nhà phú hộ vài tháng. Những ngày đầu gia chủ luôn tiếp đón ân cần và khoản đãi ông hậu hĩnh, nhưng sau đó thấy ông mãi chưa tìm được nơi đất lành làm mộ huyệt, gia chủ dần dần trở nên khó chịu, thái độ lạnh nhạt, chỉ coi ông như vị khách hạ đẳng mà đối đãi.

Lúc ấy, trong nhà phú hộ có một cậu bé làm thuê. Cậu bé này là con trai tá điền, mới đến làm công cho nhà phú hộ, ngày thường vẫn hay làm các việc lặt vặt trong dinh thự. Mỗi buổi sáng cậu bé lại đến phòng của thầy địa lý chuẩn bị các vật dụng cho khách như khăn lau tay, chậu rửa mặt, bữa điểm tâm và trà. Cậu bé hồn nhiên vô tư, thái độ cung kính lễ phép, đối đãi với thầy địa lý như thượng khách, vậy nên một cách tự nhiên thầy địa lý cũng coi trọng và yêu mến cậu bé này.

Tìm nơi phong thủy đắc địa không phải là việc một đôi ngày, phải mất một thời gian thầy địa lý mới xác định được nơi cát huyệt như ý. Nhưng có điều gia chủ lại là kẻ bạc tình, làm việc gì cũng xuất phát từ tư lợi, hành sự bất nhân, không xứng có phúc phận sở hữu được mảnh đất lành này. Trong khi ấy con trai nhà tá điền lại hiền lành, lương thiện, trung hậu, thật thà. Thầy địa lý suy đi nghĩ lại và quyết định sẽ trao mảnh đất này cho cậu bé. Ông bèn cất công đi tìm hiểu và biết nhà cậu bé rất nghèo, cha mẹ cậu đều đã có tuổi và hiện đang sống trong túp lều tranh ngay cạnh mảnh đất cát tường ấy.

ntdvn phong thuy
(Tranh NTDVN)

Một ngày, nhân lúc gia chủ không có mặt ở đó, thầy địa lý bèn nói riêng với cậu bé làm thuê rằng: “Mai này khi mẫu thân qua đời, cháu hãy xin ông chủ một miếng đất nhỏ để an táng mẹ già. Miếng đất này nằm ở phía bên trái nhà cháu, chính là góc đất ngay cạnh vũng nước mà người ta vẫn thường dắt trâu bò ra tắm rửa. Miếng đất này không sinh ra bậc đại phú đại quý, nhưng lại có thể giúp con cháu phát tài phát lộc, kiếm được vạn kim tiền. Chuyện này ta chỉ nói riêng với cháu, cháu nhất định phải ghi nhớ kỹ, chớ nên tiết lộ ra bên ngoài”.

Thầy địa lý ở lại nhà phú hộ thêm vài ngày rồi tìm cớ cáo từ rời đi.

Khoảng một năm sau mẹ cậu bé qua đời. Cậu bé nhớ lời thầy địa lý, bèn đến xin ông chủ một miếng đất cằn để an táng mẫu thân. Lúc đầu ông chủ không đáp ứng, nhưng sau nhiều lời khẩn cầu, lại thấy đó chỉ chỗ đất trũng cho trâu tắm, không thể trồng trọt hay làm ăn được gì thì ông mới miễn cưỡng đồng ý. Cậu bé liền làm theo lời dặn dò của thầy địa lý, đào một huyệt mộ bên cạnh vũng nước và đặt quan tài vào đó, sau đó chất đất đá lên trên đắp thành ngôi mộ.

Vài năm sau, cậu bé xin nghỉ nhà phú hộ rồi ra ngoài buôn bán. Công việc kinh doanh của cậu vô cùng thuận lợi, vạn sự đều xuôi gió thuận buồm, hàng hóa cũng dần dần có mặt ở khắp nơi. Đến năm 20 tuổi cậu đã trở thành thương gia có tiếng, trong túi có vài ngàn lượng bạc, mua được hàng trăm mẫu ruộng, trở nên giàu có một phương. Con cháu đời sau của nhà tá điền đều bước vào kinh doanh và trở thành những ông chủ lớn, nhưng không có ai theo nghiệp khoa cử, dẫu có thì cũng chỉ thi đỗ tú tài, trở thành Nho sinh, chứ không thể thành tựu nghiệp bút nghiên. Sau này có nhà phong thủy đến xem phần mộ ở vị trí cát huyệt, phát hiện rằng đây chỉ là huyệt đất phát tài chứ không có vượng khí phát được đại phú quý. Điều ấy cũng đúng như lời thầy địa lý từng nói năm xưa.

Đất lành tìm chủ

Đến thời nhà Thanh, ở Huy Châu có một gia tộc họ Hoắc, gia chủ là một tiết phụ nổi tiếng hiền hậu, trung nghĩa. Nhiều năm sau khi chồng qua đời bà không màng đến chuyện tái hôn, vẫn quyết định ở góa nuôi con cả đời. Bà chỉ là người phụ nữ yếu đuối, thường hay bị hàng xóm ức hiếp, nhưng trước nay bà vẫn nhẫn nhịn chịu thiệt, không hề tranh đấu hơn thua với ai, cũng không ấm ức để oán thù trong lòng.

Lúc ấy trong vùng có một gã nhà giàu tên là Hồ Mỗ. Nhà họ Hồ dẫu lắm tiền nhiều của nhưng vẫn tham lam muốn chiếm lợi về mình, bản thân Hồ Mỗ cũng từng nghiên cứu thuật phong thủy, nhưng chỉ có tiếng mà không có thực tài.

Một ngày, Hồ Mỗ tình cờ đi qua một mảnh đất, thấy bên trong có huyệt đại cát y bèn tìm cách chiếm lấy mảnh đất. Hồ Mỗ hỏi thăm nhiều người và được biết đây là tư gia của tiết phụ nhà họ Hoắc, bèn đến yêu cầu Hoắc tiết phụ bán cho mình mảnh đất này.

Sau nhiều lần thuyết phục bất thành, nạt nộ cũng chẳng xong, Hồ Mỗ liền làm giả chứng từ mua bán rồi trình lên nha môn tố cáo rằng Hoắc gia đã nhận tiền nhưng lại nuốt lời không chịu giao đất. Hoắc tiết phụ biết mình oan uổng nhưng không thể cãi lý, chỉ đành chấp nhận “trả lại” mảnh đất này cho nhà họ Hồ. Bà nói: “Xin Hồ lão gia niệm tình xem xét, ngôi mộ của chồng tôi đang nằm trong khu đất ấy, đến nay vẫn chưa tìm được nơi nào khác an táng”.

Hồ Mỗ liền dùng vài mẫu đất cằn cỗi để hoán đổi. Tiết phụ nhà họ Hoắc không còn cách nào khác ngoài việc chọn ngày lành tháng tốt di chuyển mộ phần của chồng vào mảnh đất cằn cỗi đó.

Nhưng Hồ Mỗ không ngờ rằng nơi anh ta cho là huyệt đại cát kỳ thực lại không hề có long mạch, còn mảnh đất cằn cỗi mà anh ta đổi cho tiết phụ lại là huyệt linh. Trong vòng 20 năm sau khi chuyển mộ, cả con trai và cháu trai của Hoắc tiết phụ đều tham gia khoa cử và liên tiếp thi đỗ cử nhân, tiến sĩ.

Về phần Hồ Mỗ, từ ngày chôn cất người thân vào “đại cát huyệt” thì gia cảnh cứ ngày càng suy vong, gia phong dần dần lụn bại, con cháu không ai có thể ngẩng mặt cao đầu. Hồ Mỗ đã phí tận tâm cơ, tìm mọi cách chiếm hữu nơi cát địa, nhưng không chỉ hết thảy công sức đổ sông đổ biển mà ngược lại còn làm hại chính mình. Kết cục ấy lẽ nào chỉ là do tài năng yếu kém thôi sao?

(Nguồn tư liệu: “Kiên Hồ Tập”, “Sĩ Ẩn Trai Thiệp Bút”, “Bắc Đông Viên Bút Lục”).

Theo Thái Nguyên – Epoch Times, bản dịch NTDVN

BÀI CHỌN LỌC:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều