spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Phần thưởng 3 thanh socola và bài học sâu sắc hơn hình phạt!

Tân Thế Kỷ – Quả là một người mẹ thông thái! Biết rằng đứa trẻ đã phá vỡ chiếc bình và nói dối, nhưng cô đã sử dụng phương pháp đặc biệt của riêng mình để giáo dục con mà không cần dùng đến “roi vọt”…

Hôm nay, khi đang lướt qua một tạp chí, tôi chợt thấy câu chuyện “Phần thưởng sâu sắc hơn hình phạt”. Trước đây, tôi cũng đã từng đọc câu chuyện hấp dẫn này, nhưng hôm nay, khi đọc lại, nó vẫn khiến tôi suy ngẫm…

Chiếc bình vỡ và cách xử lý đáng khâm phục của người mẹ

Câu chuyện diễn ra trong một gia đình người Pháp bình thường. Một ngày nọ, sau giờ học, đứa trẻ chơi bóng rổ trong phòng khách. Đột nhiên, quả bóng rổ làm rơi một chiếc bình trên giá sách. “Choang!!!…”, chiếc bình rơi xuống sàn và vỡ thành các mảnh lớn. Đây không phải là một vật trang trí bình thường, mà là một cổ vật từ triều đại Bourbon (một hoàng tộc châu Âu có nguồn gốc từ Pháp).

Biet rang dua tre da pha vo chiec binh va noi doi nhung co da su dung phuong phap dac biet cua rieng minh. Anh Shutterstock
Biết rằng đứa trẻ đã phá vỡ chiếc bình và nói dối, nhưng cô đã sử dụng phương pháp đặc biệt của riêng mình. (Ảnh Shutterstock)

Đứa trẻ cuống quýt lấy keo dán các mảnh vỡ lại với nhau và đặt nó trở lại vị trí như cũ với sự sợ hãi.

Tối hôm đó, người mẹ nhận thấy có một sự “thay đổi” trên chiếc bình. Trong bữa tối, cô hỏi đứa trẻ: “Con có làm vỡ cái bình không?”

Đứa trẻ nhanh trí nói: “Một con mèo hoang nhảy vào từ cửa sổ và không thể thoát ra được. Nó nhảy lên nhảy xuống trong phòng khách và cuối cùng làm rơi chiếc bình trên kệ”.

Đứa trẻ nhanh trí nói: “Một con mèo hoang nhảy vào từ cửa sổ và không thể thoát ra được. Nó nhảy lên nhảy xuống trong phòng khách và cuối cùng làm rơi chiếc bình trên kệ”. – Ảnh minh họa. – Nguồn: xaydungso.vn

Người mẹ biết rất rõ rằng đứa trẻ đang nói dối, bởi mỗi ngày trước khi đi làm, cô đều cẩn thận đóng cửa sổ, khi tan tầm về nhà mới mở lại.

Người mẹ vẻ mặt không biến sắc, bình tĩnh nói: “À, mẹ đã sơ suất không đóng cửa sổ”.

Trước khi đi ngủ, đứa trẻ phát hiện có một miếng giấy ghi chú trên giường, là mẹ yêu cầu cậu bé đi đến phòng đọc sách.

Đứa trẻ đi xuống phòng đọc sách, nhưng ngập ngừng ngoài cửa, không dám đẩy cửa tiến vào. Người mẹ nhẹ nhàng cười nói: “Vào đi con trai”. Rồi cô lấy một cái hộp ra khỏi ngăn kéo, đưa một thanh sô-cô-la cho cậu bé: “Thanh sô-cô-la này là thưởng cho con. Vì con đã vận dụng trí tưởng tượng kỳ diệu của mình để tạo ra một câu chuyện ‘mèo nhảy qua cửa sổ mở’. Mai sau, con nhất định có thể viết tiểu thuyết trinh thám cực hay”.

Sau đó, cô đặt thanh sô-cô-la thứ hai vào tay đứa trẻ: “Thanh sô-cô-la này là thưởng cho con. Bởi vì con có khả năng sửa chữa vượt trội, mặc dù dùng keo, nhưng các vết nứt trên chiếc bình gần như được gắn kết hoàn hảo. Tuy nhiên, đây mới chỉ là vật phẩm sửa chữa. Đối với chiếc bình này, không chỉ đòi hỏi keo có độ bám dính tốt, mà còn cần có kỹ năng chuyên môn cao hơn. Ngày mai, chúng ta sẽ mang chiếc bình đến cho các nghệ nhân, để xem họ cách nào giúp nó trở về nguyên vẹn như ban đầu hay không”.

Người mẹ lại cầm thanh sô-cô-la thứ ba lên và nói: “Thanh sô-cô-la cuối cùng này là lời xin lỗi sâu sắc của mẹ. Là một người mẹ, mẹ không nên đặt chiếc bình ở nơi dễ rơi, đặc biệt là trong nhà có một cậu con trai yêu thể thao như con. Hy vọng con sẽ không đánh vỡ nó hoặc lo lắng khi chơi”. 

Đứa trẻ nghe xong những lời này, mắt ngấn nước, chỉ nghẹn ngào nói: “Mẹ ơi …”

Từ đó về sau, đứa trẻ không bao giờ dám nói dối nữa. Bất cứ khi nào cậu muốn nói dối, ba thanh sô-cô-la sẽ xuất hiện trước mặt cậu.

d5ec8ae952907dd6a0bafd58d8a1b707
Từ đó về sau, đứa trẻ không bao giờ dám nói dối nữa. Bất cứ khi nào cậu muốn nói dối, ba thanh sô-cô-la sẽ xuất hiện trước mặt cậu. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Pinterest.com

Quả là một người mẹ thông thái! Biết rằng đứa trẻ đã làm vỡ chiếc bình và nói dối, nhưng cô đã sử dụng phương pháp đặc biệt của riêng mình. Có vẻ như là phần thưởng, nhưng thực tế đã trừng phạt lỗi của đứa trẻ một cách nghiêm túc. Vừa nghiêm khắc nhưng cũng vừa bảo vệ lòng tự trọng của đứa trẻ.

Mỗi ‘hương vị’ của từng miếng sô-cô-la, mỗi câu nói đều chứa đựng những hiểu biết và nghệ thuật giáo dục độc đáo của người mẹ. Đặc biệt là thanh sô-cô-la thứ ba, cô đã dùng sự chân thành kiểm điểm sơ suất của chính bản thân mình để thưởng cho đứa trẻ. Điều này khiến cho đứa trẻ cảm nhận được tình yêu và lòng vị tha của người mẹ dành cho mình, từ đó càng thêm xấu hổ vì đã nói dối.

Người mẹ này, không chỉ thưởng cho con mình ba thanh sô-cô-la, cô đã cho đứa trẻ một bài học giáo dục đi suốt cuộc đời chúng, dạy con trên đường đời về sau hãy làm một con người trung thực.

Sau khi đọc câu chuyện, tôi đã suy nghĩ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu sự việc này xảy ra ở một đất nước khác? Cùng một điều tương tự, nếu bạn đối xử với nó bằng những thái độ khác nhau, bạn sẽ nhận được kết quả rất khác nhau, đôi khi thậm chí còn trái ngược.

Việc dạy dỗ con phải mang tính giáo dục

PGS.TS. Phạm Mạnh Hà cho rằng, tất cả những hành vi phạt liên quan đến quyền trẻ em, liên quan đến luật trẻ em là không được phép phạt. Ví dụ như đánh đòn gây tổn thương về mặt thể chất cũng như tâm lý là cần phải loại bỏ trong đầu cha mẹ.

Ngoài những hình thức phạt tác động vật lý lên cơ thể trẻ, hình phạt liên quan đến nhu cầu, sở thích của con… thì cha mẹ còn dùng những lời chửi mắng, nhục mạ, làm tổn thương về mặt tinh thần của con, làm hạ thấp lòng tự trọng của đứa trẻ.

f5d85a5c674c7da333685118dcfcfbdf
Làm thế nào để chọn đi theo hướng tốt, đó là cả một nghệ thuật và trí huệ. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Pinterest.com

Chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ không nên dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để dạy trẻ hành vi văn hóa. Bởi sẽ làm đứa trẻ thêm rối bời, ngang bướng và cục tính hơn. Thậm chí, đứa trẻ đó có thể trở thành đối tượng để đi làm tổn thương người khác sau này.

Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hà, việc dạy dỗ con phải mang tính giáo dục. Trước khi thực hiện hình phạt thì đứa trẻ phải hiểu tại sao chúng bị phạt và nặng nhẹ của lỗi đó tương xứng những hậu quả mà chúng sẽ phải gánh chịu ở hiện tại và tương lai. Hành vi phạt được gọi là tích cực, tức là hành vi phạt mang tính giáo dục. Có nghĩa khi chúng ta phạt đứa trẻ mà trẻ nhận ra lỗi lầm và biết thay đổi thì đó là biện pháp tích cực.

Cha mẹ cũng cần giải thích cho con những yếu tố nhân quả: con làm việc này thì ảnh hưởng đến chuyện gì, tại sao cha mẹ phạt con, nếu con điều chỉnh, thay đổi con sẽ nhận được những phần thưởng, món quà mà con thích thú… “Chúng ta phạt con dưới góc độ giáo dục trong tinh thần thực sự lành mạnh, khỏe khoắn thì sẽ làm cho đứa trẻ nhận ra những lỗi lầm để thay đổi”, PGS.TS. Phạm Mạnh Hà cho biết.

Làm thế nào để chọn đi theo hướng tốt, đó là cả một nghệ thuật và trí huệ. Và đó cũng là điều mà các bậc phụ huynh chúng ta cần phải suy xét cẩn thận!

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: NTDVN

Hanhtrinh140x72 2

VIDEO CHỌN LỌC:

Người Do Thái dạy con đọc sách để tẩy rửa tâm linh, người Việt chúng ta thì sao?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều