Như một thói quen linh thiêng và bền vững, mỗi năm Tết đến, dù đang ở đâu, làm gì… bất kỳ ai cũng cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Đó là thời điểm mọi người trong gia đình sum họp, quay quần bên nhau. Do không có sự khác biệt nhiều về văn hóa, nên những phong tục vào ngày Tết của người dân Đài Loan vừa độc đáo vừa có sự tương đồng gần giống với nước ta.
Tiễn ông Táo về trời
Vào ngày 24 tháng chạp, người dân Đài Loan làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời. Trên bàn thờ tiễn ông Táo có một số lễ vật là 3 món tam sinh, kẹo đậu phộng, kẹo mè đen, chè trôi nước… Người Đài Loan quan niệm rằng, khi mời ông Táo ăn kẹo, ăn chè thì ông sẽ chỉ nói những điều tốt của gia chủ cho Ngọc Hoàng và “ém nhẹm” chuyện xấu đi.
Trang hoàng nhà cửa
Sau khi cúng đưa ông Táo về trời, người Đài Loan bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Đầu tiên là lau bàn thờ tổ tiên rồi đến lau chùi và trang hoàng nhà cửa sao cho sạch sẽ và mang không khí Tết. Một số nhà dán liễn Tết trước cửa để cầu may mắn, bình an.i
Nghênh đón thần linh
Ngày 25 tháng chạp âm lịch, theo quan niệm truyền thống của Đài Loan, đây là thời gian Ngọc Hoàng Thượng Đế dẫn theo chư tiên xuống thăm trần gian nên người dân phải tỏ lòng thành kính cũng như không được phơi quần áo hay chửi mắng vào ngày này. Cũng giống như Việt Nam, vào ngày này, người dân sẽ đến các chùa để viếng thăm và dâng hương cầu bình an.
Đêm trừ tịch, ngồi gần bếp lò chúc mừng đoàn viên
Trừ tịch, còn được gọi tên là đêm ba mươi, là khoảng thời gian trước nửa đêm, thời khắc giao thừa giữa năm mới và năm cũ. Trừ tịch là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ. Trừ tịch (除夕) với “trừ” nghĩa là thay đổi, hoán đổi và “tịch” là đêm, “trừ tịch” nghĩa là “đêm của sự thay đổi””đêm của thời khắc giao thời”. Ngay từ chiều ba mươi mọi người đã chuẩn bị đồ cúng lễ tổ tiên, gọi là “Từ niên”.
Ảnh: Freepik.
Đêm trừ tịch cả gia đình quây quần đoàn tụ, cùng ăn cơm tất niên. Một trong những phong tục của người Đài Loan là ăn “rau trường thọ” (Người dân ở vùng Trung Bộ và Bắc Bộ ăn rau cải bẹ to để cả cây và nấu, vùng Nam Bộ ăn rau cải chân vịt). Theo quan niệm của người dân đảo ngọc này, ăn một miếng rau cải vào đêm trừ tịch để cầu mong tuổi thọ được kéo dài.
Người dân Đài Loan còn có tục lệ ăn sủi cảo vào đêm trừ tịch. Viên sủi cảo có hình tròn, người nào ăn được viên sủi cảo có giấu đồng tiền ở bên trong cả năm tới sẽ may mắn, hưng thịnh. Hẹ trắng để nguyên cọng nấu tượng trưng cho sự lâu dài; cá tượng trưng cho sự dư dả trong suốt năm, không được ăn hết nguyên con; củ cải trắng tượng trưng cho khởi đầu may mắn; cá viên, thịt viên tượng trưng cho sự đoàn tụ; bánh tổ tượng trưng cho sự thăng tiến; gà nguyên con.
Trước khi tới giao thừa, mọi người đều phải tắm giặt sạch sẽ, giặt quần áo và sấy khô, không nên để quần áo ướt qua đêm.
Các ngôi miếu và đền thờ đêm giao thừa đều sẽ đóng cửa, khi tới 12h đêm, khi chuông đồng hồ điểm đủ 12 tiếng, các tín đồ sùng đạo sẽ tới lễ bái, cầu xin may mắn. Nếu ai xin được chân hương trong miếu, sẽ gặp may mắn thuận lợi vào năm tới..
Mùng một đầu năm – Khai xuân cát tường
Khi chuông đồng hồ điểm bắt đầu thời khắc năm mới, người dân Đài Loan xưa có phong tục đốt pháo để xua đuổi tà ma, thú giữ. Cũng giống người Việt, vào thời khắc đầu xuân, người dân dâng cúng tổ tiên chè trôi nước để cầu mong năm tới mọi việc sẽ được viên mãn, toại nguyện.
Mặc quần áo mới, mang giày mới biểu hiện vạn sự vạn vật cũng sẽ theo năm mới mà thay đổi. Còn có truyền thuyết mặc quần áo lót màu đỏ vào ngày đầu năm thì cả năm sẽ gặp may mắn.
Người dân Đài Loan cũng có phong tục tới chùa, đền cầu phúc vào ngày mùng một đầu năm. Đồng thời còn chú ý nên xuất hành hướng nào để đón tài lộc, may mắn. Để cầu chúc cả năm được may mắn, bình an, hương nến cần thắp cả ngày.
Ảnh: Freepik.
Theo truyền thống thì vào ngày mùng 1 Tết, mọi người sẽ diện trang phục truyền thống hoặc quần áo mới để đi thăm họ hàng, bạn bè thân thiết và biếu quà Tết phổ biến như: trái cây, bánh quy, socola, rượu vang… Ngoài ra người dân Đài Loan còn có phong tục ăn hạt dưa, vì tượng trưng “đông con đông cháu”. Ăn mứt sen, vì hạt sen mang ý nghĩa “liên tiếp sinh quý tử”. Tránh ăn cháo vì quan niệm khi nghèo khó, bần hàn mới phải ăn cháo. Ăn cháo vào mùng một đầu năm, cả năm cuộc sống sẽ khốn khó, vất vả.
Người dân Đài Loan cũng kiêng vẩy rượu và đổ rác vào ngày mùng một đầu năm. Theo quan niệm dân gian, làm như vậy sẽ đổ toàn bộ phúc khí và tài vận ra khỏi nhà. Nếu bắt buộc phải quét, cần ghi nhớ quét từ ngoài vào trong.
Ngoài ra, vào ngày đầu năm cố gắng không động tới dao, kéo, kim khâu bởi khi sơ xuất có thể dẫn tới những việc không may mắn như cắt rách, hỏng hóc… Làm như vậy cũng có thể cắt đứt con đường tài vận.
Mùng một đập vỡ chén bát, cốc đĩa nghĩa là cả năm sẽ không may. Cách khắc phục lúc này là dùng giấy màu đỏ gói đồ bị vỡ lại, miệng niệm những câu mang tới sự cát tường may mắn như “tháng thàng bình an”… và để đằng sau bàn thờ thần linh nhiều ngày thì có thể hóa giải tai nạn.
Người dân Đài Loan cổ xưa quan niệm không thể ngủ trưa vào ngày đầu năm mới. Nếu đàn ông ngủ trưa ruộng đồng sẽ bị lở, sập, nữ giới ngủ, bếp lò sẽ bị sập đổ. Không nên đánh, mắng, chửi người khác và khóc vào ngày mùng một, vì đó đều là điềm báo một năm không may mắn.
Tránh nói những từ ngữ không may mắn, không được sát sinh vào ngày mùng một. Nguyên nhân bởi sát sinh sẽ dẫn tới có máu, đây là dấu hiệu không may mắn, dẫn tới họa binh đao…
Con gái xuất giá không được về nhà mẹ vào ngày mùng một. Theo quan niệm của người Đài Loan xưa sẽ khiến nhà mẹ đẻ không may mắn, tan hoang.
Mùng hai tết – Lại mặt là vui
Mùng hai tết là ngày con gái và con rể về nhà mẹ vợ, gọi là “Hồi môn” ý nghĩa là lại mặt. Ban đầu, anh chị em trong gia đình nhà vợ cần ra tiếp đón, và chuẩn bị phong bao lì xì.
Khi về nhà vợ không thể về tay không, cần mang lễ vật và là số chẵn, số lẻ là xui xẻo.
Cúng bái thổ địa, gia tiên để cầu mong một năm mới bình an.
Mùng ba tết – Chuột kết hôn
Trong dân gian ở Đài Loan, tương truyền tối mồng ba tháng giêng hoàng lịch là ngày tốt “chuột lấy vợ”, sẽ nghe được tiếng chuột kêu chít chít. Để không phá đám chuyện tốt này, tối hôm đó mọi người sẽ cố gắng tắt đèn đi ngủ sớm, ở nhà bếp hoặc những góc chuột thường đi lại trong nhà, rắc lên ít muối gạo, bánh tẻ để chúc mừng niềm vui tân hôn của chuột và năm mới mùa màng bội thu, hi vọng mối quan hệ với chuột hòa hiếu, mong chuột ít phá hoại trong năm đó. Một số thứ như vậy gọi là “trang sức bằng gạo” hoặc “chuột chia tiền”.
Câu chuyện “Chuột lấy vợ” lưu truyền trong dân gian kể rằng: Từ xa xưa đã lâu lắm rồi, có đôi vợ chồng chuột sinh được một cô con gái. Lớn lên, cô trở thành một người vừa xinh đẹp, tài giỏi nên họ muốn tìm cho con một người chồng vĩ đại nhất thế giới. Đầu tiên, họ thấy mặt trời chiếu sáng khắp vạn vật, nên cho rằng đây là người vĩ đại nhất. Tuy nhiên mặt trời nói với họ mây mới là người vĩ đại nhất, vì khi mây đen kéo tời, mặt trời sẽ không thể sáng nữa. Họ đi tìm mây nhưng tương tự mây nói với họ, khi gió thổi tới mình phải chạy đi. Gió là người vĩ đại nhất. Họ tìm gặp gió và nhận được câu trả lời, tường vĩ đại hơn mình vì có thể ngăn cản mình. Để vẹn cả đôi đường tường trả lời họ: Chuột mới là người vĩ đại nhất, vì chuột có thể đục khoét thân mình. Hốt hoảng nhận ra điều này, vợ chồng chuột tổ chức kén rể bằng tú cầu và tìm được một chàng rể ưng ý vào đúng ngày mùng ba tết. Sợ phá đám chuyện tốt của nhà chuột, nên mỗi khi đến ngày này mọi người dân Đài Loan quan niệm có thể ngủ sớm dậy muộn.
Mùng bốn tết – Đón thần bếp
Theo phong tục dân gian Đài Loan, đây là ngày đón ông táo trở về nhân gian. Sau khi lên thiên đình báo cáo chuyện trong năm của các gia đình, ông Táo trở về nhân gian vì vậy mọi người cần ở nhà, chuẩn bị hoa quả, lễ vật cúng thần bếp, thắp hương, thắp nến đốt pháo để chào mừng.
Mùng năm tết- Bái thần tài, khai trương hồng phát
Đây được gọi là ngày “Phá ngũ”. Theo quan niệm của người dân Đài Loan xưa, những điều cấm kỵ từ ngày mùng một đầu năm tới ngày này có thể phá vỡ, vì vậy cũng gọi là “Sơ ngũ cách khai”.
Ngày nay rác bẩn trong nhà quan niệm trở thành “khí nghèo”. Cần quét dọn, bỏ ra khỏi nhà để “đuổi sự nghèo khó ra khỏi cửa”.
Theo quan niệm, đây cũng được gọi là ngày “Ngũ mang nhật” nghĩa là cấm không được động thổ nếu không sẽ có xảy ra tai họa.
Người dân Đài Loan quan niệm, đây là ngày sinh nhật của Ngũ lộc thần tài. Những thương nhân buôn bán cần bày các cúng phẩm bên đường, thắp hương bái thần tài, để cầu mong “Đại phát lộc tài”, đồng thời chính thức khai trương.
Theo Vision Times
Bảo Hân (ĐKN) biên dịch