Tân Thế Kỷ – Vào cuối ngày thứ Tư (26/7), Quân đội Niger tuyên bố lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Bazoum và áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.
Đại tá Amadou Abdramane, ngồi cạnh 9 sĩ quan khác đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước Niger vào đêm 26/7 (theo giờ địa phương) và tuyên bố: “Chúng tôi, lực lượng quốc phòng và an ninh, đã quyết định chấm dứt chế độ của Tổng thống Mohamed Bazoum”. Ông cáo buộc chính quyền dân sự quản lý yếu kém và khiến tình hình an ninh ngày một xấu đi.
Ông Abdramane cho biết quân đội đã đóng cửa biên giới Niger, tuyên bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và thông báo tất cả các cơ quan nhà nước sẽ tạm ngưng hoạt động.
Quân đội cũng cảnh báo sẽ chống lại mọi sự can thiệp từ nước ngoài, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ tôn trọng sự an toàn của tổng thống Bazoum.
Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin Tổng thống Niger Bazoum đã bị đội cận vệ của mình quản thúc trong dinh thự. Sau khi các cuộc đàm phán thất bại, đội cận vệ đã “từ chối thả tổng thống”. Vì vậy “Quân đội đã đưa ra tối hậu thư cho họ” – theo CBS News.
Bộ trưởng Nội vụ Niger – ông Hamadou Souley cũng bị lực lượng cận vệ bắt giữ vào sáng 26/7 (giờ địa phương) và đang bị giữ tại dinh tổng thống cùng với Tổng thống Bazoum.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói chuyện với tổng thống Bazoum hôm thứ Tư, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của ông dành cho tổng thống Niger.
Trong cuộc gọi, ông Blinken “nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sát cánh với người dân Niger và các đối tác khu vực cũng như quốc tế trong việc lên án nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực và đảo ngược trật tự hiến pháp” – Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cũng lưu ý rằng Niger là một “đối tác quan trọng” của Hoa Kỳ, ông lên án bất kỳ sự cản trở nào đối với hoạt động của chính phủ được bầu cử dân chủ tại Niger.
Sự kiện này đánh dấu cuộc đảo chính thứ bảy xảy ra ở khu vực Tây và Trung Phi kể từ năm 2020.
Niger – một quốc gia nghèo ở Tây Phi, từng là thuộc địa của Pháp và hiện là một đồng minh chủ chốt của Liên minh châu Âu trong cuộc chiến chống di cư bất hợp pháp từ các nước châu Phi gần Sahara.
Cuộc đảo chính gần nhất ở Niger xảy ra vào tháng 2/2010, khiến tổng thống khi đó là Mamadou Tandja bị lật đổ. Tổng thống Bazoum, 64 tuổi, được bầu năm 2021 và là đồng minh thân cận của Pháp.
Cuộc bầu cử của tổng thống Bazoum là cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên sau 4 cuộc đảo chính quân sự kể từ khi Niger giành độc lập khỏi Pháp vào năm 1960.
Pháp đã chuyển quân đến Niger từ Mali vào năm ngoái, sau khi quan hệ với chính quyền lâm thời ở đó trở nên xấu đi. Pháp cũng đã rút các lực lượng đặc biệt khỏi Burkina Faso trong bối cảnh căng thẳng tương tự.
Niger hiện đang vật lộn với hai chiến dịch của phiến quân Hồi giáo ở khu vực tây nam và đông nam, liên quan tới các lực lượng cực đoan ở nước láng giềng Mali và Nigeria.
Hoa Kỳ cho biết họ đã chi khoảng 500 triệu USD kể từ năm 2012 để giúp Niger tăng cường an ninh. Hồi tháng 4, Đức tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh quân sự kéo dài 3 năm của châu Âu nhằm cải thiện quân đội nước này.
Tổng thống Bazoum là hy vọng duy nhất của phương Tây ở khu vực Sahel. Pháp, Mỹ và EU đã dành phần lớn nguồn lực của họ trong khu vực để hỗ trợ Niger và các lực lượng an ninh của nước này” – Ulf Laessing, người đứng đầu chương trình Sahel cho tổ chức tư vấn Konrad-Adenauer-Stiftung của Đức cho biết.
Ông cũng cho biết thêm rằng – một cuộc đảo chính tại Niger có thể sẽ tạo cơ hội cho Nga và các chủ thể khác mở rộng ảnh hưởng của họ ở nước này.
Hoàng Dung (t/h)
Xem Thêm:
Đại diện Trung Quốc và Nga dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*