Rối loạn tâm lý ngày càng tăng là điều đáng lo ngại của những nạn nhân sống sót sau vụ động đất Thổ Nhĩ Kỳ. Các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến ở thành phố Iskenderun, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang điều trị cho số lượng bệnh nhân mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và các triệu chứng hoảng loạn ngày càng tăng.
Thiếu tá quân đội Ấn Độ Beena Tiwari nói: “Ban đầu họ là những người bị thương dưới đống đổ nát… bây giờ họ là bệnh nhân với chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), sau tất cả những cú sốc mà họ đã trải qua trong trận động đất và những gì họ đã thấy.”
Rất nhiều người bị rối loạn căng thẳng (PTSD) và họ đã đến trong hoảng loạn
Tính đến sáng thứ Tư, tổng số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá 41.000 người. Trận động đất và dư chấn đã phá hủy toàn bộ thành phố ở cả hai quốc gia, khiến những người sống sót trở thành vô gia cư trong cái lạnh buốt giá, nhiều người phải vật lộn để tìm nơi trú ẩn và điều kiện vệ sinh cơ bản.
Mức độ của những người sống sót sau chấn thương đã trải qua là rất lớn. Một số người đã được kéo ra khỏi đống đổ nát sau nhiều giờ trong bóng tối và lạnh giá để phát hiện ra các thành viên trong gia đình đã chết hoặc mất tích. Những khu phố sầm uất nơi họ sinh sống chỉ còn là những đống bê tông đổ nát.
Thiếu tá quân đội Ấn Độ, Beena Tiwari là thành viên của nhóm gần 100 chuyên gia đến từ Ấn Độ đã thành lập bệnh viện dã chiến để điều trị cho những người sống sót sau trận động đất. Đây được xem một trong những trận động đất tồi tệ nhất trong 100 năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.
“Sơ cứu rối loạn tâm lý”
Chứng PTSD được gây ra bởi các sự kiện rất căng thẳng, đáng sợ hoặc đau khổ, và những người mắc PTSD có thể hồi tưởng lại sự kiện đau buồn thông qua những cơn ác mộng . Họ có thể khó ngủ và khó tập trung.
Một quan chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Mọi người đến bây giờ mới bắt đầu nhận ra điều gì đã xảy ra với họ ..”
Bên kia biên giới ở Syria, một trung tâm tạm thời do UNICEF điều hành đã “sơ cứu tâm lý” cho trẻ em. Chúng được khuyến khích chúng vui chơi và cảm thấy an toàn.
Hassan Moath, cha của một cậu bé đang ở tại nơi trú ẩn là Ahmad, 9 tuổi cho biết, khi có bất kỳ tiếng nói hay chuyển động lớn nào, thằng bé đều sợ hãi. Đôi khi khi nó đang ngủ, nó thức dậy và hét “động đất”.
Bệnh truyền nhiễm
Không chỉ chứng rối loạn tâm lý, Phía bệnh viện Iskenderun Yaduvir Singh cho biết họ cũng đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm và nhiễm trùng đường hô hấp. Với hàng nghìn người sống trong lều trong nhiệt độ đóng băng thì đây thực sự là mối đe dọa lớn.
Theo thông tin từ bệnh viện, ban đầu họ gặp rất nhiều trường hợp chấn thương, những người bị chôn vùi trong đống đổ nát thời gian dài 72 giờ, 90 giờ…Có những người phải bị cắt cụt chi mới có thể cứu sống.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra lời kêu gọi trị giá 43 triệu đô la để cung cấp dịch vụ chăm sóc và phục hồi chấn thương kèm các loại thuốc thiết yếu, hỗ trợ tinh thần và chăm sóc những rối loạn tâm lý cũng như các dịch vụ y tế thông thường ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Giám đốc WHO ở Châu Âu, Hans Kluge cho biết:”Nhu cầu là rất lớn, tăng lên từng giờ. Khoảng 26 triệu người trên cả hai quốc gia cần hỗ trợ nhân đạo”.
Ông nói thêm: “Chỉ hơn một tuần kể từ thảm kịch khủng khiếp này, ngày càng có nhiều lo ngại về các vấn đề sức khỏe mới nổi liên quan đến thời tiết lạnh, vệ sinh môi trường và sự lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm”.