(Tân Thế Kỷ) Một trong những chủ đề gây tranh cãi và và được dư luận quan tâm nhất trong những tháng qua chính là việc sách giáo khoa tăng giá gấp 3-4 lần cùng hiện tượng “bia kèm lạc” (bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu hướng dẫn) khiến giá tăng lại thêm tăng.
Theo Dân Trí, nội dung này được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, liên quan kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, đến nay, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung sách giáo khoa cơ bản đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Báo cáo cho thấy từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam phát hành.
Dù vậy, giá sách giáo khoa vẫn là vấn đề gây băn khoăn. Đoàn giám sát cho biết giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn 2-4 lần so với bộ sách cũ.
Theo TTO, đối với Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000 đồng/cuốn.
Trong khi đó, bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn.
Các bộ sách giáo khoa lớp 2 mới có giá 179.000-186.000 đồng/bộ, khoảng 18.000 đồng/cuốn, trong khi bộ cũ có giá 53.000 đồng.
Bộ sách lớp 3 có giá 177.000 – 183.000 đồng, trong khi bộ hiện hành giá 58.000 đồng.
Bộ sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn 80.000 đồng. Sách lớp 10 giá 246.000-301.000 đồng một bộ tùy tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 – 140.000 đồng. Các mức này chưa bao gồm sách tiếng Anh.
Việc này theo đoàn giám sát đã gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách.
Mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.
“Dù có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần”, theo nhận định của Đoàn giám sát.
Công tác giám sát cũng chỉ ra tình trạng “bia kèm lạc” khi bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách. Bên cạnh đó, tình trạng sách lậu, SGK giả diễn ra phức tạp.
Một vấn đề quan trọng khác, theo Đoàn giám sát, chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.
Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.
Năm học 2022-2023, chiết khấu với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Chiết khấu ‘có tác động đáng kể’ đến giá sách giáo khoa
Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ gửi đoàn giám sát cho hay theo văn bản kê khai của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu theo chương trình mới kê khai năm 2020 cụ thể: 23% cho sách giáo khoa lớp 1, 2 và lớp 6; 22,5% cho sách giáo khoa lớp 3, 7 và lớp 10; 21% cho lớp 4, 8 và lớp 11. Báo cáo đánh giá “mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá sách giáo khoa”. |
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
“Không học thêm, cô không nhớ tên, dù giỏi đến mấy con cũng chỉ được 5 điểm”
Đắk Lắk: dừng việc kiểm tra cặp sách, lục soát người học sinh
Vụ học sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp: Điều chuyển cô giáo
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*