Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, một phần do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao dẫn tới số lượng đơn hàng lao dốc, theo Zing
Theo dữ liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 2, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và cao hơn 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng tính chung 2 tháng đầu năm, IIP đã giảm 6,3% so với cùng kỳ do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường.
Lạm phát ở các nước trên thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Số lượng đơn hàng lao dốc, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, cũng giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất của ngành khai khoáng trong tháng vừa qua đã giảm 3,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,1%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Tương tự, ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), làm giảm 5,3 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.
Trước đó, trong tháng 1, IIP đã sụt giảm 14,6% so với tháng trước và thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là Tết Nguyên đán diễn ra trong tháng 1 nên số ngày làm việc ít hơn.
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong tháng 12/2022 để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, số lượng và quy mô đơn đặt hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng thấp và có thể suy thoái.
Tại các doanh nghiệp công nghiệp, số lao động trong tháng 2 đã tăng nhẹ 0,5% so với tháng 1, nhưng vẫn giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 2, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18,5% so với tháng trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng giai đoạn, toàn thị trường ghi nhận 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 73,9% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, đã có 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 89,1% so với tháng trước nhưng tăng 9,7% so với cùng kỳ, Ngoài ra, cũng có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 61,5% so với tháng 1 nhưng tăng 37,5% so với cùng kỳ; 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 42,7% so với tháng trước..
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 481.800 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay đã tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2019 – trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 933.000 lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,804 triệu lượt, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Kỳ vọng đơn hàng khởi sắc từ giữa năm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp ngành dệt may đã khởi động các dây chuyền, tái sản xuất đơn hàng.
Hiện nay, do ảnh hưởng giảm nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU… nên đơn hàng của các doanh nghiệp đang suy giảm. Cụ thể, trong quý 1 này, chỉ khoảng 60% doanh nghiệp tại TP.HCM có đơn hàng, còn 30% doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải giảm giờ làm, không tăng ca để giãn công việc, duy trì lao động. Ông Hồng cho hay ngành dệt may hy vọng sẽ tăng trưởng về đơn hàng vào quý 2. Đến giữa năm trở đi, tình hình sẽ ổn định trở lại bởi nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại ở hầu hết thị trường.
Còn ông Phạm Văn Việt, tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, cho biết trong quý 1 này, tình hình đơn hàng vẫn chưa khả quan, đơn hàng vẫn cầm chừng, khả năng từ quý 2 trở đi mới khởi sắc hơn. Tuy vậy, ông Việt kỳ vọng từ quý 3 trở đi, khi tình hình kinh tế thế giới bớt khó khăn, nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng, dệt may sẽ nhỉnh hơn, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành dệt may tăng sản xuất.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp ngành cơ khí cho biết hiện đơn hàng trong quý 1 vẫn chưa khả quan, doanh nghiệp vẫn sản xuất cầm chừng để duy trì người lao động. Theo vị này, bên cạnh kỳ vọng nền kinh tế đi lên để thúc đẩy nhu cầu mua sắm, doanh nghiệp cũng phải mở rộng thị trường, tìm kiếm những đơn hàng mới, thậm chí những đơn hàng nhỏ lẻ để có thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Nghi Vân (t/h)