Ngày 10/3, cơ quan chức năng bang California đã đóng cửa Ngân hàng Silicon Valley sau khi tổ chức này báo thua lỗ 1,8 tỉ USD và khách hàng ồ ạt rút tiền.
Động thái trên đã khiến thị trường toàn cầu rối loạn. Đây được xem là sự sụp đổ lớn thứ hai và lớn nhất của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ và lớn nhất kể từ năm 2008.
Theo Hãng tin Reuters, các cơ quan quản lý ngân hàng California quyết định đóng cửa SVB và chỉ định Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) làm bên quản lý tài sản sau này tại SVB. Nguyên nhân là bảo hiểm tiền gửi của FDIC chỉ dành cho khách hàng sử dụng hàng ngày và gửi tối đa 250.000 USD. Trong khi đó, khách hàng của Silicon Valley Bank chủ yếu là các startup. Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD tại đây để điều hành công ty và trả lương nhân viên.
FDIC cho biết sẽ bán tài sản của SVB và các khoản thanh toán cổ tức trong tương lai có thể được chuyển cho người gửi tiền không được bảo hiểm.
Cổ phiếu SVB Financial Group vì thế giảm 60% phiên 9/3 và bị ngừng giao dịch sau đó. Các nỗ lực huy động vốn của SVB cũng thất bại. Ngân hàng này phải chuyển hướng sang bán tài sản. Tuy nhiên, việc tiền gửi bị rút ra ồ ạt đã khiến quá trình bán thêm phức tạp. Họ sau đó phải từ bỏ nỗ lực tìm người mua.
“Tình trạng của SVB xuống cấp nhanh đến mức không thể kéo dài thêm vài giờ nữa”, CEO Better Markets Dennis M. Kelleher nhận xét, “Nguyên nhân là những người gửi tiền rút ra quá nhanh, khiến nhà băng mất thanh khoản. Việc đóng cửa ngay trong ngày là không thể tránh khỏi”.
Văn phòng chính và tất cả chi nhánh của ngân hàng này sẽ mở lại vào ngày 13/3. Tất cả người gửi tiền được bảo hiểm sẽ được tiếp cận tiền gửi của mình muộn nhất là sáng thứ Hai tuần sau. Tính đến cuối năm 2022, nhà băng này có 175 tỷ USD tiền gửi. Trong đó, chưa đầy 15% là được bảo hiểm, theo số liệu công bố mới nhất của Silicon Valley Bank.
Cuối tuần qua, FDIC đã gấp rút tìm một ngân hàng khác sẵn sàng sáp nhập với SVB, theo nguồn tin của Reuters.
Mặc dù FDIC hy vọng có thể thực hiện vụ sáp nhập vào đầu tuần sau để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo đảm nhưng đến nay chưa có gì là chắc chắn.
SVB là một trong những ngân hàng tập trung vào các hãng công nghệ khởi nghiệp ở khu vực phía bắc California. Vụ việc làm rúng động cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực.
Làn sóng chấn động cũng lan khắp giới ngân hàng. Theo ước tính của Reuters, các ngân hàng ở Mỹ đã mất 100 tỉ USD giá trị thị trường, còn các ngân hàng châu Âu thiệt hại 50 tỉ USD trong 2 ngày qua.
Giới phân tích lo ngại vụ việc có thể dẫn đến cuộc “tắm máu” khi các ngân hàng khác bị đẩy vào khó khăn, nhất là các ngân hàng nhỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khi gặp các cơ quan quản lý ngân hàng ngày 10-3 đã bày tỏ “hoàn toàn tin tưởng” vào khả năng chống chịu của các ngân hàng.
Nghi Vân (t/h)