Tân Thế Kỷ – Liên quan đến nguyên nhân sạt lở ở Sóc Sơn, phía Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết trên địa bàn huyện Sóc Sơn từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều điểm san gạt và xây dựng trái phép, Tuy nhiên thông tin từ phía lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn lại cho rằng không có tình trạng trên.
Chi cục Kiểm lâm: đã xảy ra nhiều vụ san gạt đất rừng
Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về tình hình san gạt và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại huyện Sóc Sơn năm 2023.
Theo nội dung báo cáo, 8 tháng đầu năm 2023, huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ vi phạm; trong đó 36 vụ vi phạm về xây dựng trên đất lâm nghiệp trái phép; 21 vụ san gạt trái phép trên đất lâm nghiệp và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết hầu hết các vụ vi phạm xảy ra trên đất trống, không có hành vi chặt cây, khai thác cây rừng, do vậy Hạt kiểm lâm số 4 đã phối hợp với UBND các xã tiến hành lập biên bản yêu cầu dừng việc san gạt, xây dựng trái phép và báo cáo UBND huyện Sóc Sơn và các xã để xử lý theo thẩm quyền.
Chính quyền địa phương: Không có san gạt?
Theo tin TTO đưa, dù phía kiểm lâm nói xảy ra nhiều vụ san gạt đất rừng, tuy nhiên trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về khu vực đồi Dõng Chum và trên địa bàn xã Minh Phú xuất hiện nhiều điểm có dấu hiệu san gạt đất lâm nghiệp, một vị lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn lại phủ nhận điều này.
Trả lời các phóng viên, một vị lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn giải thích rằng: “San gạt đấy chắc là chúng tôi san cái đường phòng cháy trên cùng, có hai cái máy xúc đang xử lý”
Và khi các phóng viên hỏi thêm rằng: “Ngoài nơi hai chiếc máy xúc đang xử lý sự cố, thì có rất nhiều bãi đất trống trơ sỏi đá, có dấu hiệu san gạt, xếp thành các tầng nấc từ cao xuống thấp; là do người dân tự ý san hay chính quyền san gạt, xử lý?”.
Thì vị lãnh đạo địa phương tiếp tục khẳng định từ đầu năm 2022 đã nghiêm cấm, không có trường hợp nào san gạt trên khu vực đất rừng phòng hộ.
Tồn tại báo cáo về việc khai thác đất và xây dựng công trình trái phép
Trước đó, vào tháng 3/2023, Sở Nông nhiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản gửi UBND huyện Sóc Sơn về việc đề nghị xử lý việc khai thác đất, san gạt xây dựng công trình trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp.
Sở này cho biết qua báo cáo của Chi cục Kiểm lâm TP, tại huyện Sóc Sơn có nhiều hành vi khai thác đất, san gạt, xây công trình trái phép trên đất quy hoạch rừng. Vì vậy đề nghị huyện Sóc Sơn chỉ đạo các xã xử lý nghiêm việc trên và thông báo về sở quá trình xử lý để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
Đến tháng4/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục có văn bản đề nghị huyện Sóc Sơn xử lý các trường hợp múc đất, san gạt và xây sai phép trên đất rừng.
Theo ghi nhận của các phóng viên TTO thì tại thời điểm tháng 8/2023, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có rất nhiều điểm có dấu hiệu san gạt trên đất rừng phòng hộ.
Báo chí trong nước cũng đưa tin tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, ghi nhận hàng loạt khu nghỉ dưỡng, homestay được xây dựng kiên cố. Con đường bê tông dài khoảng 300m (nơi hàng loạt ô tô đỗ sau đó bị đất đá vùi lấp) là con đường được người dân tự ý xây dựng để làm lối đi cho một ngôi nhà xây trên đất rừng trên đồi Dõng Chum (núi Hàm Lợn).
Nhìn từ trên cao, khu vực trên hiện có hàng loạt điểm có dấu hiệu bị san gạt, xếp thành tầng cao hạ dần xuống thấp, lộ ra nhiều mảng đất đỏ trơ trọi, không còn cây cối.
Cách hồ Ban Tiện khoảng 2km, tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) cũng phát hiện nhiều homestay mọc lên trên đất rừng hoặc ngay sát lòng hồ. Nhiều nơi có dấu hiệu san gạt lòng hồ để xây các địa điểm nghỉ dưỡng.
Hoàng Nam tổng hợp.
Cận cảnh những dinh thự, homestay “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*