Tân Thế Kỷ – Bắt đầu từ tháng 9/2023, TP. HCM sẽ thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường. Một phần lòng đường, vỉa hè ở những vị trí đủ điều kiện tại TP.HCM sẽ được cho thuê làm điểm giữ xe, kinh doanh, tổ chức hoạt động văn hóa…
Quyết định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn được UBND TP.HCM ký ngày 26/7, thay thế các nội dung cũ thuộc Quyết định số 74 đã áp dụng suốt 15 năm qua.
Theo đó, những tuyến đường được cho thuê phải đảm bảo điều kiện có tối thiểu 1,5 m bề rộng cho người đi bộ và hai làn ôtô cho một chiều đi. Quá trình kinh doanh, giữ xe hoặc các hoạt động khác phải đảm bảo trật tự, an toàn; không chắn ngang các nơi đường giao nhau, trước cổng và phạm vi 5 m hai bên trụ sở cơ quan, tổ chức.
Quyết định mới này chưa nêu mức phí cụ thể cho các trường hợp sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Hiện tại Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng, báo cáo UBND thành phố trước khi trình HĐND quyết định.
Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, mức phí dự kiến áp dụng theo 5 khu vực, dựa trên giá đất bình quân. Trong đó:
Mức phí thuê lòng đường và vỉa hè mỗi mét vuông để giữ xe là 50.000-350.000 đồng một tháng.
Giá thuê 20.000-100.000 đồng mỗi mét vuông cho hoạt động khác.
Dự kiến mỗi năm nguồn thu phí dùng tạm lòng đường, vỉa hè khoảng 1.522 tỷ đồng, được nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Việc thu và đóng phí được thực hiện theo các quy định về Luật phí và Lệ phí.
Một số ý kiến ủng hộ cho thuê vỉa hè với mức 20.000-350.000 đồng mỗi m2 để có kinh phí chỉnh trang đô thị, song số khác lo ngại việc này sẽ hợp thức hóa việc lấn chiếm.
Theo thống kê, TP. HCM đang có hơn 4.800 tuyến đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó có gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Tình trạng mua bán, họp chợ tự phát trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị.
Quyết định mới về quản lý lòng đường, hè phố nhằm sắp xếp lại trật tự vỉa hè, lòng đường cũng như đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc triển khai cũng được yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như số hoá dữ liệu; xây dựng các phần mềm cấp phép, thu phí; làm các thủ tục online để giảm thủ công…
Ngoài kế hoạch chung của thành phố, trước đó một số quận huyện đã tổ chức, sắp xếp cho sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Trong đó, ở khu trung tâm, quận 3 thí điểm các hoạt động kinh doanh, mua bán, bãi giữ xe có thu phí trên một số tuyến như Nguyễn Thượng Hiền, Lý Thải Tổ, Lê Quý Đôn, Trương Định, Lý Chính Thắng…
Trước đó, quyết định 74 được ban hành từ năm 2008 cũng cho phép một số trường sử dụng tạm lòng đường, hè phố có thu phí nhưng chưa cụ thể, trong khi hầu hết hoạt động đều phải được cấp giấy phép. Ngoài ra, quyết định này cũng chỉ yêu cầu chừa lại ít nhất một mét cho người đi bộ, thay vì 1,5 m.
Tuy nhiên việc thu phí vỉa hè và lòng đường cũng vấp nhiều sự lo ngại
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, cán bộ mặt trận phường 17, quận Bình Thạnh, cho biết trước khi dự hội nghị đã tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, người dân có mặt tiền đường và buôn bán hàng rong.
80% người được hỏi trả lời chưa nên triển khai cho thuê vỉa hè, lòng đường. Bởi hè phố và lòng đường bị chiếm dụng sẽ ảnh hưởng lớn đi lại của người dân. Điều này đi ngược với công tác quản lý và Luật Giao thông đường bộ.
Bà Sáu dẫn chứng Luật Giao thông đường bộ quy định vỉa hè, lòng đường chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. Nếu đặt vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường và hè phố vô hình trung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở đây, tức hợp thức hóa việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
“Điều này vừa ảnh hưởng đến việc di chuyển, vừa làm mất mỹ quan. Việc thông qua đề án này nên rà soát tính toán kỹ lưỡng hơn”, bà Sáu cũng nói thêm rằng việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cần được tính toán, bám sát thực tế và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Bà Bùi Diệu Tâm, cán bộ mặt trận phường Bến Nghé, quận 1, cho biết qua khảo sát có đến 92% các hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để xe máy trên vỉa hè. Các cửa hàng chiếm bề ngang mặt đường một mét, sau đó dựng thêm 1-2 hàng xe máy, người đi bộ không còn lối đi.
“Khi không thu phí đã vậy, khi họ đã trả tiền cho chính quyền rồi thì người dân sẽ không còn lối để đi”, bà Tâm nói.
Hoàng Nam tổng hợp.
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*