Tân Thế Kỷ – Những ngày qua, mạng xã hội đăng tải câu chuyện về hành động đẹp của một tài xế khi anh cố gắng cứu hành khách của mình. Đang lái xe, anh bất ngờ lên cơn đột quỵ nhưng anh đã cố tấp xe vào lề, bảo vệ an toàn cho tất cả hành khách trên xe.
Hành động “chạm đến trái tim”
Tài xế đó là anh Sơn Tùng (33 tuổi, ngụ P.10, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng), gắn bó với việc chạy xe khách hãng Phương Trang hơn 8 năm nay.
Anh Thạch Hồng Thái (21 tuổi), tiếp viên đi cùng chuyến xe với anh Tùng hôm đó, kể lại: Ngày 7.8, trên hành trình từ Bến xe miền Tây về Sóc Trăng. Khi đến địa phận Tiền Giang, anh Tùng vẫn nói cười vui vẻ. Khi xe di chuyển đến địa phận Vĩnh Long, thấy nhức đầu hoài không giảm và mệt nhiều nên anh Tùng lập tức tấp xe vào lề đường để hành khách an toàn. Chỉ trong vòng 1 phút sau đó, cả người anh đơ cứng, đầu gục xuống bên vô lăng nhưng anh vẫn ráng gượng tắt kèn hơi để đảm bảo an toàn cho hành khách.
“Khi xe đến H.Tam Bình (Vĩnh Long), anh Tùng nói sao cứ nhức đầu hoài không giảm. Tới lúc đó ảnh (anh Tùng – PV) mới biểu hiện mệt. Ảnh thấy không ổn nên mới cho xe vào lề để hành khách an toàn. Khi đó, sức khỏe ảnh xấu đi. Em mới hỏi là anh ổn không để em điện về điều hành xin giúp đỡ (cứu ban). Ảnh mới kêu em là điện về đi. Em mới xuống xe điện trong vòng chỉ 1 phút thôi là anh có biểu hiện đơ lưỡi và hàm nói chuyện không được nữa và tay chân hầu như không còn cử động được. Đầu gục lên kèn hơi nhưng anh vẫn cố với tay để tắt kèn hơi để đảm bảo an toàn cho hành khách trên xe khi đó“, anh Thái kể lại.
Khi đó, hành khách trên chuyến xe cũng hỗ trợ đón xe cấp cứu và cùng với tiếp viên đưa anh Tùng đến trạm xá để cấp cứu. Sau đó, anh được chuyển thẳng lên Bệnh viện đa khoa Trung Ương Cần Thơ điều trị. Tuy nhiên, tối cùng ngày, anh qua đời trong sự tiếc thương của đồng nghiệp, gia đình.
Anh tài xế hiền lành, ai cũng yêu mến
Chị Sơn Thị Thanh Tâm (30 tuổi), em anh Tùng, cho biết vào đêm gặp nạn, tuy bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng anh không qua khỏi. Khi đưa ra xe về nhà thì anh qua đời trong vòng tay của gia đình.
“Tuy kịp giờ vàng nhưng do xuất huyết nặng và ngay vị trí không thể phẫu thuật can thiệp. Nghĩ rằng còn nước còn tát, gia đình cố gắng hết sức để cứu chữa, nhưng đến tối 8.8 thì anh qua đời“, chị Tâm nói.
Chị Tâm kể, gia đình chị có 2 anh em, cha mẹ đều làm nông. Anh Tùng tính tình hiền lành và ít nói. Anh luôn quan tâm đến việc học của chị.
Lúc trước, anh Tùng đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, anh học lái xe và xin vào làm ở hãng xe Phương Trang. Vì lo làm kiếm tiền phụ giúp gia đình nên anh chưa nghĩ đến việc cưới vợ. Công việc bận bịu, tối mịt anh mới về và thường gọi mẹ chờ cửa. Thú vui của anh mỗi khi rảnh rỗi là cùng bạn bè đi đá bóng, ném bi sắt, uống cà phê và phụ cha mẹ việc đồng áng.
Bà Trần Thị Kim Dương (58 tuổi), mẹ anh Tùng cho biết, tuy bề ngoài anh ít nói nhưng đi làm về đến nhà là một tiếng gọi mẹ, hai tiếng cũng gọi mẹ, rồi kiếm mẹ nói chuyện hỏi han.
“Nó chơi với anh em ai cũng quý mến. Ai có khó khăn nó cũng giúp đỡ hết mình. Hôm trước khi gặp nạn, nó cũng gọi kêu tôi đợi cửa như mỗi ngày. Không ngờ, đó cũng là lần cuối tôi được nghe giọng của con. Lần này đi nó không về nữa“, bà Dương uất nghẹn.
Anh Tùng sống có tình, có nghĩa với bạn bè và hàng xóm nên khi qua đời, hàng trăm đồng nghiệp, bạn bè đến tiễn đưa. Nhiều đồng nghiệp túc trực mấy ngày liền bên linh cữu anh để ôn lại kỷ niệm về chàng tài xế hiền lành mà họ hết mực yêu quý.
“Ngày đưa nó đi hỏa táng, phía công ty cũng mong muốn đưa linh cữu nó đi một vòng quốc lộ và đi qua nơi làm việc tại bến xe khách Sóc Trăng để tiễn đưa. Ai cũng yêu quý nó nên ở nơi chín suối chắc nó cũng thấy vui lắm“, bà Dương nói.
Ngồi thất thần bên di ảnh anh Tùng, chị Thúy Thơm (32 tuổi), đồng nghiệp cùng làm ở hãng xe khách Phương Trang ở Sóc Trăng, rơm rớm nước mắt kể lại, chị và anh Tùng không chỉ là đồng nghiệp thân thiết còn coi nhau như anh em ruột.
Chị Thơm kể, anh Tùng vào làm việc tại hãng xe Phương Trang ở bến xe Sóc Trăng từ năm 2015. Không chỉ hăng hái trong công việc, anh còn được lòng đồng nghiệp bởi tính tình dễ mến, luôn giúp đỡ những đồng nghiệp mới vào làm việc.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Tùng nhận nhiệm vụ ở lại TP.HCM để hỗ trợ người dân cùng những đồng nghiệp khác. Dù nhiễm Covid-19, lại sống xa gia đình nhưng anh vẫn tiếp tục ở lại hỗ trợ đến khi đẩy lùi dịch bệnh.
Anh Lê Minh Nhựt cho biết, anh là khách trên chuyến xe đó và chứng kiến hành động giữ an toàn cho hành khách của tài xế đang thập tử nhất sinh. Anh cũng lên Fanpage của hãng xe Phương Trang để xin địa chỉ đến viếng.
Kết
Câu chuyện xúc động về tài xế này còn khiến ta thêm thấm thía một câu nói quen thuộc: “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười”.
Anh chẳng phải siêu nhân đâu, cũng bình thường như bao con người khác. Phút nguy nan, tử thần đang kế cận, ai cũng sẽ hoang mang trong nỗi niềm sợ hãi. Nhưng anh vẫn cố gắng để quên đi và nghĩ đến tính mạng của 32 hành khách đàng sau. Những người cũng có gia đình, cuộc đời riêng của mình.
Tài xế là một nghề vất vả, đôi khi chịu nhiều định kiến không tốt từ người khác, khi phải nay đây mai đó. Nhưng có lẽ sau câu chuyện của anh Tùng, nhiều người sẽ ngậm ngùi nghĩ lại. Ai cũng có thể làm người tốt, nghề nào cũng có người rất lương thiện. Xã hội rất cần những con người có trách nhiệm như anh Tùng.
Làm việc thiện không ở đâu xa, không cần ai chứng kiến hay công nhận. Đôi khi chính những hành động nhỏ hàng ngày là minh chứng rõ ràng nhất. Trong tâm luôn nghĩ đến người khác, bạn sẽ làm được.
Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Thanh Niên
Nhặt được 30 chiếc iPhone 14 trong thùng rác, hai chị em lập tức làm điều này
Trót tông phải chú gà con, cậu bé lấy hết tiền tiết kiệm vào viện cầu cứu
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực