spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Lòng nuôi tâm đố kị, mất mát nhiều hơn được

(Tân Thế Kỷ) – Hiện nay, có những người khuyến khích giới trẻ rằng hãy hình thành thói quen so sánh bản thân với người khác và “biết cách” ganh tị, cạnh tranh. Họ cho rằng sự ganh tị có mặt tốt, khi thấy người khác đạt được điều gì đó tốt hơn thì cần suy nghĩ tìm cách cố gắng vượt qua họ, như vậy vừa chứng tỏ được bản thân tài năng, vừa thu được lợi ích thực tế.

Các biểu hiện của sự đố kỵ

Lí thuyết này nghe có vẻ rất hợp lí cho nên đã lừa dối được rất nhiều người. Chúng ta hãy cùng ngẫm nghĩ một chút về sự ganh tị, đố kị và hậu quả của nó là gì nhé.

Đánh mất sự bình an

Tâm đố kị tuy có thể khiến cho người ta có động lực, nhưng đồng thời với việc họ không ngừng cố gắng, thì tâm của họ cũng không thể yên tĩnh lại được. Bởi vì xuất phát điểm của những cố gắng này là do không muốn thua kém người khác, nên người mang tâm đố kị thường xuyên hướng ánh mắt mình vào “đối tượng” để so sánh, tính toán, bận rộn liên tục như thế khiến tâm trí của họ cũng rất mệt mỏi.

Ảnh minh họa: Mindfullness
Người mang tâm đố kị thường xuyên hướng ánh mắt mình vào “đối tượng” để so sánh, tính toán, bận rộn liên tục như thế khiến tâm trí của họ cũng rất mệt mỏi. (Ảnh minh họa)

Trong truyền thống học tập và tu dưỡng đạo đức, con người không ngừng phát triển bản thân để nâng cao chính mình và giúp ích cho người khác. Đó là chí nguyện cũng là niềm vui của họ. Tuy nhiên, những người đố kị lại nỗ lực vì muốn thể hiện bản thân, vì cầu danh lợi thể diện, cũng như vì hạ thấp người khác. Do đó, họ sẽ không thấy được niềm vui khi bản thân thăng hoa, mà chỉ thấy niềm vui “chiến thắng”. Có điều, chiến thắng ấy cũng không thể lâu dài, bởi xuất phát điểm không ngay chính nên chỉ có thể khiến họ có động lực trong ngắn hạn. Họ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của việc đuổi theo người khác, nên tâm trạng của họ không thể bình an.

Nhiều người trong chúng ta từng nghe câu chuyện thi tài đánh xe của Triệu Tương Tử và Vương Vu Kỳ. Triệu Tương Tử vốn học đánh xe với Vương Vu Kỳ. Khi học xong, trước lúc về nhà, hai người tỉ thí công phu đánh xe với nhau.

Lần tỉ thí thứ nhất Triệu Tương Tử thua, bèn nói: “Không đúng không đúng, là do ngựa của ta không tốt.” Thấy thế Vương Vu Kỳ đổi ngựa cho Triệu Tương Tử rồi tiếp tục tỉ thí. Lần tỉ thí thứ hai Triệu Tương Tử lại thua, Triệu nói: “Không đúng không đúng, là do xe của ta cũng không tốt.” Vương Vu Kỳ thấy thế bèn đổi xe ngựa với Triệu. Lần tỉ thí thứ ba Triệu Tương Tử đánh xe ngựa của Vương Vu Kỳ, Vương Vu Kỳ đánh xe của Triệu Tương Tử, kết quả Triệu vẫn thua. Lần này Triệu Tương Tử lại viện lý do: “Là do huynh không dạy hết kỹ thuật cho ta, nếu không sao lần này xe của ta tốt hơn nhưng ta vẫn thua huynh?”.

Triệu hoài nghi Vương Vu Kỳ giấu nghề cho riêng mình. Vương nói: “Kỹ thuật thì ta đã chỉ dạy hết cho huynh rồi. Khi đánh xe thì ngựa phải liền với xe, dùng tâm điều khiển ngựa. Nhưng còn huynh, khi bị tụt lại phía sau ta thì cứ muốn vượt qua ta, khi hơn ta rồi lại e ta sẽ thắng huynh. Huynh đánh xe ngựa nhưng tâm huynh chỉ đặt ở nơi ta, thì làm sao có thể đạt được tiến tốc trí viễn (đi được nhanh, tiến được xa)?”

Triệu Tương Tử là một người có tâm đố kị điển hình, hoàn toàn trái ngược với tinh thần quân tử trong truyền thống. Khi thua kém, anh ta không tự xét bản thân mà chỉ nhìn vào người khác, cố gắng đổ lỗi cho người khác và tìm cách chiếm đoạt lấy thứ của người khác. Khi được một chút thành tích so với người kia thì Triệu vui mừng hả hê, khi cảm thấy người ta hơn mình thì lại nổi giận không kiềm chế được. Người như vậy, luôn căng thẳng tìm cách bao biện và tính toán vượt qua người khác, thì làm sao có thể tìm thấy niềm vui cho chính mình được.

Ngay cả các cô gái thời xưa cũng được dạy rằng không nên đố kị. Sách Nữ Nhi Kinh có viết: “Nhà người giàu, chớ ngưỡng mộ. Ghen tật đố, tổn hại tâm. Chăm việc nhà, yên vui sống”. Ghen tật đố là một cách nói chỉ sự đố kị. Người xưa rất sáng suốt khi chỉ ra rằng, việc nhìn vào cái mà người khác đang có để rồi ghen tị với họ sẽ chỉ làm tổn hại tâm của chính mình. Thay vào đó, hãy tìm niềm vui và sự bình an cho bản thân trong khi chuyên tâm làm tốt việc của mình.

Đánh mất dần đạo đức hoặc dẫn đến ân hận vĩnh viễn

Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Thân Công Báo đối xử với Khương Tử Nha cũng với một tâm thế cực kì đố kị. Khi Khương Tử Nha được giao trách nhiệm phong Thần, thay vì vui mừng cho huynh đệ có thể tạo lập chiến công, thì trong lòng Thân Công Báo lại có sự đố kị rất mạnh mẽ.

Anh ta tìm mọi cách để làm hại người đồng môn của mình và hại đến những người tu luyện khác, thậm chí lừa dối cả sư phụ đã dạy dỗ mình, để rồi cuối cùng chôn thân nơi mắt biển Bắc Hải.

TV Show - Nguyên nhân sâu xa khiến Thân Công Báo cãi mệnh, phò Thương diệt Chu (Hình 2).
Thân Công Báo có tâm đố kị mạnh mẽ với Khương Tử Nha, ngày càng lún sâu vào tội lỗi, cuối cùng phải chôn thân nơi biển Bắc Hải (Ảnh. nhân vật Thân Công Báo trong phim Phong Thần)

Là một người tu luyện có rất nhiều thần thông, chẳng lẽ anh ta không lường trước được hậu quả sao? Nhưng tác hại của tâm đố kị quá ghê gớm, đã che mờ tâm trí và khiến Thân Công Báo mỗi ngày lại dấn sâu thêm vào tội lỗi. Từ câu chuyện này, chúng ta thấy rằng không thể mất cảnh giác và để cho tư tưởng tự do quá mức, bởi vì dần dần những thứ xấu sẽ thay thế những điều tốt đẹp trong tâm, và chúng có thể quay lại khống chế chính chúng ta. Ngay cả một người tài giỏi như Thân Công Báo, vì phóng túng tư tưởng và hành vi của mình rồi cuối cùng không thể kiểm soát được nữa và tự hại chính mình, đây là dẫn chứng rất rõ ràng.

Quá trình đánh mất đạo đức có thể xảy đến rất nhanh chóng, và hậu quả có thể vô cùng nặng nề, không có cách nào vãn hồi được. Điển hình là câu chuyện về Bạch Thái Quan thời Ung Chính. Ông ta được mệnh danh là một trong “Giang Nam bát hiệp”. Sau khi nổi danh, do xa gia đình nhiều năm, ông luôn coi bốn biển là nhà. Một năm nọ, ông trở về quê. Vì xa quê đã lâu nên không biết đường, ông bèn hỏi một đứa trẻ bên đường đang luyện công, đứa bé trong sáng chỉ đường cho ông.

Ông định thần lại, giật mình toát mồ hôi lạnh, khi thấy lòng bàn tay đứa trẻ tới đâu thì phát gió đến đó, ánh quang phát ra tứ phương.

Bạch Thái Quan chợt nghĩ: “Lúc nhỏ mà công lực đã kinh người thế này, khi lớn lên đứa trẻ này nhất định sẽ vượt qua mình”.

Vì vậy, do tâm tật đố mãnh liệt thôi thúc, ông ta ra một chưởng giết chết đứa bé.

Đứa trẻ trước khi chết chỉ nói một câu, Bạch Thái Quan cảm thấy như sét đánh, hối hận đã quá muộn. Đứa trẻ nói: “Cha tôi Bạch Thái Quan nhất định sẽ tìm ông báo thù”.

Thậm chí người đọc cũng có thể cảm thấy lạnh người khi nghe câu nói cuối cùng của đứa trẻ. Quá trình diễn biến tâm lí của Bạch Thái Quan rất nhanh, và ông ta không chú ý điều chỉnh tâm thái sai lệch, mà lại để cho sự đố kị dẫn dắt, dẫn đến hậu quả là ông ta đã giết chết con trai của chính mình. Đây là điều sẽ khiến ông ta phải cắn rứt trong suốt quãng đời còn lại, cũng là bài học sâu sắc cho người đời sau về việc chú ý đến từng ý nghĩ trong tư tưởng, nếu không thì hành vi sẽ theo đó mà bại hoại và hậu quả là không thể vãn hồi.

Lời kết

Trong văn hoá truyền thống, thánh nhân vẫn luôn đề cao sự thiện lương, biết yêu thương người khác và nghiêm khắc tự tu dưỡng bản thân. Tuy rằng xã hội có hiện đại đến đâu, thì đây cũng vẫn là những giá trị cốt lõi giữ cho quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp và duy trì một xã hội ổn định, hoà bình.

Tâm đố kị lại dẫn dắt người ta thù hận, tìm cách triệt hạ người khác và tự tôn vinh bản thân một cách thái quá, từ đó đẩy con người vào chỗ phạm tội và băng hoại đạo đức. Vậy nên có người ví đố kị giống như thuốc độc. Từ văn hoá cổ xưa được cho là do Thần truyền lại, chúng ta có thể nhìn vào để  tìm được con đường ngay chính cho riêng mình, để mình có thể tốt lên mỗi ngày trong sự bình an và không làm tổn hại đến bất kì ai khác.

Hồng Ngọc 

Hanhtrinh140x72 1

Xem thêm:

Lòng đố kị như hòn than nóng, ném vào người khác nhưng chính mình bị thương

Vì sao lại nói “Khó nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”?

Phụ nữ “tòng phu” tốt sẽ giữ yên gia đạo và luôn hạnh phúc

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều