spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Phụ nữ “tòng phu” tốt sẽ giữ yên gia đạo và luôn hạnh phúc

(Tân Thế Kỷ) – “Tòng phu” không phải là tựa một bài hát, mà là chủ đề mà rất nhiều bạn gái chuẩn bị xuất giá đắn đo: “Lấy chồng rồi có phải “tòng phu” không? Liệu tôi có thể sống vui vẻ, hòa hợp với chồng trong khi vẫn giữ sự tự do và không lệ thuộc vào ông xã hay không?”.

Người xưa có câu “xuất giá tòng phu”. Vậy “tòng phu” có ý nghĩa chân thật là gì? Có đáng để lo lắng như những gì chị em thời hiện đại đã đọc, học và hiểu hay không?

“Tòng phu” là gì? 

Trong văn hóa truyền thống, “tòng phu” là chỉ người phụ nữ sau khi kết hôn sẽ trở thành người vợ có thể hỗ trợ chồng, giúp chồng phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc dạy dỗ con cái, thờ cúng tổ tiên, quán xuyến mọi việc trong nhà… để người chồng yên tâm thực hiện tốt vai trò “trượng phu” của mình.

Đàn ông xây nhà, đừng quên cùng đàn bà xây tổ ấm - Ảnh 1.
Có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Phụ nữ “tòng phu” sẽ giữ được gia đạo yên ấm, giúp người chồng yên tâm làm tốt vai trò của mình (Ảnh minh họa)

Dù người chồng ấy có là dân thường áo vải, hay là quan lớn, thậm chí là vua chúa, thì vẫn cần một người vợ chuyên tâm làm hậu phương vững chãi bên mình. Vị thế của người chồng trong xã hội càng cao thì yêu cầu đối với người vợ cũng cao tương ứng. Vợ của những vị quan lớn trong các gia đình quý tộc thậm chí cần biết cách dạy con đạo làm quan để sau này kế nghiệp cha ông, hoặc giúp chồng trong việc chăm lo đời sống nhân dân.

Vợ của Khích Khuyết thời Xuân Thu chăm sóc chồng rất chu toàn, với cách cư xử phù hợp lễ nghĩa, mặc dù lúc đó Khích Khuyết chỉ là một nông dân đang làm việc ngoài đồng. Bà mang cơm cho chồng, hai tay nâng mâm cơm lên để mời ông. Hành động này gọi là “cử án tề mi” – nâng khay ngang lông mày thể hiện lòng tôn trọng đối với người khác. Chắc hẳn những người làm chồng đều mong vợ mình đối xử với mình bằng tình yêu thương và sự tôn trọng như vậy. Đối với người vợ hiền đến thế, có ai nỡ nặng lời hoặc quên đi ân nghĩa vợ chồng chứ?

Nước Liêu cũng có người tên Da Luật Nô, cưới được con gái của công chúa. Sau này anh ta bị hãm hại, phải đi lưu đày, tuy nhiên vợ anh vẫn không vì vậy mà rời bỏ anh. Cô ấy chấp nhận đi theo chồng mình đến nơi lưu đày, hàng ngày làm những công việc vất vả nhưng không oán than, lại vẫn đối xử tốt với chồng mình như trước. Đây là hình mẫu người phụ nữ “tòng phu” cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Trong gia đình thì cô thuận theo chồng để hành xử; khi anh sa cơ thất thế cô cũng sẵn lòng đi theo anh. Cưới được người vợ như thế này quả là may mắn.

“Tòng phu” không chỉ là tốt với chồng

“Tòng phu” không chỉ là giúp chồng, dạy con mà còn là chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chồng, đối xử tốt với anh em nhà chồng, hoà thuận với gia đình chồng. Gia đình hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào người vợ.

Cha mẹ chồng có công lao sinh thành dưỡng dục chồng của mình, đương nhiên cần phải kính trọng. Việc chăm sóc tốt cho cha mẹ chồng sẽ giúp chồng an lòng, giúp gia đạo thuận hoà và con cái biết hiếu thảo, cảm ân, nên các cô con dâu thường cố gắng làm tròn bổn phận này.

Nàng dâu thế này mẹ chồng nào chẳng mê! - Ảnh 1.
Việc chăm sóc tốt cho cha mẹ chồng sẽ giúp chồng an lòng, giúp gia đạo thuận hoà và con cái biết hiếu thảo, cảm ân, nên các cô con dâu thường cố gắng làm tròn bổn phận này.

Vậy đối với những người thân khác của chồng thì sao?

Lý Văn Canh – một vị quan thời nhà Thanh đã từng nói rằng: “Huynh đệ với nhau tại sao không thể hòa thuận, phần nhiều là có liên quan đến phụ nữ. Do người vợ ở giữa gây chia rẽ, mới khiến huynh đệ bất hòa. Tuy rằng phụ nữ rất hay dùng lời nói làm ảnh hưởng đến người chồng, gây mất cảm tình giữa huynh đệ; nhưng giữa huynh đệ không thể vì chọn lấy vợ mình mà không màng gì đến tình anh em ruột thịt.”

Lời này của ông không phải là không có căn cứ. Từ xưa đến nay, những người vợ gây sóng gió trong gia đình không phải hiếm. Ở Trung Quốc có vợ Ngưu Hồng, thấy em trai chồng say rượu lấy cung tên bắn chết con bò, liền chạy ngay đi báo với chồng rằng: “Em trai tướng công không hiểu sao hôm nay lại cả gan bắn chết con bò kéo xe của tướng công”. Khi thấy chồng mình tỏ ra không quan tâm, bà lại nhắc lại chuyện ấy thêm lần nữa. Đến khi Ngưu Hồng khẳng định với vợ là mình đã nghe rõ rồi, thì bà mới dừng lại. Việt Nam nước ta chẳng phải cũng có câu chuyện Ăn khế trả vàng, hay rất nhiều chuyện kể về việc anh em trong nhà không nhìn mặt nhau vì lời dèm pha của người vợ đó sao?

Bà Ban Chiêu đã khuyên các con gái, cháu gái của mình trong cuốn Nữ Giới, rằng: “Phụ nữ có được tình yêu của chồng là do được cha mẹ chồng yêu thương. Cha mẹ chồng yêu thương là do được em trai, em gái của chồng yêu mến.”

anh em, hoà thuận, anh em hoà thuận
Sống hòa thuận với anh chị em gia đình chồng (Ảnh minh họa)

“Chị dâu và em chồng vốn không cùng quan hệ huyết thống, nhưng tôn ti địa vị hơn kém nhau. Từ hai gia đình khác nhau trở thành người chung một nhà. Lúc ban đầu ân tình chưa thể sâu đậm, nhưng vì đạo nghĩa mà chung sống thân ái với nhau. Nếu là người phụ nữ hiền thục, khiêm tốn thì có thể y theo đạo nghĩa mà xây dựng quan hệ tốt với các em của chồng, khiến họ trở thành sự trợ giúp cho chính mình về sau, khiến đức hạnh của chính mình mỗi ngày được nêu ra, còn lỗi lầm của chính mình đều được che giấu, được cha mẹ chồng khen ngợi, chồng cũng sẽ ngợi khen, tiếng tốt lan xa khắp xóm làng, cha mẹ ruột cũng vì đó mà nở mày nở mặt. Còn như những phụ nữ ngu si, cậy mình làm chị dâu, kiêu căng tự đại với em trai chồng, ỷ vào sự sủng ái của chồng mà lên mặt với em gái chồng. Đôi bên hễ có tâm ngạo mạn thì sao còn có thể hòa thuận được chứ? Người cùng một nhà đã không còn ân nghĩa thì sao còn có tiếng tốt để được ngợi khen? Như thế nết tốt của mình sẽ ngày ngày bị vùi lấp, còn lỗi lầm sẽ dần dần bị nêu ra, cha mẹ chồng tức giận, chồng cũng phẫn nộ. Lời chê bai hủy báng sẽ lan khắp trong ngoài, chính mình chuốc lấy sự hổ thẹn. Ở lại nhà của chồng thì khiến cho cha mẹ mình xấu hổ, mà trở về nhà mẹ ruột thì sẽ làm lụy cho chồng. Mối quan hệ với các em của chồng là cái gốc của sự vinh nhục, là căn bản của danh thơm, tiếng xấu, há không thể không cẩn thận được ư?”

“Tòng phu” – Bí quyết của người phụ nữ hạnh phúc

Một khi đã có gia đình, mong nguyện của một người phụ nữ là được chồng yêu thương, có những đứa con ngoan ngoãn hiếu thảo, gia đình đầm ấm và hạnh phúc.

Nếu như người phụ nữ không đủ sự tháo vát và tận tâm trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy các con thì người chồng không thể yên tâm làm công việc của một người đàn ông. Dù cho người chồng làm nghề nghiệp gì, nếu ngôi nhà không phải là tổ ấm để trở về, thì anh ấy cũng không vững vàng chăm lo cho sự nghiệp của mình và trở thành một trụ cột vững chắc của gia đình được, càng không thể nói đến việc khiến gia đình trở nên thịnh vượng.

Nếu như người phụ nữ không thể yêu thương người thân của chồng thì những người thân đó sẽ không thể hoà hợp với cô, chồng cô cũng không vui vẻ, trong lòng hai người đã có khoảng cách rồi. Nghiêm trọng hơn là những đứa con nhìn thấy cảnh ấy sẽ không hạnh phúc, cũng không học được cách yêu thương và bao dung với người khác. Khi lớn lên, thành gia lập thất, những đứa trẻ ấy làm sao biết cách xây dựng một gia đình yên ấm? Cha mẹ là tấm gương của con cái, mỗi việc cha mẹ làm giống như hạt giống gieo vào tâm hồn các con. Nếu muốn con mình trở thành người hạnh phúc, bản thân mình cũng phải hạnh phúc và biết cách đem hạnh phúc đến cho người khác.

Tiêu đề ảnh Be a Good Wife Step 10
“tòng phu” không phải là chịu thiệt thòi, mà thực ra là làm những gì một người phụ nữ nên làm để trở thành một người vợ hiền, một người mẹ tốt, một người con dâu hiếu thảo, khiêm nhường và hoà ái. (Ảnh minh họa)

Vì thế, “tòng phu” không phải là chịu thiệt thòi, mà thực ra là làm những gì một người phụ nữ nên làm để trở thành một người vợ hiền, một người mẹ tốt, một người con dâu hiếu thảo, khiêm nhường và hoà ái. Những đặc điểm nữ tính trong tính cách và vai trò của một người phụ nữ là do Trời sinh ra, nếu cố tình thay đổi thì chỉ tạo nên rạn nứt và khoảng trống; nếu có thể hoàn thiện mỗi ngày để khiến bản thân ngày càng phù hợp với quy luật tạo hoá thì họ sẽ trở thành những người phụ nữ hạnh phúc nhất. Khi đó hoàn cảnh xung quanh cũng sẽ trở nên tốt hơn, mọi người cũng sẽ tôn trọng và yêu thương họ hơn.

Sách Nữ Giới cũng có câu: “Dùng Lễ để hộ vệ chính mình, kính và thuận là hành vi chuẩn tắc quan trọng nhất của phụ nữ, cũng là sự bảo vệ lớn nhất của phụ nữ”.

Bạn nghĩ sao về điều này?

Hồng Ngọc 

Hanhtrinh140x72 6

VIDEO CHỌN LỌC

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều