Vào ngày này 46 năm về trước, một thảm kịch chết chóc nhất lịch sử hàng không thế giới đã xảy ra chỉ vì một sai lầm tai hại. Điều “giật mình” là vụ tai nạn máy bay làm gần 600 người chết này gắn với con số 7, như loại máy bay Boeing 747, hay ngày tai nạn là 27/3/1977.
Thảm họa sân bay Tenerife Norte xảy ra vào ngày 27/3/1977, một thảm kịch khủng khiếp tại sân bay Los Rodeos (nay là sân bay Tenerife Norte) trên hòn đảo Tenerife của Tây Ban Nha, khi hai máy bay chở khách đâm vào nhau và nổ tung trên đường băng.
Trước khi vụ tai nạn máy bay xảy ra, sân bay Gran Canaria gần đó đã bị đánh bom khủng bố khiến nhiều máy bay bay đến đây phải chuyển hướng sang sân bay Los Rodeos, Trong số đó có chuyến bay 4805 của KLM (Hà Lan) và chuyến bay 1736 của Pan Am (Mỹ) – hai chiếc máy bay trong vụ tai nạn. Hai máy bay này đều là Boeing 747.
Vì sức chứa sân bay Los Rodeos có hạn, các kiểm soát viên không lưu đã buộc phải yêu cầu các máy bay đậu trên đường lăn chính. Việc sương mù dày đặc xuất hiện tại Tenerife, hạn chế đáng kể tầm nhìn làm phức tạp thêm tình hình.
Vì đường lăn chính đã bị chặn bởi nhiều máy bay, để cất cánh được, cả hai chiếc 747 đều phải chạy lăn trên đường băng duy nhất nhằm tiến vào vị trí cất cánh.
Màn sương mù quá dày đặc khiến cả hai chiếc máy bay đều không thể nhìn thấy nhau, và cả kiểm soát viên không lưu cũng không thể nhìn thấy đường băng lẫn hai chiếc Boeing 747.
Vì sân bay không có hệ thống ra đa mặt đất, cách duy nhất để kiểm soát viên xác định vị trí của mỗi chiếc máy bay là thông qua báo cáo trên sóng radio từ buồng lái của hai chiếc máy bay.
Bởi một vài hiểu lầm trong giao tiếp sau đó, chiếc máy bay của Hà Lan đã chạy đà để cất cánh trong khi máy bay của Mỹ vẫn còn trên đường băng.
Vụ va chạm sau đó đã phá hủy hoàn toàn hai chiếc máy bay, làm thiệt mạng 248 người trên chuyến bay KLM, và 335 trong số 395 người trên chuyến bay Pan Am. Chỉ có 61 người sống sót trên máy bay Pan Am, gồm cơ trưởng, cơ phó và kỹ sư bay của chuyến bay.
Với tổng số 583 ca tử vong, đây là vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất trong lịch sử ngành hàng không tính đến nay.
Cuộc điều tra sau đó kết luận nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do cơ trưởng Veldhuyzen van Zanten của KLM đã cất cánh trước khi được cho phép. Nguyên nhân dẫn đến sai lầm này của ông là do ông muốn rời càng sớm càng tốt để không vi phạm quy định giờ làm việc của KLM, và trước khi thời tiết chuyển biến xấu hơn nữa.
Vụ tai nạn đã gây ảnh hưởng lâu dài đối với ngành hàng không. Sau vụ việc, các cơ quan hàng không trên thế giới đã yêu cầu bắt buộc sử dụng từ ngữ tiêu chuẩn trong giao tiếp giữa đài kiểm soát không lưu và các phi công, nhằm giảm thiểu khả năng hiểu lầm.
Theo T.B (Kiến Thức)
Bài liên quan:
> 10 vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử thế giới