(Tân Thế Kỷ) Một mùa Trung thu nữa lại đến, không khí đoàn viên ấm áp và niềm hân hoan của trẻ nhỏ lại rộn ràng khắp chốn nhân gian. Đêm rằm hôm nay cũng là mùa siêu trăng cuối cùng năm 2023, nhà nhà các thành viên lại ngồi ấm cúng bên nhau phá cỗ, chuyện trò. Đây cũng là thời khắc nhắc lại nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu này.
Tết Trung Thu còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Trẻ em rất mong đợi ngày này vì thường được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he…và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thỏa thích.
Nguồn gốc Tết Trung Thu
Sách “Chu Lễ” viết: “Trung thu, dạ nghênh hàn” (đêm trung thu đón rét). Mùa thu có 3 tháng, tháng 8 là tháng chính giữa mùa thu, và ngày 15 cũng chính là ngày giữa tháng. Cho nên cổ nhân còn gọi “Trung Thu” là “Trọng Thu” (ngày chính giữa mùa thu).
Rằm Trung Thu có lễ tế nguyệt. “Sử Ký” viết: “Thiên tử xuân triêu nhật, thu tịch nguyệt”, nghĩa là các bậc đế vương thường làm lễ cúng tế mặt trời vào mùa xuân và cúng tế mặt trăng vào mùa thu.
Trong sách “Chu Lễ” cũng có câu: “Dĩ triêu nhật”, nhà Dịch học Trịnh Huyền thời Đông Hán chú giải rằng: “Vào ngày Xuân phân, Thiên tử làm lễ bái mặt trời, còn vào ngày Thu phân thì làm lễ cúng tế mặt trăng”.
Tập tục cúng trăng xuất hiện từ thời Tam Hoàng – Ngũ Đế. Lễ Trung Thu cũng bắt nguồn từ tập tục cúng trăng này. Sách “Tân Đường Thư” viết: “Thu phân, tịch nguyệt vu tây giao”, nghĩa là vào ngày Thu phân, hoàng đế đến ngoại ô phía tây để lễ tế Nguyệt Thần, qua đó thể hiện thái độ kính thiên, kính Đạo, kính Thần của các bậc quân vương, đồng thời cũng giáo hóa thiên hạ về lòng kính ngưỡng và biết ơn đối với Thần linh, trời đất.
Vậy vì sao Tết Trung Thu phải cúng trăng? Theo “Đại Đường giao tự lục”, mặt trăng đại biểu cho âm đức, mà từ thời điểm giữa thu trở đi là khởi điểm cho “dương tiêu âm trưởng”, đêm dài ngày ngắn. Vì thế, trăng đã trở thành nhân vật chính trong buổi lễ cúng tế này.
Tương truyền, Hoàng đế Đường Huyền Tông cùng Thân Thiên Sư và Đạo sĩ Hồng Đô, vào đêm Trung thu, Thiên Sư làm phép du ngoạn ban đêm tại Nguyệt cung. Nghe tiếng tiên nhạc vang đến, thanh lệ uyển chuyển mà động lòng người. Đường Huyền Tông vốn thông hiểu âm luật, ghi nhớ trong lòng, sau khi trở về liền sáng tác nhạc phẩm nổi tiếng “Nghê thường vũ y khúc”, bài hát này chỉ nên có trên trời, dưới thiên hạ mới nghe được mấy lần. Chỉ sau đó, người dân mới bắt đầu có phong tục Tết Trung Thu.
Do đó, lễ hội Tết Trung Thu thật sự bắt đầu từ thời nhà Đường và thịnh hành vào thời nhà Tống, đến thời nhà Minh và nhà Thanh, lễ hội tương tự như Tết Nguyên đán của Trung Quốc, và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Khi ngắm trăng, dưới ánh trăng, người ta kể về những câu chuyện về mặt trăng đã được lưu truyền từ hàng nghìn năm nay. Chẳng hạn như Hằng Nga bay lên cung trăng, Ngô Cương chặt quế, thỏ ngọc giã thuốc, Đường Huyền Tông du ngoạn cung trăng, những cố sự này khiến buổi đêm trung thu càng thêm có ý vị. Chắc hẳn nhiều người từ nhỏ đã từng được nghe người lớn kể cho những câu chuyện liên quan đến mặt trăng như thế.
Phong tục tổ chức Tết Trung Thu càng ngày càng phong phú. Vào trước rằm Trung Thu, ở các cửa hàng thường kết hoa nhiều màu sắc treo trước cửa tiệm, trẻ con chơi đùa tới đêm, chợ đêm họp đến sáng… Đến nay, Tết Trung Thu đã trở thành ngày hội truyền thống trọng đại tại các nước Á Đông.
Nguồn gốc của việc ăn bánh trung thu
Những chiếc bánh trung thu để cúng trăng ban đầu rất to. “Đế kinh cảnh vật lược” thời nhà Minh ghi chép rằng: “Ngày rằm tháng tám, khi cúng tế trăng, bánh trái phải hình tròn, bánh có đường kính bằng hai thước”. “Yên kinh tuế thời ký” vào thời nhà Thanh cũng ghi chép rằng “[Bánh trung thu] lớn hơn một thước, có hình con cóc và con thỏ ở cung trăng”, cho thấy bánh trung thu thời này cũng được làm rất tinh xảo. Sau khi lễ cúng trăng được lưu truyền vào dân gian, các loại bánh trung thu ngày càng đa dạng.
Theo truyền thuyết, danh tướng Lý Tĩnh thời Đại Đường chinh phạt người Hung nô và chiến thắng trở về vào ngày 15 tháng 8. Một số thương nhân từ Thổ Phồn đã tặng bánh cho Đường Cao Tổ Lý Uyên để chúc mừng chiến thắng. Cao Tổ cầm lấy chiếc bánh hình tròn, mỉm cười chỉ mặt trăng và nói: Nên mời con cóc ăn bánh. Sau đó, đem bánh chia cho quần thần. Từ đó mới có tục ăn bánh trung thu.
Đến cuối thời nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương khởi binh chống lại triều đình nhà Nguyên của Mông Cổ, cũng đã dùng bánh trung thu để bí mật truyền tin. Khi mọi người mua bánh về nhà, họ tìm thấy mẩu giấy ghi dòng chữ “ngày 15 tháng 8 giết Thát tử” nằm trong bánh trung thu, mọi người cùng nhau hưởng ứng. Cứ thế, tập tục ăn bánh trung thu vào Tết Trung thu vẫn được tiếp tục.
“Tây hồ du lãm chí” thời nhà Minh ghi chép rằng “Ngày 15 tháng 8 là Tết Trung Thu, nhân gian dùng bánh trung thu để thể hiện ý nghĩa đoàn tụ.” Vào ngày này, mâm quả cúng trăng phải là tròn, ngụ ý đoàn viên. Lễ vật cúng trăng sẽ được Thần mặt trăng ép nhập những phước lành vào trong đó, nên mọi người chia bánh cho nhau ăn sẽ được Thần mặt trăng ban phước lành.
Ở Việt Nam, Tết Trung Thu được mọi người đón nhận vô cùng náo nhiệt. Không rõ tết Trung Thu xuất phát từ người Hoa Hạ hay người Bách Việt, nhưng cả hai nền văn hóa đều rất coi trọng ngày lễ lớn này. Tại Việt Nam, Trung Thu mang đậm màu sắc dân tộc Việt. Người nước ngoài đến Việt Nam có ấn tượng mạnh mẽ với cách mà chúng ta đón chào ngày Tết Đoàn viên.
Thỏ ngọc giã thuốc
Lý Bạch có câu thơ: “Bạch thố đảo dược thu phục xuân” (Thỏ trắng giã thuốc mãi thu rồi lại xuân). Mô tả xuân đi rồi thu đến, thỏ ngọc vẫn miệt mài giã thuốc.
Nguyệt thố lần đầu tiên được nhìn thấy trong “Thiên vấn” của Khuất Nguyên “Nguyệt trung cố thố”. Trong bài “Đổng đào hành” của Nhạc Phủ thời Đông Hán có câu:
Hái lấy ngọn cây trên núi thần dược, thỏ trắng giã thành viên thuốc cóc, dâng lên bệ hạ một đĩa ngọc, uống thuốc này có thể đắc Thần Tiên”.
“Bác vật chí” thời nhà Tấn cũng nói: “Con thỏ mang thai trong khi nhìn vào mặt trăng, và nôn ra một thỏ con từ miệng của mình”.
Nghĩa là thỏ trong thiên hạ đều là thỏ cái, liếm lông nhìn thỏ ngọc trên cung trăng mà mang thai, rồi từ trong miệng mà nôn ra thỏ con.
Nhắc đến chuyện này, thì trong “Phong Thần diễn nghĩa” có một cố sự về Cơ Xương nôn ra con: Trụ Vương đã giết chết con trai cả của Cơ Xương là Bá Ấp Khảo, rồi làm thành bánh cho Cơ Xương ăn để thăm dò Cơ Xương. Mặc dù Chu Văn Vương Cơ Xương biết đó là thịt của con trai mình nhưng vẫn ngậm ngùi mà ăn vì tương lai sau này. Trên đường trở về Tây Kỳ, trong tim như bị dao cắt, ông nhổ ra ba miếng thịt và biến thành ba con thỏ trong gió, đó là đồng âm với “Thổ tử”. Ba con thỏ là ba linh hồn của Bá Ấp Khảo, sau đó biến thành một con thỏ, và được Hằng Nga đưa đến Cung trăng theo lệnh của Nữ Oa.
Hằng nga bay lên cung trăng
Câu chuyện về Hằng Nga bay lên cung trăng đã được lưu truyền rộng rãi, đó là mối tình biệt ly kẻ chốn nhân gian người trên thiên thượng giữa Hậu Nghệ và Tiên tử cung trăng.
Khi ta ngước nhìn lên vầng trăng sáng sẽ luôn nghĩ đến Hằng Nga. Lý Thương Ẩn có câu:
Thường Nga ưng hối thâu linh dược,
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.
(Thường Nga chắc hẳn hối hận đã ăn trộm thuốc thiêng
Hằng đêm phơi bày tấm lòng giữa nơi trời xanh, biển biếc)
Trong bài thơ “Đề Mỹ Nhân” của Biên Cống thời Minh viết:
Cộng tại nhân gian thuyết thiên thượng,
Bất tri thiên thượng ức nhân gian.
(Khi cùng ở nhân gian luôn nhắc đến trên trời
Biết đâu khi ở trên trời lại nhớ nhân gian.)
Tất cả đều muốn biểu đạt rằng, thân nhân trên trời mong muốn đoàn viên sum họp với người nhà dưới nhân gian, đây có thể là ý nghĩa ban đầu của câu chuyện.
Ngắm trăng nhớ người thân, gia đình
Lý Bạch viết trong bài “Tĩnh dạ tứ”: “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương”. Câu thơ đã thể hiện tâm trạng nhớ quê nhà da diết của thi nhân mỗi khi ngắm trăng tròn.
Đối với những người con xa quê, xa gia đình, phiêu bạt ở nơi đất khách quê người, mỗi khi có điều kiện họ lại trở về thăm gia đình, bạn bè, người thân, cùng nhau “phá cỗ trăng rằm”. Những ai không về được thường ngắm trăng mà nhớ cố hương. Khi ấy, những ký ức tuổi thơ năm nào lại ùa về dưới ánh trăng…
Nghi Vân (t.h)
Theo NTDVN, Epoch Times, Soundofhope
VIDEO CHỌN LỌC:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*